Ngày 14-2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Xuyên Mộc và Viện KSND huyện Xuyên Mộc đã thi hành lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1970, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Hội) và bà Lê Thị Bích Lộc (sinh năm 1965, nguyên kế toán Trường tiểu học Hòa Hội). Hai người này bị bắt để điều tra về hành vi tham ô tài sản.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy từ tháng 1-2017 đến tháng 12-2020, hai người trên đã chiếm đoạt hơn 25 triệu đồng tiền kinh phí của nhà trường.
Cụ thể tháng 9-2018, ông Đức chỉ đạo bà Lộc lập hồ sơ khống danh sách chi tiền tăng giờ cho giáo viên trong trường, sau đó lập thủ tục thanh toán và được kho bạc chuyển về tài khoản của nhà trường gần 30 triệu đồng. Hai người tiếp tục làm thủ tục chuyển số tiền trên vào tài khoản của mình, với mỗi người gần 13 triệu đồng.
Còn lại 4,2 triệu đồng chuyển đến tài khoản của cô Phạm T.O. - là tiền thực tế cô này có dạy tăng giờ.
Nhiều người đặt câu hỏi thắc mắc vì sao hai người trên tham ô chỉ hơn 25 triệu đồng và kéo dài trong 4 năm nhưng bị bắt tạm giam mà không áp dụng biện pháp cho tại ngoại để hầu tra.
Ông Nguyễn Đăng H. (ngụ TP Vũng Tàu) đặt câu hỏi: "25 triệu đồng kéo dài trong nhiều năm, liệu có đáng để đánh đổi, có nghiêm khắc quá không?".
Còn một người khác phân tích 25 triệu đồng, kéo dài trong 4 năm mà chia cho 2 người thì một người mỗi tháng chỉ được hơn 200.000 đồng. Không hiểu vì sao họ không khắc phục hậu quả để khỏi bị bắt hay các cơ quan chức năng làm quá nặng tay với họ?
Để trả lời các thắc mắc, câu hỏi trên, ngày 15-2, Tuổi Trẻ Online trao đổi với một lãnh đạo Viện KSND huyện Xuyên Mộc. Vị này khẳng định việc cơ quan điều tra đề nghị bắt tạm giam hai người và được cơ quan công tố phê chuẩn là hoàn toàn có căn cứ.
Thứ nhất, theo Bộ luật hình sự, người nào có hành vi tham ô tài sản từ 2 triệu đồng trở lên đã bị xử lý hình sự. Trong khi kết quả điều tra cho thấy hai người trên đã tham ô hơn 25 triệu đồng.
Thứ hai, quá trình điều tra, ông Đức và bà Lộc khai số tiền trên dùng làm quà biếu cho lãnh đạo cấp trên và cán bộ phòng chức năng nhưng cả hai đều không cung cấp được đã giao tiền cho ai, số tiền cụ thể là bao nhiêu.
Ngoài ra, theo kết luận giám định tài chính từ năm 2017 đến năm 2020, Đức và Lộc còn nhiều vi phạm khác trong thu chi tài chính của trường. Nhưng trong quá trình xác minh nguồn tin, Đức và Lộc khai báo gian dối, đổ lỗi cho nhau, cung cấp sai sự thật.
Do đó việc bắt tạm giam 2 bị can trên là cần thiết để làm rõ thêm các vi phạm tài chính khác. "Căn cứ điểm đ khoản 2 điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra áp dụng biện pháp tạm giam đối với cả hai là có căn cứ", vị lãnh đạo này nói.
Sẽ xác minh những trường hợp vi phạm tương tự
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, hiện cơ quan chức năng huyện Xuyên Mộc có nhận nhiều đơn tố cáo đối với một số lãnh đạo, người có chức năng của một số trường trên địa bàn huyện này tương tự như Trường tiểu học Hòa Hội.
Đó là thu chi tài chính không công khai, minh bạch, nhiều khoản chi không có thực. Đặc biệt là việc tăng chi thu nhập cho giáo viên cuối năm không tương xứng với các khoản ngân sách nhà nước chi cho nhà trường.
Những vụ việc tương tự như Trường tiểu học Hòa Hội đang được cơ quan chức năng huyện này xác minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận