05/06/2022 09:24 GMT+7

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đổi tên?

TRẦN LÂM
TRẦN LÂM

TTO - Ngày 2-6, Liên Hiệp Quốc thông báo họ chính thức công nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ đổi tên gọi thông dụng quốc tế lâu nay là "Turkey" sang "Türkiye" và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đổi tên? - Ảnh 1.

Một người đàn ông đứng giương cao lá quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc mọi người ghé thăm lăng mộ ông Mustafa Kemal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 19-5 - Ảnh: CNN

Chuyện đổi tên một quốc gia dĩ nhiên là chuyện lớn và không phổ biến. Tuy nhiên với 4 nước đã chính thức đổi tên trong 4 năm qua, dường như chuyện này đang dần bớt "kinh thiên động địa" hơn. Có một số lý do để các nước đổi tên, hoặc vì chính trị, lịch sử hoặc để khẳng định và bảo vệ bản sắc dân tộc.

Nỗ lực từ thập niên 1980

Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ muốn đổi tên. Vào giữa thập niên 1980, chính phủ của thủ tướng Turgut Ozal đã cố gắng làm việc này nhưng chưa thành công. Tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan trở lại với kế hoạch đó một cách quyết liệt hơn.

Từ tháng 12-2021, ông Erdogan đã lý giải trong biên bản ghi nhớ của chính phủ về việc đổi tên nước: "Türkiye là sự biểu đạt tốt nhất cho văn hóa, văn minh và các giá trị của người dân Thổ Nhĩ Kỳ". Tương tự Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng nói việc đổi tên "làm tăng giá trị thương hiệu đất nước".

Sự thay đổi này có lẽ cũng liên quan ít nhiều tới sự bực mình rõ rệt của ông Erdogan khi tên nước ông bị "dính" tới con gà tây (tiếng Anh là "turkey") - món ăn truyền thống của người Bắc Mỹ trong dịp lễ Tạ ơn. Khi tìm kiếm chữ "turkey" bằng hình ảnh trên Google, màn hình lập tức ngập tràn những con gà tây và chỉ lác đác quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ và chân dung ông Erdogan.

Sự bực bội của ông Erdogan hẳn chưa dừng ở đó. Khi tra cứu từ "turkey" trong từ điển Cambridge của Anh, người ta thấy 2 định nghĩa ở mục danh từ có thể làm "nóng mặt" nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ với nội hàm "cái gì đó thất bại tồi tệ" và "một người ngu ngốc".

Chuyện đổi tên có thể bất ngờ với ai chứ không phải với người Thổ Nhĩ Kỳ. Cái tên Türkiye (đọc gần giống với "turkey" nhưng có thêm âm "yay") đã là tên gọi nước họ từ năm 1923 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ độc lập.

Ông Erdogan tuyên bố tên Türkiye được dùng trong văn bản chính thức của các bộ cũng như mọi hoạt động và báo chí trong nước. Chẳng hạn, mọi hàng hóa xuất khẩu sẽ được gắn nhãn "Made in Türkiye" và chiến dịch kích cầu du lịch hồi tháng 1-2022 của chính phủ đã bắt đầu dùng khẩu hiệu "Hello Türkiye".

Tuy nhiên vì chữ "ü" không có trong bảng chữ cái tiếng Anh - ngôn ngữ phổ biến quốc tế, chưa rõ sẽ mất bao lâu nữa tên "Türkiye" mới phổ biến như tên gọi "Turkey".

Trước đây sau khi CH Czech đổi thành Czechia năm 2016, dù một số tổ chức quốc tế đã dùng tên mới nhưng nhiều nơi vẫn dùng tên cũ khi nhắc tới quốc gia này. Ngay Đài TRT World (tiếng Anh) của Thổ Nhĩ Kỳ dù đã dùng tên Türkiye nhưng đôi khi chính các nhà báo của họ vẫn bị "nhịu" thành Turkey như một thói quen chưa dễ thay đổi.

Vì sao đổi tên?

Trong các bình luận của giới quan sát, có những ý kiến đồng tình với lý do Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Ông Sinan Ulgen, chủ tịch Tổ chức nghiên cứu EDAM tại Istanbul, cho rằng: "Lý do chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ đổi tên là để xóa bỏ sự liên quan tới con gà tây". Vị này cũng dự báo với công chúng việc chuyển từ Turkey sang Türkiye sẽ phải mất nhiều năm nữa mới quen.

Tuy nhiên ông Francesco Siccardi - nhà quản lý chương trình cao cấp tại Viện Nghiên cứu Carnegie Europe - lại cho rằng có động cơ chính trị trong việc đổi tên. 

Đây là "một chiến lược khác của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tiếp cận các cử tri theo chủ nghĩa dân tộc trong một năm trọng yếu với chính trường Thổ Nhĩ Kỳ", ông bình luận với đài CNN, ý nhắc tới thời điểm tái tranh cử năm sau của ông Erdogan.

Ông Siccardi phân tích: "Quyết định đổi tên được công bố tháng 12 năm ngoái khi Tổng thống Erdogan đang có tỉ lệ ủng hộ thấp và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 20 năm". Tuy nhiên, ông Sinan Ulgen cho rằng việc đổi tên liên quan nhiều tới chiến lược thúc đẩy vị thế đất nước hơn là vì mục tiêu chính trị.

Đã có 7 nước đổi tên

Trao đổi với báo Washington Post, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres - cho biết: "Việc nhận được những yêu cầu như thế này (đổi tên nước - PV) không hiếm với chúng tôi".

Theo đài DW (Đức), tới nay đã có ít nhất 7 nước chính thức đổi tên gọi.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ Hà Lan đã đổi tên từ Holland thành Netherlands vào năm 2020; Cộng hòa Macedonia (Republic of Macedonia) đổi thành Cộng hòa Bắc Macedonia (Republic of North Macedonia) năm 2019; Swaziland đổi thành Eswatini năm 2018; CH Czech (Czech Republic) đổi thành Czechia năm 2016; đảo quốc Cape Verde đổi thành Cabo Verde năm 2013 và Ceylon đổi thành Sri Lanka vào năm 1972.

Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi tên gọi quốc tế thành Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi tên gọi quốc tế thành 'Türkiye'

TTO - Ngày 2-6, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) chính thức đổi tên nước thành Türkiye tại Liên Hiệp Quốc, sau khi cơ quan này chấp nhận yêu cầu đổi tên từ phía chính quyền Ankara.

TRẦN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên