Liên quan vụ bệnh nhân viêm đường tiết niệu nhưng bị cắt bao quy đầu và chẩn đoán mắc bệnh lậu, ngày 26-3, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết Thanh tra sở đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Lê Văn Phán, bác sĩ chuyên khoa I tại Phòng khám đa khoa Tây Nguyên, đường Trần Phú, TP Pleiku.
Tước chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động 2 tháng
Ông Phán bị xử phạt vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Không tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật trong hành nghề khám chữa bệnh.
Thanh tra Sở Y tế quyết định mức xử phạt đối với bác sĩ này là 7,5 triệu đồng.
Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đối với bác sĩ Lê Văn Phán.
Ngoài ra đình chỉ hoạt động của phòng khám chuyên khoa ngoại tại Phòng khám đa khoa Tây Nguyên trong thời hạn 2 tháng.
Trước đó, phản ánh với báo chí, anh N.C.D., trú huyện Chư Prông, Gia Lai, cho hay đầu tháng 3-2024 có biểu hiện đau khi đi tiểu nên ngày 15-3, đến khám tại Phòng khám đa khoa Tây Nguyên.
Theo trình bày của anh D., qua thăm khám bác sĩ nói anh mắc bệnh lậu và chỉ định phẫu thuật hút dịch dương vật với chi phí 12,8 triệu đồng.
Phòng khám nói mắc bệnh lậu, đi xét nghiệm 2 bệnh viện âm tính
Sau khi về nhà, nghi ngờ bản thân không mắc bệnh lậu, ngay hôm sau (16-3) anh D. đã đến làm xét nghiệm tại hai bệnh viện lớn ở tỉnh Gia Lai.
Kết quả hai nơi đều kết luận âm tính với bệnh lậu, chỉ viêm đường tiết niệu. Tại đây, bác sĩ giải thích trong trường hợp nhiễm bệnh lậu thì cũng không can thiệp ngoại khoa.
Sau đó, anh D. đưa kết quả tới Phòng khám đa khoa Tây Nguyên để đối chất thì đại diện phòng khám mới nhận sai và bồi hoàn số tiền điều trị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, quyền quản lý Phòng khám đa khoa Tây Nguyên, nói hiện hai bên đã dàn xếp ổn thỏa.
Theo bà Tuyền, do lúc điều trị có hiểu nhầm về mặt quy trình, hiện phòng khám đã bồi hoàn chi phí điều trị của anh D..
Phóng viên đặt câu hỏi vì sao phòng khám chẩn đoán bệnh nhân nhiễm bệnh lậu nhưng khi đi khám tại 2 bệnh viện kết quả xét nghiệm âm tính?
Bà Tuyền dẫn ví dụ người mắc cảm cúm khi mua thuốc uống 1-2 ngày sau xét nghiệm sẽ ra kết quả khác.
Phóng viên tiếp tục hỏi tại sao điều trị bệnh lậu bằng phẫu thuật, bà Tuyền trả lời lúc đó chưa hướng về điều trị bệnh lậu, mà thực hiện mổ vì bệnh nhân bị hẹp và dài bao quy đầu.
"Lúc xử lý bác sĩ bảo nhân tiện bao quy đầu dài và bị hẹp thì cắt nó đi, lúc đó chưa có hướng xử lý bệnh lậu.
Lúc xét nghiệm tại phòng khám ra kết quả lậu nhưng phòng khám chưa chẩn đoán bệnh lậu. Phòng khám đã gửi mẫu đi xét nghiệm, đến ngày 18-3 trả kết quả dương tính" - bà Tuyền phân trần.
Điều trị bệnh lậu 1-2 ngày đã khỏi?
Trước sự khác biệt giữa kết quả xét nghiệm của 2 bệnh viện và phòng khám, cụ thể ngày 15-3 phòng khám lấy mẫu bệnh nhân xét nghiệm có bệnh lậu nhưng ngày 16-3 bệnh viện xét nghiệm âm tính.
Phóng viên thắc mắc với bệnh lậu có thể điều trị thời gian ngắn 1-2 ngày đã khỏi hay không? Bà Tuyền nói không khỏi hết được, nhưng nếu phòng khám đã vô thuốc rồi thì kết quả chắc chắn sẽ khác?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận