Tân Sinh viên đi thuê phòng trọ cần phải biết những điều này để tránh bị lừa
Thời điểm tháng 8 hằng năm, các thành phố lớn đón một lượng tân sinh viên từ khắp nơi đổ về để nhập học, kéo theo đó là nhu cầu tìm nhà, thuê trọ rất lớn. Vì vậy, việc hiểu và nắm các bước thuê phòng trọ trở nên vô cùng quan trọng.
Theo luật sư Đỗ Đăng Khoa, việc mỗi năm có hàng chục ngàn tân sinh viên từ các nơi tìm phòng trọ để ở trong quá trình đi học xa nhà không phải là quá mới, nhưng ở một môi trường xa lạ, chưa có nhiều kinh nghiệm, việc dễ bị các "cò phòng" quảng cáo "lố", hay cài các điều khoản khiến người thuê phòng thiệt thòi là vấn nạn có xảy ra. Sau đây là 4 bước cơ bản để các bạn tân sinh viên nói riêng và những người cần tìm và thuê phòng trọ nói chung cần phải biết trước khi tiến hành đặt cọc thuê phòng:
Bước 1: Tìm hiểu các thông tin về vị trí, nơi cần ở
- Đây là bước đầu tiên để có cái nhìn tổng quát về nơi các bạn dự định thuê để ở, tìm hiểu về vị trí nơi ở, tham khảo hình ảnh phòng trọ thông qua các website, bài đăng,... Vì đây là yếu tố mang tính cá nhân, tùy theo sở thích, tiện lợi cho việc đi học, di chuyển nên sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào quyết định của người thuê trọ.
Bước 2: Đến tận nơi xem trực tiếp chỗ trọ
- Nhiều sai lầm của các bạn lần đầu thuê phòng trọ mắc phải đó là vội vàng đặt cọc sau khi nhìn thấy những hình ảnh được chụp đăng trên các trang mạng, kèm theo đó một mức giá hấp dẫn và những lời hối thúc đặt cọc vì "chậm sẽ mất ngay". Trên thực tế, các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội,... việc kinh doanh cho thuê phòng trọ là rất phổ biến, nên không hề hiếm đến mức khó tìm, nên việc các bạn đến trực tiếp tận nơi để xem là rất cần thiết.
- Việc đến tận nơi để xem còn giúp cho các bạn có cái nhìn cụ thể và thực tế về khu vực đó. Nắm bắt được lề lối sinh hoạt, an ninh, yếu tố phòng cháy chửa cháy. Gặp gỡ được trực tiếp chủ nhà để trao đổi về giá, về quy định cụ thể,...
Bước 3: Gặp chủ nhà và đàm phán hợp đồng
- Để tránh các vấn đề phát sinh sau khi thuê phòng trọ, bạn cần gặp trực tiếp chủ nhà, người cho thuê để thỏa thuận và kí kết hợp đồng bằng văn bản.
- Hợp đồng thuê trọ thông thường nếu không có gì đặc biệt thì cũng tương đối dễ hiểu và dễ nắm bắt. Trong hợp đồng cần lưu ý những nội dung sau đây:
+ Ghi rõ thời hạn hợp đồng, có thể là 6 tháng, 1 năm, 2 năm,...
+ Nên có điều khoản không được tăng giá thuê trong suốt khoảng thời gian hợp đồng hiệu lực
+ Ghi rõ số tiền phải đóng cố định hàng tháng bao gồm những gì. Thông thường, ngoài tiền cố định hàng tháng, tiền điện, nước, phí quản lý sẽ thu riêng, ở điểm này bạn cũng có thể yêu cầu ghi rõ sẽ đóng theo đơn giá như thế nào, để tránh phát sinh sau khi vào ở chủ nhà sẽ tăng giá.
Bước 4: Ký hợp đồng và đặt cọc
- Sau khi thống nhất các nội dung có trong hợp đồng, bạn và người cho thuê sẽ kí hợp đồng và bạn sẽ tiến hành đặt cọc, thông thường hợp đồng 6 tháng đến 1 năm sẽ phải đặt cọc 1 tháng. Việc đặt cọc bao nhiều tiền cũng sẽ được ghi rõ trong hợp đồng. Việc đặt cọc giúp 2 bên sẽ cùng thực hiện hợp đồng. Để dễ hiểu thì nếu bạn chuyển đi trước thời hạn hợp đồng thì bạn sẽ "mất cọc", còn chủ nhà muốn chấm dứt hợp đồng thì sẽ "đền cọc".
- Trong điều khoản đặt cọc thông thường sẽ ghi rõ sau khi hoàn thành hợp đồng mà người thuê nhà không muốn tiếp tục gia hạn thì phải hoàn trả số tiền đặt cọc.
Trên đây là 4 bước cơ bản để các tân sinh viên cũng như bạn đọc đang có nhu cầu tìm và thuê phòng trọ để ở trong thời gian học tập và làm việc xa nhà. Ngoài ra còn những thỏa thuận khác về bàn giao phòng trong trạng thái như thế nào, có những vật dụng gì và các thỏa thuận khác liên quan đến khấu hao trong quá trình ở và sinh hoạt, bạn đọc có thể trao đổi thêm trực tiếp với chủ nhà.
*Lưu ý: Câu trả lời trên chỉ mang tính chất tham khảo, trường hợp cụ thể quý độc giả nên gặp các luật sư, chuyên gia luật để cung cấp thêm thông tin để nhận được câu trả lời chính xác.
Xem thêm: Làm thẻ căn cước mới phải đóng bao nhiêu tiền?
Xem thêm: Chuyên gia hướng dẫn bạn cách tự kiểm tra quy hoạch đất đai
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận