Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
TS Nguyễn Bá Sơn: Vì Biển Đông là một trong những tuyến đường huyết mạch quan trọng phục vụ thương mại hàng hải toàn cầu, nên luôn thu hút sự quan tâm của dư luận, không chỉ các nước ven biển mà cả những nước bên ngoài khu vực. Những diễn biến phức tạp liên quan đến Biển Đông, yêu sách của các nước, liên tục được cập nhật trên các phương tiện thông tin của Việt Nam cũng như quốc tế và là chủ đề bình luận, thảo luận tại nhiều diễn đàn, kể cả trên mạng xã hội.
Điều làm cho những người nghiên cứu luật pháp quốc tế chú ý, đó là việc các nước như Malaysia, Trung Quốc, Philippines rồi Việt Nam có một loạt các công hàm liên quan tới nhau lưu hành tại LHQ trong thời gian vừa qua.
Vấn đề này được khởi đầu từ Công hàm số HA 59/12 ngày 12-12-2019 của Malaysia liên quan đến Đệ trình về thềm lục địa mở rộng của mình tại Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Cùng ngày, Trung Quốc gửi Công hàm số CML/14/2019 tại LHQ phản đối của Đệ trình trên của Malaysia.
Ngày 6-3-2020, Philippines gửi liên tiếp Công hàm số 000191-2020 để phản đối Công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc và Công hàm số 000192-2020 để phản đối Đệ trình của Malaysia. Ngày 23-3-2020, Trung Quốc gửi Công hàm số CML/11/2020 phản đối Philippines.
Ngày 2-4-2020, Tổng thư ký LHQ cho lưu hành công hàm số 22/HC-2020 của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ để phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông thể hiện trong hai công hàm số CML/14/2019 và Công hàm số CML/11/2020.
Ngày 10-4-2020, Phái đoàn Việt Nam tiếp tục gửi Tổng Thư ký LHQ Công hàm số 24/HC-2020 đề cập đến Công hàm ngày 12-12-2019 của Malaysia và Công hàm số 25/HC-2020 đề cập đến các Công hàm ngày 6-3-2020 của Philippines.
Điểm đáng nói ở đây đó là các quốc gia coi trọng việc khẳng định và bảo vệ các lập trường, quan điểm của mình tại LHQ - tổ chức quốc tế quan trọng nhất của nhân loại. Nội dung của các công hàm cũng cho thấy các nước thể hiện sự quan tâm đến vấn đề pháp lý, cố gắng "vận dụng" các quy định của luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích của mình.
TS Nguyễn Bá Sơn: Việc các quốc gia thành viên LHQ gửi Công hàm hay các văn kiện cho Tổng Thư ký LHQ và yêu cầu lưu hành tới các thành viên là việc làm bình thường theo thông lệ ngoại giao và thực tiễn tại LHQ. Bản thân Việt Nam đã có hàng chục công hàm, văn bản lưu hành ở LHQ liên quan đến các vấn đề ở Biển Đông từ trước đến nay.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc các quốc gia bày tỏ quan điểm của mình, bác bỏ hay ủng hộ quan điểm, lập trường của một quốc gia khác xuất phát từ một số nguyên tắc trong luật pháp quốc tế. Trong học thuyết và thực tiễn của Luật quốc tế có một nguyên tắc rất quan trọng liên quan đến biên giới, lãnh thổ - đó là nguyên tắc "ngầm thừa nhận" (acquiesence). Theo lý giải của Tòa án công lý quốc tế (ICJ), ngầm thừa nhận có nghĩa là sự công nhận một cách gián tiếp đối với hành vi đơn phương của một quốc gia khác và được quốc gia khác đó coi như sự đồng ý. Trong án lệ Malaysia/Singapore, khái niệm "ngầm thừa nhận" này được Tòa ICJ giải thích thêm rằng việc im lặng cũng có giá trị như việc lên tiếng phát biểu để thể hiện sự đồng ý đối với một hành vi hay quan điểm của quốc gia khác, nếu như hành vi hay quan điểm đó đòi hỏi quốc gia liên quan phải trả lời.
Các công hàm vừa qua của Trung Quốc, Malaysia, Philippines ở các góc độ khác nhau thể hiện các yêu sách có liên quan đến lãnh thổ hoặc các vùng biển của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam đương nhiên phải thể hiện quan điểm chính thức của mình thông qua việc gửi các công hàm ngoại giao đến Tổng Thư ký LHQ. Việc không phản hồi có thể bị diễn giải là ngầm thừa nhận yêu sách của các nước đó, như ICJ đã nói trong vụ Malaysia/Singapore.
Công hàm số 22/HC-2020 là phản hồi của Việt Nam đối với 2 công hàm ngày 12-12-2019 và ngày 23-3-2020 của Trung Quốc tại LHQ.
Trong 2 Công hàm Trung Quốc nhắc lại những yêu sách vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, đồng thời đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đó là yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với toàn bộ các quần đảo/nhóm đảo ngoài khơi Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam; yêu sách vùng biển đầy đủ cho toàn bộ các quần đảo/nhóm đảo nói trên; yêu sách về "các quyền lịch sử" ở Biển Đông.
Chẳng những vậy, trong Công hàm CML/14/2019 ngày 12-12-2019, Trung Quốc còn cho rằng yêu sách của mình "tuân theo pháp quốc tế và thực tiễn liên quan", rằng các yêu sách của Trung Quốc "được cộng đồng quốc tế biết đến". Trung Quốc cũng yêu cầu Tổng Thư ký LHQ lưu hành các công hàm của mình đến tất cả các nước thành viên.
Với tất cả những đòi hỏi phi lý, vi phạm luật pháp quốc tế và ý đồ sử dụng vỏ bọc pháp lý, cũng như diễn đàn LHQ để biện hộ và quảng bá lập trường của Trung Quốc, thì đây là một trường hợp điển hình về một hoàn cảnh đòi hỏi quốc gia liên quan phải lên tiếng, nếu không sẽ bị coi là ngầm thừa nhận những nội dung được nêu ra trong hai Công hàm nói trên.
Vì vậy, việc Việt Nam có công hàm bác bỏ những yêu sách vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông là điều đương nhiên, phù hợp thông lệ và luật pháp quốc tế.
TS Nguyễn Bá Sơn: Như đã nêu ở trên, Công hàm số 22/HC-2020 bày tỏ lập trường của Việt Nam đối với những nội dung trong các Công hàm số CML/14/2019 ngày 12-12-2019 và Công hàm CML/11/2020 ngày 23-3-2020 của Trung Quốc. Điểm đầu tiên rất quan trọng là Việt Nam bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và các quyền đối với vùng biển nêu trong công hàm của họ.
Công hàm nhắc lại lập trường nhất quán là Việt Nam có đầy đủ "chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý" để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Công hàm khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền mà các quốc gia được hưởng trên Biển Đông. Quan điểm này của Việt Nam đối lập và bác bỏ lập luận mà phía Trung Quốc đưa ra, cho rằng ngoài những quy định của Công ước còn tồn tại những quy định của luật pháp quốc tế chung, cụ thể là tập quán quốc tế, điều chỉnh việc xác định các vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các quốc gia thành viên UNCLOS 1982, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, có nghĩa vụ tôn trọng và thi hành Công ước.
Cuối cùng, Công hàm diễn giải rõ việc áp dụng các quy định của Công ước vào các cấu trúc ngoài khơi Biển Đông với 3 điểm chính, khẳng định (i) Vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121(3) của Công ước, tức là các đảo đá không thể duy trì đời sống con người hay có đời sống kinh tế riêng, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng chúng; (ii) Các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất, tức là việc áp dụng đường cơ sở quần đảo hay đường cơ sở thẳng bao quanh các cấu trúc xa nhất của các nhóm đảo đó để tạo thành một thực thể đơn nhất và yêu sách các vùng biển cho thực thể đơn nhất đó là không phù hợp với quy định của Công ước; (iii) Các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng; điều này cũng có nghĩa là việc chiếm đóng phi pháp và tiến hành bồi đắp, xây đảo nhân tạo tại các bãi ngầm hay cấu trúc lúc nổi lúc chìm không thể làm thay đổi quy chế pháp lý đã được quy định trong Công ước của các cấu trúc đó.
Đây là quan điểm hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế như đã được khẳng định lần đầu tiên trong án lệ Qatar/Bahrain (2001) tại ICJ và tiếp đó được nhắc lại bởi các cơ quan tài phán quốc tế như ICJ trong các án lệ Malaysia/Singapore (2008) và Nicaragua/Colombia (2012) hay Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông (2016) của Philippines.
Công hàm thể hiện sự nhất quán về quan điểm của Việt nam giữa vấn đề chủ quyền và vấn đề vùng biển phù hợp luật pháp quốc tế. Việt Nam không đòi chủ quyền đối với bãi ngầm và khẳng định rằng bãi ngầm không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng; Việt Nam coi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có đường cơ sở bao quanh thì cũng đồng nghĩa là vùng biển của hai quần đảo này phải xác định trên cơ sở từng cấu trúc luôn nổi thuộc hai quần đảo theo quy định tại Điều 121(3).
Sự nhất quán trong lập trường của Việt Nam còn được thể hiện trong nhiều năm qua, như Tuyên bố của Quốc hội Việt Nam năm 1994 khi phê chuẩn UNCLOS 1982 (đính kèm văn kiện phê chuẩn), Công hàm năm 1996, 2014 (liên quan đến đường cơ sở của Trung Quốc), các Công hàm năm 1998, 2009, 2012, 2014 (bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử của Trung Quốc" trên Biển Đông).
Những lập luận nêu trong Công hàm 22/HC-2020 của Việt Nam là phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, như được khẳng định trong các án lệ quốc tế mà tôi đã điểm qua ở trên.
TS Nguyễn Bá Sơn: Như tôi đã nói, ở những góc độ khác nhau, các Công hàm của Malaysia và Philippines có liên quan đến lãnh thổ và các vùng biển của Việt Nam nên chúng ta cần thể hiện lập trường chính thức của mình thông qua công hàm ngoại giao.
- Ngày 12-12-2019, Malaysia gửi Công hàm số HA59/12 cho Tổng thư ký LHQ thông báo việc nước này nộp Đệ trình về ranh giới ngoài của phần thềm lục địa mở rộng còn lại của Malaysia ở khu vực phía bắc Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Tiếp theo Đệ trình chung với Việt Nam nộp CLCS năm 2009, Malaysia khẳng định thực thi nghĩa vụ của mình theo quy định của Điều 76(8) của UNCLOS 1982.
Công hàm của Việt Nam số 24/HC-2020 ngày 10-4-2020 nhằm bảo lưu các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam liên quan đến vấn đề được nêu trong Công hàm nói trên của Malaysia. Căn cứ quy định tại Điều 76(10) và Phụ lục II (về vấn đề phân định) của UNCLOS 1982, Việt Nam lưu ý hoạt động của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa không được "làm phương hại đến các vấn đề liên quan đến phân định ranh giới giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền". Điều này hàm ý là trong trường hợp có sự chồng lấn ranh giới thềm lục địa mở rộng giữa Việt Nam và Malaysia, quyền lợi hợp pháp của Việt Nam theo Công ước phải được tôn trọng.
Công hàm 24/HC-2020 cũng nhắc lại Báo cáo chung ngày 6-5-2009 giữa Việt Nam và Malaysia về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở phần phía nam Biển Đông và Báo cáo ngày 7-5-2009 của Việt Nam về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ở phần phía bắc Biển Đông. Trên cơ sở đó, Việt Nam bảo lưu quyền của mình đệ trình các thông tin liên quan về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải tại các khu vực khác ở Biển Đông.
- Công hàm 25/HC-2020 của Việt Nam đề cập đến hai công hàm số 00191-2020 và số 00192-2020 mà Phái đoàn Philippines tại LHQ gửi Tổng thư ký LHQ ngày 6-3-2020 và chỉ nêu quan điểm bảo lưu chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền đối với các vùng biển của Việt Nam được thiết lập theo quy định của UNCLOS 1982. Mục tiêu của Việt Nam trong công hàm này là nhằm ngăn chặn những hệ lụy có thể phát sinh từ yêu sách của Philippines về chủ quyền và quyền tài phán đối với khu vực Philippines gọi là Nhóm đảo Kalayaan. Việt Nam không đề cập đến các quan điểm pháp lý liên quan đến xác định vùng biển dựa trên Phán quyết Trọng tài Biển Đông năm 2016 trong Công hàm của Philippines.
Đối chiếu với quan điểm pháp lý mà Việt Nam thể hiện trong Công hàm 22/HC-2020, có thể nhận thấy Việt Nam ủng hộ cách giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 trong các vấn đề liên quan của Tòa Trọng tài.
TS Nguyễn Bá Sơn: Theo tôi thì Công hàm ngày 17-4-2020 của Trung Quốc không có nội dung gì mới, chỉ nhắc lại những luận điệu sai trái của họ đã bị Việt Nam nhiều lần bác bỏ và những ý kiến của Việt Nam được dư luận rộng rãi của các nước trên thế giới đồng tình.
Tuy nhiên, theo tôi, trong Công hàm này có một đoạn đổi trắng thay đen lịch sử cần phải phê phán. Đó là việc Trung Quốc vu cáo là từ năm 1975 "Việt Nam đưa quân đội xâm lấn và chiếm đóng phi pháp một số đảo và bãi ngầm thuộc Nansha Qundao của Trung Quốc (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam)" và "yêu cầu Việt Nam rút tất cả quân đội và phương tiện khỏi các đảo và bãi ngầm".
Sự thật lịch sử là ít nhất từ thế kỷ 17, các Chúa Nguyễn đã thực thi chủ quyền của Việt Nam thông qua việc cử các đội Hoàng Sa - Bắc Hải ra khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp theo, các Hoàng đế Nhà Nguyễn đã cử các đội hải quân ra vẽ bản đồ, cắm cột mốc chủ quyền trên hai quần đảo này...
Trong giai đoạn chủ nghĩa thực dân thống trị, nước Pháp thay mặt cho Việt Nam quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, Việt Nam Cộng hòa tiếp quản và quản lý hai quần đảo này theo quy định của Hiệp định Genève năm 1954. Việc tiếp quản quần đảo Trường Sa vào Mùa Xuân 1975 và những hoạt động bình thường của Việt Nam trong khu vực quần đảo Trường Sa sau khi đất nước đã hòa bình, thống nhất là hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế và không có một quốc gia nào phản đối, kể cả CHND Trung Hoa, thì sao có thể nói là "chiếm đóng phi pháp" được.
Việc Nhà nước Việt Nam quản lý hòa bình và hữu hiệu hai quần đảo còn được cộng đồng quốc tế công nhận, ví dụ như từ năm 1949 Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã ghi nhận 3 trạm khí tượng của Việt Nam hoạt động trên các đảo ở Biển Đông, trong đó có Trạm Hoàng Sa số đăng ký 48860. Như vậy chẳng những chủ quyền của Việt Nam được xác định mà tên Hoàng Sa cũng được ghi nhận trong tài liệu chính thức của các tổ chức quốc tế liên chính phủ.
Ngược lại với sự quản lý hòa bình nói trên của Nhà nước Việt Nam, vào các năm 1974 và 1988, với những hành động bị luật quốc tế nghiêm cấm, phía Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo và thực thể (đảo đá, bãi cạn) trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc chiếm đóng hai quần đảo, rồi từ đó đến nay, từng bước xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hoá một cách bất hợp pháp một số đảo đá và bãi cạn thuộc khu vực quần đảo Trường Sa mới chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình căng thẳng, đe doạ hoà bình và ổn định tại Biển Đông và trong khu vực.
TS Nguyễn Bá Sơn: Theo thông tin thì ngày 18-4-2020 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt việc thành lập hai "thị hạt khu" (đơn vị hành chính cấp quận) trực thuộc cái gọi là "Thành phố Tam Sa", do Trung Quốc thành lập trái phép vào năm 2012, là "khu Tây Sa" (khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "khu Nam Sa" (khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Việc tự ý tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính trên lãnh thổ của quốc gia khác là việc làm phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế cũng như luật pháp quốc gia.
Trước tiên, thẩm quyền một quốc gia thành lập một đơn vị hành chính phụ thuộc vào việc lãnh thổ đó có phải của mình hay không. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam từ xa xưa.
Phải thấy rằng từ rất lâu, trước khi Trung Quốc vẽ hai quần đảo này lên bản đồ của mình thì các chính quyền Việt Nam đã đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào phạm vi các đơn vị hành chính - lãnh thổ do mình quản lý. Trong Dụ số 10 ngày 30-3-1938 của Hoàng Đế Bảo Đại có nhắc đến việc này như sau: "Chiếu theo các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã từ lâu và dưới các tiên triều, các cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Ngãi (nay là Quảng Ngãi - PV). Đến đời Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Ngãi".
Sau khi xâm lược Việt Nam, ký Hiệp ước 1884, với tư cách là quốc gia thừa kế Triều đình Nhà Nguyễn cai trị Việt Nam, chính quyền thuộc địa Pháp đã thiết lập Quận Hoàng sa (Nghị định 156-SC ngày 15-6-1932) và sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa (Nghị định 4702-CP ngày 21-12-1933).
Cụ thể đối với Hoàng Sa như sau: năm 1938 từ Tỉnh Quảng Ngãi sáp nhập vào Tỉnh Thừa Thiên, năm 1961 từ Tỉnh Thừa Thiên sáp nhập vào Tỉnh Quảng Nam (thành lập một xã lấy tên là xã Định Hải bao gồm trọn quần đảo, trực thuộc quận Hoà Vang), năm 1982 thành lập Huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, năm 1996 sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng thuộc Trung ương…
Còn đối với Trường Sa: năm 1956 sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy, năm 1982 thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và sau đó sáp nhập vào Tỉnh Phú Khánh, năm 1989 Huyện Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, năm 2007 điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập xã, thị trấn thuộc huyện Trường Sa (thành lập thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn)...
Không chỉ có quy định địa giới hành chính, Nhà nước Việt Nam còn thực thi chủ quyền một cách hữu hiệu, liên tục và hòa bình trên hai quần đảo Hàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Những Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa xuất bản trong các năm 1975, 1979, 1981, 1988,… đã chứng minh hùng hồn điều này.
Như vậy rõ ràng là Hoàng Sa và Trường Sa không phải là lãnh thổ vô chủ, mà từ lâu đã là là đơn vị hành chính trực thuộc một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Việc dùng vũ lực xâm lược Hoàng Sa (1974) và xâm chiếm các đá và bãi ngầm thuộc Trường Sa (1988) rồi xây dựng thành các đảo nhân tạo (từ 2014 đến 2018) hoàn toàn không đem lại danh nghĩa chủ quyền cho Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ hoặc vùng biển bị chiếm đóng đó.
Việc thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" là một việc làm sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế nên không có giá trị và nhất định sẽ bị các quốc gia trên thế giới lên án.
TS Nguyễn Bá Sơn: Ngày 21-4-2020 vừa qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nói rõ quan điểm của Nhà nước ta là: "Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông, khu vực và trên thế giới".
Như vậy, trong phát biểu trên, Nhà nước CHXHCN Việt Nam thể hiện coi trọng hòa bình, hợp tác, phát triển và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và các nước khác ven Biển Đông, đề cao vai trò của Luật pháp quốc tế trong việc giải quyết những tranh chấp và tình hình căng thẳng hiện nay tại Biển Đông.
Là một luật gia, tôi muốn nói thêm một số suy nghĩ của cá nhân mình:
Theo quy định của UNCLOS 1982, ở Biển Đông không chỉ tồn tại các quyền và lợi ích các nước ven Biển Đông, mà các quốc gia khác cũng được hưởng một số quyền liên quan đến hàng hải, bay qua, đặt dây cáp ngầm, nghiên cứu khoa học,...
Lập trường của Việt Nam là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Khoản 3 Điều 4 Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định: "Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế". Theo đó, Việt Nam ưu tiên đàm phán với các quốc gia để giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển, đảo như lâu nay chúng ta đang tiến hành.
Các nhà nghiên cứu đều thừa nhận và thực tiễn quốc tế cũng cho thấy đàm phán cũng là biện pháp hiệu quả và phổ biến nhất để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận những hạn chế của đàm phán, đặc biệt khi mà quan điểm của các bên hoàn toàn đối lập, không thể dung hoà do cách giải thích luật pháp quốc tế của các bên khác nhau.
Trong trường hợp này cần cân nhắc sử dụng những phương pháp hòa bình giải quyết tranh chấp khác được UNCLOS 1982, Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định, như: trung gian, hòa giải, tòa án quốc tế và trọng tài để có một ý kiến khách quan từ bên thứ ba trung lập, tạo cơ sở cho các bên điều chỉnh quan điểm pháp lý của mình.
Qua việc phân tích công hàm của các nước ở trên thì rõ ràng là tranh chấp trên Biển Đông có nguồn gốc từ sự khác biệt đáng kể trong việc hiểu, giải thích và vận dụng luật pháp quốc tế giữa các bên tranh chấp. Cho nên sử dụng bên thứ ba là việc làm bình thường và hợp lý khi quan điểm pháp lý các bên khác nhau. Ý kiến của bên thứ ba góp phần làm cho các bên hiểu rõ hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau để từ đó có thể hợp tác bền vững hơn.
Có quan điểm cho rằng vấn đề chủ quyền, lãnh thổ trên Biển Đông là nhạy cảm nên không thể có sự can thiệp của bên thứ ba. Nhưng, phải thấy rằng, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia không phải xuất phát từ ý chí chủ quan, mà được xác định phù hợp với luật pháp quốc tế.
Vì vậy, nếu nhìn từ góc độ này thì nhiều tranh chấp liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ thực chất xuất phát từ những bất đồng về quan điểm pháp lý, về việc giải thích và áp dụng các nguyên tắc, quy phạm pháp lý quốc tế.
Như vậy, việc giải quyết tranh chấp bằng bên thứ ba không làm mất đi hay tăng thêm chủ quyền, lãnh thổ của một quốc gia, mà chỉ góp phần xác định rõ phạm vi chủ quyền, lãnh thổ của mỗi quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế.
Một ý kiến khách quan, công bằng của bên thứ ba không chỉ giúp giải quyết mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp trên Biển Đông, mà nó còn có giá trị nhất định đối với các nước khác, vì Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng quốc tế.
Các tranh chấp trên Biển Đông chỉ có thể giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình. Vì chỉ có một giải pháp như vậy mới có ý nghĩa lâu dài, mới giúp giải quyết dứt điểm các tranh chấp đang tồn tại giữa các bên, tạo ra một cơ sở pháp lý chung để tất cả các bên có thể cùng nhau hợp tác, xử lý các vấn đề liên quan đến tất cả các nước.
Mặt khác, cũng cần nhìn nhận khách quan, tránh cường điệu hóa quá mức vai trò của việc giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba, coi nó như chiếc đũa thần. Chúng ta đều biết rằng luật quốc tế khác với luật quốc gia là không có cơ quan cưỡng chế thi hành phán quyết đứng trên các quốc gia. Việc thực hiện phán quyết dựa trên sự tự nguyện của các quốc gia có chủ quyền.
Nói như vậy không có nghĩa là không có sự ràng buộc nào, vì sự tự nguyện này dựa trên cơ sở điều ước quốc tế, các mối quan hệ và tương quan lực lương giữa các quốc gia, sự tính toán lợi ích ràng buộc giữa các bên, lòng mong muốn duy trì một trật tự quốc tế công bằng và ổn định, một thế giới hòa bình không có chiến tranh…
Cho đến nay nhìn chung các quốc gia đều tự nguyện thực hiện các phán quyết, quyết định do bên thứ ba đưa ra, với điều kiện bên thứ ba có thẩm quyền (jurisdiction) để giải quyết tranh chấp.
Điều thứ hai phải cân nhắc, đó là các loại tranh chấp. Các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 giữa các quốc gia thành viên thì có thể giải quyết bằng các thủ tục UNCLOS, do các quốc gia thành viên khi phê chuẩn Công ước đã chấp thuận cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.
Tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ, cụ thể: (i) Các tranh chấp về nghiên cứu khoa học biển, về việc khai thác hải sản bị hạn chế theo Điều 297; và (ii) phù hợp với Điều 298 UNCLOS, các tranh chấp về phân định lãnh hải, phân định vùng đặc quyền kinh tế, phân định thềm lục địa, danh nghĩa lịch sử, hoạt động quân sự, một số hoạt động chấp pháp, tranh chấp thuộc thẩm quyền Hội đồng Bảo an được trao theo Hiến chương LHQ sẽ bị loại trừ theo Tuyên bố của quốc gia thành viên khi phê chuẩn Công ước (trong số đó có Trung Quốc).
Còn các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, vốn không phải là tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS, thì chỉ có thể được giải quyết bằng bên thứ ba nếu có sự chấp thuận của các bên tranh chấp. Các nỗ lực của các quốc gia trong việc sử dụng cơ chế của UNCLOS để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền cho đến nay đều không đem đến kết quả mong muốn.
Khi cân nhắc sử dụng biện pháp pháp lý như trung gian, hòa giải, tòa án quốc tế, trọng tài thì chúng ta cũng đều biết rằng việc này không phải là đơn giản.
Kinh nghiệm từ vụ kiện trọng tài Biển Đông cho thấy Philipines đã phải tốn rất nhiều công sức, trí tuệ và tiền bạc để có thể đệ trình hàng chục ngàn trang tài liệu trình bày đầy đủ các khía cạnh lịch sử, địa lý, pháp lý... và để cho công lý được tôn vinh.
Như vậy, việc này đòi hỏi ở chúng ta rất nhiều điều: phải có được một đội ngũ luật gia luật quốc tế có trình độ cao, ngang tầm với các nước tiên tiến; xây dựng được một bộ hồ sơ hoàn chỉnh nhất có thể; chuẩn bị được một phương án tranh tụng hợp lý...
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận