02/04/2025

'Hóng drama' trên mạng xã hội từ vài năm gần đây bỗng dưng trở thành thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, hành vi chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, bình luận mang tính quy chụp hay phát tán tin đồn là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

Mức phạt đối với hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội

Theo khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

- Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

- Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

- Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

- Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Theo đó, các tổ chức có hành vi đăng tải, phát tán, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Còn đối với cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Thông thường mức xử phạt trung bình là 7.500.000 đồng.

Bình luận cũng có thể bị phạt

Không chỉ đăng bài, mà bình luận trên mạng xã hội cũng có thể bị xử lý nếu nội dung đó góp phần lan truyền thông tin sai lệch. Nếu một người bày tỏ sự đồng tình với thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra quan điểm cá nhân dựa trên thông tin sai và sau đó thông tin đó bị xác định là không đúng sự thật, người bình luận cũng có thể bị xem là vi phạm và bị xử phạt hành chính.

Vì thế, người dùng cần lưu ý:

- Kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ bất kỳ nội dung nào trên mạng xã hội.

- Không lan truyền tin đồn, nhất là những thông tin chưa được xác thực từ các cơ quan chức năng.

- Không bình luận quy chụp, chỉ trích cá nhân hoặc tổ chức.

- Tuân thủ quy định pháp luật về sử dụng mạng xã hội, tránh để những hành động trên không gian mạng gây hậu quả ngoài đời thực.

Tác hại khôn lường của việc ‘hóng drama’ trên mạng xã hội

Việc liên tục theo dõi những vụ việc tranh cãi trên mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn gây hại cho sức khỏe. Theo thạc sĩ Hoàng Quốc Lân - chuyên gia tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, việc tiếp xúc thường xuyên với thông tin tiêu cực khiến não bộ căng thẳng, làm tăng nguy cơ lo âu, stress và thậm chí thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống theo hướng bi quan. Không chỉ vậy, những người 'nghiện drama' dễ mất tập trung, suy giảm tư duy phản biện, đồng thời có xu hướng phán xét và chỉ trích người khác một cách vội vàng.

Về mặt sức khỏe, thói quen thức khuya để theo dõi drama làm rối loạn giấc ngủ, suy nhược thần kinh, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Việc ngồi hàng giờ trước màn hình cũng làm gia tăng nguy cơ cận thị, béo phì và các bệnh về tim mạch. Thay vì sa đà vào những câu chuyện tiêu cực, mỗi người cần học cách tiếp nhận thông tin có chọn lọc và dành thời gian cho những hoạt động lành mạnh, giúp cân bằng cuộc sống.

Xem thêm: Công dân Việt Nam được sở hữu bao nhiêu ngoại tệ? Có phải khai báo với địa phương không?

Xem thêm: Nhận cảnh báo động đất sớm, theo dõi tình trạng động đất ngay trên điện thoại

Xem thêm: Chú ý cấm đường tại trung tâm TP.HCM từ 31-3, người dân đi lại theo hướng dẫn sau

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên