15/08/2023 06:03 GMT+7

Viện phí mới thay đổi thế nào?

LAN ANH
và 1 tác giả khác

Bắt đầu từ hôm nay (15-8) sẽ áp dụng quy định mới về giá dịch vụ theo yêu cầu, nhưng viện phí chung mới tăng theo lương cơ sở (lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng từ ngày 1-7) thì thời hạn áp dụng sẽ chậm hơn.

Người bệnh chờ khám tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: LAN ANH

Người bệnh chờ khám tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: LAN ANH

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-8, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng thông tư hướng dẫn viện phí mới, cho biết chiều cùng ngày các chuyên gia đã họp thống nhất dự thảo trước khi gửi Bộ Tài chính xin ý kiến, vì thế viện phí mới sẽ áp dụng nhanh nhất cũng phải từ tháng 10 tới.

Có ảnh hưởng đến người bệnh?

Viện phí mới thay đổi tăng ở đâu, chi phí nào thay đổi, người bệnh ảnh hưởng những gì?

Theo ông Lê Văn Phúc, trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), viện phí mới thay đổi do thay đổi về mức lương nên sẽ điều chỉnh chính ở phần nhân công trong giá dịch vụ y tế.

Với kết cấu như vậy, những dịch vụ y tế có phần nhân công cao như tiền khám, tiền giường bệnh, tiền phẫu thuật thủ thuật có kết cấu nhân công cao trong chi phí thì sẽ tăng hơn trước. Còn phí xét nghiệm, chụp chiếu do sử dụng thiết bị nhiều vì vậy chi phí sẽ không tăng nhiều.

"Chúng tôi tính sơ bộ một lần khám sẽ tăng 3.000 đồng ở tất cả các tuyến, mỗi năm trung bình cả nước có 150 triệu lượt khám, phần chi phí bảo hiểm trả tiền khám bệnh sẽ tăng. Tiền giường bệnh sẽ tính theo tùy từng loại giường bệnh. Với mức tăng mới này, quỹ bảo hiểm sẽ chi tăng thêm khoảng 2.900 tỉ và tất cả là phần chi vào nhân công, tăng thêm thu nhập cho y bác sĩ" - ông Phúc nói.

Trong khi đó, phía Bộ Y tế cho biết dự thảo đang xây dựng đã nhận được sự thống nhất của nhiều cơ quan chức năng và viện phí mới sẽ không tăng cao ảnh hưởng đến mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). "Nếu tăng trong mức này thì không ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm nhiều do kết dư bảo hiểm y tế còn 58.000 tỉ đồng" - vị này chia sẻ.

Theo thông báo của Tổng cục Thống kê, CPI quý 2-2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ 2022, nếu theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) thì viện phí mới (tăng theo lương mới) sẽ không vượt quá mức này.

Với bệnh nhân bảo hiểm, phần lớn phần tăng sẽ do bảo hiểm chi trả, người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế sẽ chi khoản 5 - 20% cùng chi trả. Nhưng khoản này được tính trên mức tăng kể trên cũng là mức tăng chung của CPI, như vậy theo các chuyên gia, là mức chấp nhận được. Với người bệnh sử dụng dịch vụ theo yêu cầu sẽ có khung giá riêng và cũng có hiệu lực áp dụng từ hôm nay (15-8).

Viện phí mới đã đủ bù đắp chi phí?

Viện phí mới thu 4/7 yếu tố cấu thành trong khi bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính là một trong những vấn đề khiến nhiều bệnh viện kêu là chưa bù đắp được chi phí, đặc biệt là khó chi trả cao hơn cho y bác sĩ.

Với phần giá tăng kể trên (đều dành cho nhân công), sẽ có thêm khoản chi trả cho nhân lực y khoa nhưng chưa được nhiều.

Theo lộ trình tới đây sẽ đưa thêm các cấu phần tạo nên giá dịch vụ như phí quản lý, sau đó là khấu hao tài sản cố định, nhưng những cấu phần này sẽ áp dụng sau khi Luật Khám chữa bệnh mới sửa đổi có hiệu lực.

Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết dù sắp tới Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư giá dịch vụ khám chữa bệnh mới nhưng thực tế vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu chi trả của các cơ sở y tế, do viện phí vẫn chỉ dựa vào cơ cấu cũ là hai yếu tố gồm chi phí trực tiếp sử dụng cho khám chữa bệnh (thuốc, dịch truyền, bông băng...) và tiền lương. Trong đó, chỉ tăng chi phí tiền lương do mức lương cơ sở tăng mà chưa làm được khung giá khám bệnh chữa bệnh với đầy đủ yếu tố chi phí.

Vị này cũng cho rằng tất cả các bệnh viện đều mong chờ thay đổi giá khám chữa bệnh với lộ trình kết cấu đầy đủ các chi phí còn lại gồm điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

"Giá khám bệnh chữa bệnh chưa kết cấu đầy đủ yếu tố chi phí, bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong thực hiện tự chủ. Không nâng cấp được trình độ chuyên môn kỹ thuật đã đành, đời sống nhân viên đi xuống, người bệnh vì thế không thể thụ hưởng được các dịch vụ y tế tốt nhất" - lãnh đạo này nói.

Một giám đốc bệnh viện hạng I tại TP.HCM cũng cho rằng việc điều chỉnh dịch vụ khám chữa bệnh theo mức lương cơ bản chỉ là giải pháp "đến hẹn lại lên" và chưa thể thúc đẩy quá trình tự chủ của các bệnh viện.

Vị này nói: "Bệnh viện thu không đủ chi nên sẽ phải cân đối sao cho phù hợp, duy trì hoạt động nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ".

Tỉ lệ khám và chi bảo hiểm y tế tăng cao

Theo ông Phan Văn Mến, giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, so với các năm trước đây, hiện tại Hà Nội và TP.HCM mức độ gia tăng số lượt khám và chi phí bảo hiểm y tế.

Hà Nội số lượt khám tăng lên 28% và số chi tăng 26,1% so với cùng kỳ 2022. TP.HCM tương tự Hà Nội. Sáu tháng đầu 2023, Hà Nội chi cao hơn năm 2022 là 2.500 tỉ đồng, TP.HCM là 2.000 tỉ đồng từ quỹ bảo hiểm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mức chi bảo hiểm y tế gia tăng. Theo ông Mến, sau dịch COVID-19 người bệnh đi thăm khám tăng cao; các bệnh viện được giao tự chủ tài chính nên chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao và số lượng chỉ định điều trị nội trú tăng cao, kéo dài thời gian điều trị.

Đặc biệt, dự thảo sửa nghị định 146 của Chính phủ về Luật Bảo hiểm y tế không còn giới hạn tổng mức thanh toán bảo hiểm y tế, điều này khiến các bệnh viện không còn phải khống chế mức chi và chỉ định các dịch vụ miễn là trong danh mục được phép.

Như vậy, nếu nhìn toàn diện thì cả bệnh viện và bệnh nhân đều được hưởng lợi. Tuy vậy, theo ông Mến, điều này dẫn đến nguy cơ lạm dụng quỹ.

"Có những người bệnh đáng ra được xuất viện về rồi nhưng bệnh viện vẫn giữ lại để tăng thu tiền giường, thuốc, vật tư y tế. Đặc biệt còn có việc lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật vì trên thực tế có những chỉ định không phục vụ cho công tác điều trị nhưng lại nằm trong quỹ bảo hiểm y tế chi trả" - ông Mến nói.

Viện phí tăng bao nhiêu % sau khi tăng lương cơ sở?Viện phí tăng bao nhiêu % sau khi tăng lương cơ sở?

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh dự kiến thực hiện từ 1-7 theo sự thay đổi mức lương cơ sở. Nhưng mức điều chỉnh như thế nào, ảnh hưởng thực tế ra sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên