Đây là chủ đề được các nhà quản lý, chuyên gia công nghệ hào hứng trao đổi tại Hội thảo quốc tế 4G/5G ngày 6-5 tại Hà Nội
Các ý kiến cho rằng để khẳng định là Việt Nam chuẩn bị cho 5G từ bây giờ là sớm hay muộn, cần nhìn vào thực tế phát triển của Việt Nam, nhu cầu ứng dụng hiện tại và tương lai cũng như đặt vào xu hướng phát triển chung của thế giới.
Nói về 5G có sớm quá không?
Theo nhận định của ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia, vào cuối năm 2019, trên thế giới, mạng 5G sẽ được thương mại hóa. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam bàn bạc, xây dựng chiến lược phát triển 5G của mình.
Các chuyên gia cho rằng phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp trong phát triển 5G - Ảnh: THANh HÀ
Trước câu hỏi Việt Nam mới triển khai 4G diện rộng vào năm 2017 mà đã nói tới 5G liệu có sớm hay không, đại diện Qualcomm cho biết không bao giờ quá sớm để thực hiện quy hoạch. Việc lên kế hoạch sớm sẽ càng có nền tảng, càng chuẩn bị thấu đáo, khi triển khai sẽ càng mạnh mẽ hiệu quả.
Còn theo ông Mohamed Madkour, Phó Chủ tịch phụ trách Tiếp thị mạng không dây, Giám đốc thị trường toàn cầu Huawei, Công nghệ 5G có tốc độ cao gấp hàng chục lần 4G, độ trễ thấp, tính tin cậy cao hơn…
"Với việc các công nghệ và tiêu chuẩn 5G sớm được thiết lập, chúng ta sẽ thấy các hệ thống mạng 5G thương mại sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn cầu vào năm 2020. Do đó, cho dù cần có thời gian để phát triển các hệ thống mạng 5G, thì ngay từ bây giờ các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam có thể bắt đầu xây dựng các năng lực để hỗ trợ các dịch vụ 5G trong tương lai" - ông Mohamed Madkour nhận định - "Chính vì thế, đặt trong xu thế phát triển hiện nay, Việt Nam cần phải chuẩn bị để hướng tới 5G trong tương lai và đây không còn là điều quá sớm".
"Với các nhu cầu lớn như muốn xem video 4K khi đang di chuyển trên tàu tốc độ cao thì chỉ có công nghệ 5G mới đáp ứng hiệu quả"- đại diện Samsung nói.
Trong khi đó, bà Julie Welch, Phó Chủ tịch khối Quan hệ chính phủ, Qualcomm khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và Thái Bình Dương cho hay: Theo một thống kê, tại Việt Nam năm 2017, 40% smartphone bán ra thị trường có khả năng kết nối 4G. Năm 2018 dự kiến con số này sẽ tăng lên 55%. Cùng đó Internet phát triển mạnh mẽ, là cơ hội để Việt Nam tiến lên 5G.
"Nếu không muốn tụt hậu, Việt Nam cần xem xét đến việc phát triển 5G để bắt kịp xu hướng. Các nhà mạng phải thiết để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đón đầu xu hướng", bà Julie Welch nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần nhìn nhận sự phát triển 5G là xu hướng tất yếu ở mức cao hơn để đem lại nhiều cơ hội phát triển hơn. Trong đó, đặc biệt là cần chú trọng đến sự phát triển dịch vụ hài hòa ở từng khu vực khác nhau như nông thôn, thành phố, các đối tượng người dùng khác nhau.
Đưa ra thêm hướng gợi ý cho hướng phát triển 5G tại Việt Nam, tại hội thảo các chuyên gia cho rằng phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp trong phát triển 5G. Phải mở cửa để tạo cơ hội cho 5G nhảy vào các lĩnh vực trong phát triển tòa nhà thông minh, đô thị thông minh, dịch vụ video trực tuyến…
Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo quốc tế 4G/5G 2018 do Hiệp hội Internet Việt Nam và IDG tổ chức, ông Nam cho biết Việt Nam đã ra mắt 4G chậm hơn các nước và không nên tiếp tục chậm hơn với 5G. Do đó, vào năm 2020 cần bắt đầu có những bước đi thích hợp.
Theo ông Nam, việc chuyển đổi lên 5G ở Việt Nam sẽ khác từ 3G lên 4G. Nếu như "động lực" từ 3G lên 4G là đáp ứng nhu cầu truy cập trên smartphone thì 5G sẽ là những mô hình mới được tạo ra như y tế, chăm sóc sức khỏe, oto tự lái…
Phát triển 5G không gây lãng phí
5G không chỉ đơn thuần là tốc độ cao hơn. Với quốc gia đang phát triển như VN, yếu tố kết nối công nghệ không dây rất quan trọng. có thể nói 5G nếu triển khai sẽ đáp ứng giải pháp kết nối nhiều thiết bị trong nhiều lĩnh vực khác nhau- các chuyên gia công nghệ của Qualcomm phân tích.
Nếu như công nghệ 4G xuất phát từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, thì đến 5G đã có sự thay đổi, công nghệ này phát triển ở tất cả các nước trong khoảng 2019- 2020, đồng thời ở nhiều quốc gia, trong đó một số quốc gia châu Á đang đi dầu. VN chuẩn bị nhập cuộc ngay từ bây giờ, nếu không sẽ quá muộn. Năm 2019 là thời điểm hợp lý, không nên để muộn hơn.
Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Việc tiến lên 5G không phải là bỏ đi các công nghệ, hạ tầng cũ đã sẵn có gây lãng phí.
Ông Thanongdeuane Toulihong, Phó Cục trưởng, Cục Viễn thông Lào cho hay tại quốc gia này đang có công nghệ 2G, 3G, 4G và đã xem xét đến sự phát triển 5G.
"Tôi cho rằng dù phát triển lên 5G thì chúng ta cũng không loại bỏ bất cứ công nghệ nào bởi nhu cầu sử dụng là khác nhau, mỗi công nghệ đều có đối tượng sử dụng nhất định", ông Thanongdeuane Toulihong nói.
Đồng quan điểm, ông Chaturon Choksawat, Cục trưởng, Cục Cấp phép kinh doanh hạ tầng Viễn thông, Văn phòng Ủy ban Viễn thông và Phát thanh truyền hình Thái Lan cho hay quốc gia này cũng đang phát triển mạnh OTT, IoT… và đang cố gắng tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của 3G, 4G để tương lai tiến lên 5G.
Ở góc độ kỹ thuật, đại diện Huawei cho rằng phát triển lên 5G thì thực tế vẫn cần sử dụng đến các modul của 2G, 3G.
Trao đổi tại hội thảo, ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch Qualcomm Technologies khu vực châu Á- Thái Bình Dương và Ấn Độ nhận định: "5G sẽ là trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam".
"Thời gian tới Qualcomm sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái di động. Đồng thời, thực tế đó đòi hỏi Việt Nam cần có sự tác động chính sách phù hợp để phát triển trong tương lai", ông Jim Cathey nói.
5G sẽ là trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng các doanh nghiệp viễn thông và CNTT cần có bước chuyển mình phù hợp, đồng thời có những phương án đầu tư mang tính chiến lược để nắm lấy cơ hội và tận dụng ưu thế về công nghệ, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo đà đột phá cho cả hệ sinh thái của nền kinh tế số phát triển.
"Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn luôn đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong việc phát triến và ứng dụng các dịch vụ, công nghệ tiên tiến vì sự phát triến chung của ngành, của các doanh nghiêp cũng như cả nền kinh tế, lợi ích quốc gia"- Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cam kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận