Liệt chi, đi khám nhiều nơi nhưng chẩn đoán 1 bệnh thành 2
Anh H.V.B. (45 tuổi, Tuyên Quang) cùng lúc bị bệnh vảy nến phủ khắp trên đầu, khu vực khớp tay, chân, thắt lưng và viêm khớp. Bệnh hành hạ gần 2 tháng, hai khớp gối sưng, nóng, đau đớn, không đi lại được phải ngồi xe lăn.
Anh đã đi khám và điều trị nhiều nơi riêng rẽ về bệnh vảy nến và viêm khớp nhưng không khỏi. Chỉ đến khi gần như bị liệt không đi lại được, anh mới được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ chẩn đoán mắc viêm khớp vảy nến.
Người bệnh được điều trị theo phác đồ bệnh viêm khớp vảy nến và sau gần 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh đã cải thiện đến 90%. Người bệnh không còn đau các khớp, có thể đứng lên đi lại, lao động bình thường.
TS Lê Thị Bích Thủy, trưởng khoa nội thần kinh - cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, cho biết bệnh lý khớp gối của bệnh nhân không đơn thuần là viêm khớp và tràn dịch do thoái hóa mà là viêm khớp gối đối xứng hai bên do vảy nến (viêm khớp vảy nến).
GS.TS Trần Trung Dũng, chuyên gia xương khớp, cho biết viêm khớp vảy nến là một chứng bệnh thường gặp nhưng ít được nhắc đến, vì ít người nghĩ đến hai tổn thương này có liên quan nên thường được chẩn đoán thành hai bệnh.
Viêm khớp vảy nến được xếp vào nhóm bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, gồm triệu chứng tại khớp và triệu chứng ngoài khớp (nổi bật là tổn thương da).
Giới y khoa ghi nhận 70% bệnh nhân bị vảy nến sẽ xuất hiện viêm khớp sau biểu hiện viêm da nhiều năm, chỉ có 15% tổn thương khớp và da cùng lúc và 15% còn lại ở tổn thương khớp xuất hiện trước tổn thương da.
Trong thực tế, do hai tổn thương này không xuất hiện cùng lúc, thậm chí xuất hiện cùng lúc, song bệnh nhân vẫn được chẩn đoán thành hai bệnh riêng biệt viêm khớp và vảy nến.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Liên - Bệnh viện Da liễu TP.HCM, vảy nến là một bệnh viêm hệ thống, không chỉ biểu hiện ngoài da mà còn biểu hiện ở nhiều cơ quan khác như hệ tim mạch, mắt, hệ tiêu hóa, gây rối loạn chuyển hóa…, đặc biệt gây tổn thương khớp. Tổn thương khớp trong bệnh vảy nến được gọi là vảy nến khớp hay viêm khớp vảy nến.
Viêm khớp vảy nến là bệnh lý viêm ở các khớp hoặc cột sống, có khoảng 30% bệnh nhân vảy nến sẽ xuất hiện viêm khớp vảy nến trong quá trình bệnh của mình. Dần dần sẽ dẫn đến phá hủy khớp, biến dạng khớp, mất chức năng vận động và cuối cùng là tàn phế.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo TS Lê Thị Bích Thủy, bệnh viêm khớp vảy nến là một nhóm bệnh viêm khớp rất đặc biệt, có triệu chứng đau khớp ban đầu gần giống với viêm khớp do thoái hóa khớp đơn thuần nhưng lại có nguy cơ biến chứng rất cao.
Viêm khớp vảy nến là một bệnh tự miễn ảnh hưởng tới 30% tổng số bệnh nhân mắc bệnh vảy nến và khoảng 1% trong tổng dân số chung. Bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ, tuổi khởi phát bệnh trung bình khoảng từ 40 - 50 tuổi.
Đây là một bệnh mạn tính hiện chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Viêm khớp không phải là dấu hiệu duy nhất của bệnh.
Viêm khớp vảy nến có thể phá hủy nhiều cơ quan khác trong cơ thể như tim, phổi và mắt. Loãng xương và viêm gân cũng là những biến chứng có thể gặp.
GS.TS Trần Trung Dũng cho biết triệu chứng của viêm khớp vảy nến rất đa dạng. Có đến 2/3 bệnh nhân viêm khớp vảy nến biểu hiện là thể viêm một khớp hoặc vài khớp ở ngoại biên không có tính chất đối xứng, hay gặp là viêm khớp lớn như khớp gối cùng với vài khớp ngón tay hoặc ngón chân, có thể viêm khớp này xảy ra sau chấn thương nên được chẩn đoán là viêm khớp chấn thương.
Đôi khi cũng gặp thể viêm nhiều khớp có tính chất đối xứng khiến lầm với các bệnh khớp khác. Thể hủy khớp cũng có thể gặp nhưng hiếm (khoảng 5%) biểu hiện bởi hủy xương ở các xương đốt ngón, bàn tay, bàn chân.
Tổn thương ngoài da trong viêm khớp vảy nến là những ban đỏ kích thước không đồng nhất (1mm đến vài cm), nổi cộm lên, có gờ cao hơn mặt da, ranh giới rõ, có vảy dày nhiều lớp màu bạc dễ bong.
Tổn thương này thường gặp ở mặt ngoài khuỷu, gối, tai, da đầu… kèm theo là các tổn thương móng: bong móng, mất độ bóng, dễ gãy, dày lên, màu vàng bẩn…
Bên cạnh tổn thương khớp và da, có thể gặp tổn thương mắt: viêm kết mạc, viêm màng bồ đào…
Do vậy, khi có các biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn sâu về bệnh lý cơ xương khớp để khám và điều trị. Khi được chẩn đoán đúng và điều trị hợp lý thì sẽ tránh được những biến chứng nguy hiểm sau này.
Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh viêm khớp vảy nến, do đó khuyến cáo người bệnh cần thay đổi lối sống để có thể phòng ngừa được các nguy cơ mắc bệnh, cũng như làm giảm thiểu các triệu chứng khó chịu và biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra:
Thiết lập thói quen tập thể dục, thể thao đều đặn mỗi ngày nhằm giữ các khớp được linh hoạt, tránh tình trạng cứng khớp.
Vận động thường xuyên cũng góp phần giúp giảm cân, cung cấp năng lượng cho cơ thể khỏe mạnh.
Loại bỏ những thói quen xấu gây hại đến sức khỏe cơ thể cũng như có hại cho khớp như hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá…
Bổ sung nhiều trái cây, rau củ quả tươi vào chế độ ăn uống hằng ngày; hạn chế chất đường, chất béo gây viêm nhiễm; tập trung vào các nguồn chất béo an toàn như cá, các loại hạt…
Tránh những căng thẳng, stress kéo dài làm các cơn đau khớp bùng phát mạnh và tồi tệ hơn. Những bài tập yoga, ngồi thiền có thể làm dịu tâm trí, xoa dịu cơn đau nhức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận