Người hâm mộ Việt Nam ở UAE cổ vũ thầy trò HLV Park Hang Seo tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đội tuyển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không nhận được sự cổ vũ của người hâm mộ trên sân Mỹ Đình trong cuộc tiếp đón Nhật Bản (ngày 11-11), Saudi Arabia (16-11) tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á.
Tuy UBND TP Hà Nội chưa có văn bản chính thức về việc này nhưng giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội đã phát biểu "không cho khán giả vào sân" trong cuộc họp với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ngày 20-10 về công tác chuẩn bị cho 2 trận đấu sắp tới.
VFF ngay lập tức đã có công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng về việc này.
Nhiều người hâm mộ đặt câu hỏi: Động lực nào khiến VFF quyết tâm đưa khán giả vào sân Mỹ Đình đến vậy trong bối cảnh vẫn có nhiều lo ngại về dịch COVID-19? Câu trả lời chính là vì lợi ích của đội tuyển quốc gia và bóng đá Việt Nam.
Trả lời báo chí Việt Nam vào tháng 9-2021 khi đến làm khách trên sân Mỹ Đình, HLV trưởng đội tuyển Úc, ông Graham Arnold đã hai lần khẳng định: "Sân Mỹ Đình không có khán giả là lợi thế lớn cho đội tuyển Úc. Như các bạn đã biết, có người hâm mộ cổ vũ là động lực lớn cho đội chủ nhà, nhưng việc sân không có khán giả là lợi thế lớn cho tuyển Úc".
Trong bóng đá, sự góp mặt và ủng hộ của cổ động viên luôn là "cầu thủ thứ 12" trên sân cho đội chủ nhà. Nếu thi đấu trên sân nhà mà không có sự cổ vũ của khán giả, đội tuyển Việt Nam sẽ không tận dụng được lợi thế sân nhà để hy vọng giành điểm trước các đối thủ hàng đầu châu Á.
Cho đến lúc này, sau 4 trận, đội tuyển Việt Nam vẫn chưa giành được điểm nào tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Dù biết trước việc thi đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup sẽ vô cùng khó khăn nhưng chưa giành được điểm nào cũng khiến thầy trò HLV Park Hang Seo không khỏi áp lực.
Vì vậy, đội tuyển Việt Nam mong mỏi có được sự tiếp sức của người hâm mộ quê nhà. Ở các trận đấu với Nhật Bản, Saudi Arabia vào tháng 11 tới, khán giả được vào sân, dù ít hay nhiều, sẽ là niềm động viên rất lớn với đội tuyển Việt Nam.
Bên cạnh đó, yếu tố kinh tế cũng là điều không thể không nhắc tới khi bán vé trận đấu của đội tuyển Việt Nam. VFF đã xây dựng phương án bán 30% hoặc 50% vé so với sức chứa của SVĐ Mỹ Đình trong hai trận đấu với Nhật Bản và Saudi Arabia. Nếu được thực hiện thì sẽ có khoảng 12.000 hoặc 20.000 khán giả đến sân Mỹ Đình.
Theo tính toán của VFF, khán giả đến sân phải xét nghiệm COVID-19 sẽ khiến chi phí, sự phiền hà với người hâm mộ tăng lên khi đi cổ vũ đội tuyển. Vì vậy giá vé vào sân Mỹ Đình trong 2 trận đấu với Nhật Bản, Saudia Arabia không thể quá cao.
Nếu giá vé vào sân Mỹ Đình trung bình 200.000 đồng/vé, thì VFF sẽ thu được ít nhất là 2,4 tỉ đồng/trận (nếu bán 30%) và 4 tỉ đồng/trận (nếu bán 50%).
Như vậy nếu được bán vé hai trận đấu tới, VFF sẽ thu được 4,8 tỉ đồng hoặc 8 tỉ đồng. Số tiền bán vé các trận đấu tại vòng loại World Cup được VFF toàn quyền sử dụng chứ không phải nộp cho FIFA hay AFC. Vì vậy nó sẽ được đưa về tài khoản của VFF để phục vụ các nhiệm vụ của các đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Trong hai năm qua, trước sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu của VFF theo báo cáo tài chính giảm sút rất mạnh. Vì vậy mỗi đồng thu được lúc này chắc chắn sẽ là khoản tiền ý nghĩa cho bóng đá Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận