25/01/2025 14:58 GMT+7

Việt Nam 8 năm liền đón giao thừa vào 29 Tết, chuỗi dài nhất trong 3 thế kỷ

Từ năm 2025 đến hết năm 2032, khi đón Tết Nguyên đán, tất cả đêm giao thừa ở Việt Nam đều rơi vào 29 Tết, không có ngày 30 Tết.

Việt Nam 8 năm liền đón giao thừa vào 29 Tết, chuỗi dài nhất trong 3 thế kỷ - Ảnh 1.

Chụp ảnh kỷ niệm vào thời khắc năm cũ chuyển sang năm mới - Ảnh: THANH HIỆP

Theo các chuyên gia lịch học, âm lịch dựa trên chu kỳ của Mặt Trăng, với mỗi tháng âm lịch thường kéo dài khoảng 29,53 ngày.

Vì vậy, một tháng âm lịch chỉ có thể là 29 hoặc 30 ngày, được gọi lần lượt là "thiếu" và "đủ". Các tháng trong năm âm lịch được sắp xếp dựa trên chu kỳ tròn khuyết của Mặt Trăng, không phải theo số ngày cố định như dương lịch.

Để tính toán ngày tháng âm lịch, các nhà thiên văn học sẽ theo dõi chính xác thời điểm Mặt Trăng tròn nhất (rằm) và mới nhất (mùng 1). Nếu một tháng kéo dài đủ 29,53 ngày, nó sẽ làm tròn thành 30 ngày. Nếu không đủ, tháng đó sẽ chỉ có 29 ngày.

Độ dài của tháng chạp (tháng cuối cùng trong năm âm lịch) quyết định ngày cuối cùng của năm, tức ngày giao thừa, rơi vào 29 hoặc 30.

Các năm liên tiếp có giao thừa rơi vào ngày 29 thường xảy ra khi tháng chạp trong các năm đó là "thiếu" (29 ngày).

Vì một năm âm lịch chỉ kéo dài khoảng 354 ngày (hoặc 384 ngày nếu có tháng nhuận), ngắn hơn dương lịch, cũng dẫn đến sự điều chỉnh các tháng "đủ" và "thiếu" trong từng năm.

Bên cạnh đó, để đồng bộ hóa với dương lịch, lịch âm cần có thêm tháng nhuận sau mỗi chu kỳ 2 - 3 năm. Việc này không chỉ tác động đến ngày Tết âm lịch mà còn ảnh hưởng đến số ngày trong các tháng cuối năm. Khi không có tháng nhuận hoặc khi các tháng trước đó chủ yếu là tháng "thiếu", giao thừa thường có thể rơi vào ngày 29.

Theo một chuyên gia về lịch học tại Việt Nam, tính cả trong 3 thế kỷ (20, 21 và 22), có nhiều chuỗi tháng chạp thiếu (nghĩa là giao thừa rơi vào 29 tháng chạp), phổ biến hơn cả là 2 hoặc 3 năm liên tiếp. Chuỗi 4 năm liên tiếp trở lên khá hiếm.

Chuỗi tháng chạp 29 ngày dài nhất là 8 năm. Đặc biệt chuỗi này bắt đầu kéo dài từ năm nay 2025 đến hết năm 2032.

Cũng đồng nghĩa từ năm 2025, chúng ta bắt đầu bước vào chuỗi 8 năm đón giao thừa vào đêm 29 tháng chạp - dài nhất trong 3 thế kỷ, không có ngày 30 Tết.

Chuỗi 8 năm giao thừa 29 Tết có ở Việt Nam, không có ở Trung Quốc, vì sao?

Một điểm thú vị là hiện tượng tháng chạp thiếu kéo dài 8 năm tới đây xảy ra với âm lịch Việt Nam do sử dụng múi giờ GMT+7. Trong khi đó Trung Quốc sử dụng múi giờ GMT+8, sẽ có tháng chạp năm 2030 đủ 30 ngày thay vì thiếu.

Vào thời khắc chuyển giao của năm 2030, điểm sóc (thời điểm bắt đầu tháng giêng) rơi vào sau 23h giờ Hà Nội (GMT+7), vẫn thuộc ngày hôm trước. Tuy nhiên theo múi giờ GMT+8, điểm sóc này đã sang ngày hôm sau.

Kết quả là Việt Nam sẽ đón Tết sớm hơn Trung Quốc một ngày vào năm 2030. Tương tự, Hàn Quốc có múi giờ GMT+9, cũng sẽ đón giao thừa Tết 2030 vào 30 Tết thay vì 29 Tết như Việt Nam.

Bên cạnh chuỗi 8 năm tháng chạp thiếu liên tiếp, trong 3 thế kỷ 20, 21, 22, âm lịch Việt Nam còn ghi nhận hai chuỗi liên tiếp, mỗi chuỗi 8 năm, mà tháng chạp đủ 30 ngày. Đó là 2 chuỗi 8 năm từ năm 1919 đến năm 1926 và 8 năm từ 2131 đến 2138.

8 năm đón giao thừa vào ngày 29 Tết, dài nhất trong 3 thế kỷ - Ảnh 2.Metro Hà Nội lên phương án hoạt động xuyên giao thừa

Hai tuyến metro của Hà Nội sẽ hoạt động xuyên giao thừa Tết Ất Tỵ nếu nhu cầu của hành khách đông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên