Rotavirus được chụp dưới kính hiển vi điện tử. Nguồn: cidrap.umn.edu
Viêm dạ dày-ruột do rotavirus là một bệnh do nhiễm khuẩn cấp ở dạ dày và ruột. Bệnh do Rotavirus gây ra lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường phân-miệng và tay-miệng.
Điều này có thể hiểu là khi tay người khi đi vệ sinh hoặc làm công việc nào đó có tiếp xúc với chất thải nhiễm rotavirus mà sau đó không có các biện pháp làm sạch tay trước khi tiếp xúc với thức ăn hoặc đường tiêu hóa… Rotavirus thuộc họ Reoviridae.
Virus này có 7 nhóm chính xếp từ A đến G nhưng gây bệnh cho người thường là các virus thuộc nhóm A. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Theo ước tính, hầu hết nhóm trẻ này ít nhất đã bị tiêu chảy cấp một lần trong khoảng từ 0 – 5 tuổi.
Viêm dạ dày-ruột cấp có khá nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như thức ăn bị nhiễm khuẩn gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Đây là một trong những virus nguy hiểm gây ra các triệu chứng viêm nhiễm thường được biết đến như tình trạng "cúm ở dạ dày", mặc dù tình trạng này không có liên quan gì đến bệnh cúm cả.
Vào năm 1974, Thomas Henry Flewett-nhà virus học người Anh đã đặt tên cho virus này là "rotavirus" sau khi quan sát chúng dưới kính hiển vi điện tử, virus rota trông giống như một cái bánh xe (rota trong tiếng Latin có nghĩa là vòng tròn). 4 năm sau đó cái tên này mới chính thức được đặt cho loại virus này.
Các dấu hiệu nhiễm bệnh đầu tiên thường khá nặng nhưng về sau cơ thể tự miễn dịch với virus này. Đó là lý do tại sao virus rota thường ít gây nhiễm ở người lớn.
Bệnh do virus rota gây ra thường xuất hiện vào mùa đông và một vài tháng của mùa xuân.
Các triệu chứng chung của bệnh thường là tiêu chảy và nôn mửa. Bệnh có thể được chữa trị tại nhà bằng biện pháp bù dịch chống mất nước do tiêu chảy gây ra. Mất nước là một biến chứng nặng của tình trạng nhiễm khuẩn rota và đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em tại các nước đang phát triển.
Hiện thế giới đã có vaccine phòng nhiễm rotavirus cho trẻ nhỏ. Vệ sinh tay là biện pháp tốt nhất để chống lại virus rota cho trẻ em và người lớn - những người ít có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng với tình trạng nhiễm khuẩn rota.
Viêm dạ dày-ruột do virus rota là bệnh rất dễ gặp ở trẻ em nói chung còn đối với người lớn thì gần như đã được miễn dịch. Điều quan trọng là phải cách ly trẻ nhiễm bệnh với các trẻ em khác ít nhất 48 giờ sau khi trẻ hết các triệu chứng tiêu chảy và nôn mửa.
Các triệu chứng của viêm dạ dày-ruột do rotavirus
Bệnh thường bắt đầu bằng một cơn sốt, tiếp theo đó là tình trạng tiêu chảy kéo dài khoảng 3 ngày rồi giảm dần, nếu nặng hơn có thể lên đến 8 ngày. Bệnh có thể gây ra đau ở vùng bụng. Ở người lớn khỏe mạnh, bệnh chỉ có các triệu chứng hoặc dấu hiệu nhẹ hoặc không có dấu hiệu gì.
Triệu chứng mất nước
Mất nước là triệu chứng nguy hiểm hơn tất cả những triệu chứng thường gặp ở nhiễm khuẩn rota. Một số dấu hiệu nhận biết: Thở sâu và nhanh; Miệng và mắt bị khô; Không có nước mắt khi trẻ khóc; Tiểu ít; Người phờ phạc, uể oải; Mắt trũng sâu.
Cho trẻ uống bổ sung ORS để chống mất nước cho cơ thể.
Nên tìm đến các giải pháp y tế nếu: Có máu trong chất nôn của trẻ; Sốt 38,90C hoặc cao hơn; Trẻ nôn mửa nhiều lần trong hơn 3 giờ; Trẻ có các dấu hiệu của mất nước; Trẻ ngủ li bì hoặc hôn mê, dễ bị kích thích hoặc đau toàn thân; Trẻ tiêu chảy nhiều lần hoặc phân có máu; Xuất hiện các dấu hiệu khác như rung ở các cơ, ra mồ hôi nhiều, nước tiểu nặng mùi; Triệu chứng mất nước không thuyên giảm mặc dù trẻ đã được bù dịch bằng các biện pháp; Tất cả các triệu chứng và dấu hiệu trên không được cải thiện trong vòng 48 giờ.
Cần hỗ trợ y tế với người lớn nếu: Xuất huyết tiêu hóa; Không có biện pháp bù và giữ nước cơ thể trong 24 giờ; Nôn mửa nhiều lần trong hơn 2 ngày; Sốt cao trên 400C; Nôn ra máu.
Nguyên nhân gây bệnh
Virus rota có ở trong phân của người bị nhiễm bệnh vài ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Thậm chí ngay cả khi người nhiễm không có các triệu chứng, virus vẫn có thể dễ dàng lan truyền qua tiếp xúc từ tay đến miệng. Một phần rất nhỏ của chất thải nhiễm virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua miệng hoặc mũi.
Virus rota có thể phát tán đến tất cả mọi thứ qua tiếp xúc từ tay có nhiễm virus của người mắc bệnh, ví dụ như thức ăn, đồ dùng hằng ngày… Những thứ này đều có khả năng nhiễm khuẩn nếu người nhiễm virus rota không thực hiện việc làm sạch tay sau khi đại tiện hoặc các bậc phụ huynh sau khi thay tã lót cho trẻ nhiễm rotavirus không rửa tay rồi cầm vào các vật dụng khác. Rotavirus có thể tồn tại vài ngày trên các bề mặt và đồ dùng và như vậy tình trạng lây nhiễm sẽ có nhiều cơ hội xảy ra.
Trong một số trường hợp, rotavirus có thể phát tán vào nước hoặc vào không khí qua các giọt nước li ti từ những cú hắt hơi hay ho của người bệnh. Điều này giải thích tại sao bệnh thường có tần suất xảy ra cao ở những nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường mẫu giáo, các nhóm trẻ gia đình…
Rotavirus ảnh hưởng trực tiếp đến những chức năng chính của ruột là hấp thu và phân phối nước đi khắp cơ thể. Vì vậy khi nhiễm khuẩn rota, các triệu chứng thường là tiêu chảy và nôn mửa; cả hai triệu chứng này đều được gây ra bởi các rối loạn chức năng chính ở ruột. Điều này cho thấy sự mất nước là biến chứng thường gặp nhất ở bệnh viêm dạ dày-ruột cấp.
Các nguyên nhân khác gây viêm dạ dày-ruột ở trẻ em
Bên cạnh nguyên nhân do virus rota gây ra, viêm dạ dày-ruột ở trẻ em ở một số trường hợp còn do một số nguyên nhân khác như:
- Uống phải các loại nước bị ô nhiễm/nhiễm khuẩn.
- Ngộ độc thức ăn từ những thực phẩm ôi thiu.
- Tác dụng phụ của việc dùng các loại thuốc kháng sinh…
Việc điều trị viêm dạ dày-ruột do những nguyên nhân này giống như điều trị do rotavirus gây ra.
Điều trị
Hiện tại chưa có phương pháp cũng như thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Tuy nhiên nếu không có biến chứng, các triệu chứng của bệnh thường tự khỏi sau khoảng từ 3 đến 8 ngày.
Các loại thuốc kháng sinh hầu như không có tác dụng với rotavirus và việc phòng chống và ngăn ngừa cơ thể mất nước là biện pháp quan trọng và cần thiết nhất. Không chỉ đơn giản là mất nước thường mà cơ thể còn bị thiếu hụt một số lượng khoáng chất quan trọng cho quá trình phát triển của cơ thể như muối và kali.
Để ngăn chặn tình trạng này, trẻ cần được uống nhiều nước hoặc bù dịch bằng ORS (oral re-hydration solutions). Nếu trẻ bị tiêu chảy cấp (và kéo dài trong nhiều ngày), cần thiết phải bù dịch và bổ sung khoáng chất để tránh các biến chứng khác gặp phải khi cơ thể thiếu nước nghiêm trọng.
Điều trị các triệu chứng khác
Các triệu chứng khác như sốt và đau ở một vài nơi trên cơ thể dùng các loại thuốc giảm đau và hạ sốt ở các liều lượng cho phép.
Phòng bệnh
Để giảm thiểu sự lan truyền của rotavirus từ tay người, nên:
- Rửa tay sau khi đi vệ sinh.
- Rửa tay sau khi thay đồ cho trẻ.
- Rửa tay và tẩy uế sau khi vệ sinh khu vực sinh hoạt của người bệnh.
Tiêm ngừa:
Hiện nay thế giới đã có 2 loại vaccine cho phòng phòng viêm dạ dày-ruột do virus rota gây ra:
- RotaTeq. Đây là vaccine phòng rotavirus ở trẻ nhỏ ở các giai đoạn 2, 4 và 6 tháng tuổi bằng đường uống. Trẻ lớn hơn và người lớn không dùng loại vaccine này.
- Rotarix. Vaccine này có 2 liều được dùng bằng đường uống. Liều thứ nhất cho trẻ ở 6 tuần tuổi, liều thứ 2 được khuyến cáo cho trẻ uống cách ít nhất 4 tuần sau liều đầu tiên. 2 liều của vaccine Rotarix nên cho trẻ uống xong trước 24 tuần tuổi.
Vệ sinh thực phẩm
Làm tốt công tác vệ sinh thực phẩm sẽ giúp ngăn ngừa được bệnh viêm dạ dày-ruột từ những vụ ngộ độc thức ăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận