02/09/2013 08:31 GMT+7

Vì sao ông Obama trông chờ quốc hội?

HỮU NGHỊ - NGUYỄN QUÂN
HỮU NGHỊ - NGUYỄN QUÂN

TT- Có rất ít tổng thống Mỹ chờ sự phê chuẩn của quốc hội để phát động các cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài, huống hồ đây chỉ là khả năng tấn công hạn chế từ bên ngoài như cách Tổng thống Barack Obama hình dung về cách can thiệp vào Syria.

tBPahNYg.jpgPhóng to
Người dân biểu tình chống tấn công vào Syria ở quảng trường Quốc hội tại trung tâm London ngày 31-8. Quyết định của Quốc hội Anh không cho phép chính phủ tham chiến đã gây ra “những quan ngại nghiêm trọng ở nhiều nước”, Ngoại trưởng Anh William Hague thừa nhận trên đài Sky TV hôm qua - Ảnh: Reuters

Lịch sử cho thấy đã hàng chục lần các tổng thống Mỹ tránh tình huống dựa vào quốc hội và chủ động đơn phương phát động các chiến dịch quân sự hoặc các cuộc xâm chiếm trên bộ dựa theo vai trò tổng tư lệnh được hiến pháp cho phép. Thông thường họ luôn đặt các vị dân cử trước tình huống đã rồi, tức tiến hành chiến dịch quân sự rồi mới thông báo cho các vị ấy về tình hình đã và đang diễn ra.

Thậm chí hồi tháng 3-2011, chính Tổng thống Obama đã quyết định cho can thiệp quân sự vào Libya mà không cần tham vấn với quốc hội dù đã có yêu cầu. Lần ấy ông viện dẫn theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Với vụ việc Syria lần này, tình hình có vẻ khác hẳn. Trưa 31-8 (giờ Washington) từ Vườn hồng trong Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama lên truyền hình loan báo quyết định của mình với các công dân Mỹ.

Ông tóm tắt tình hình: “Mười ngày trước đây, thế giới đã chứng kiến trong kinh hãi cảnh nam phụ lão ấu bị sát hại ở Syria trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất thế kỷ 21. Hôm qua, Hoa Kỳ đã trình một hồ sơ vững chãi chứng minh rằng Chính phủ Syria có trách nhiệm đối với vụ tấn công vào chính nhân dân mình”. Và rồi ông loan báo: “Tôi đã quyết định rằng Hoa Kỳ sẽ tiến hành một hành động quân sự nhắm vào các mục tiêu của chế độ Syria... song chúng ta sẽ không đặt chân lên đó”.

Thông điệp này chính là một lời tuyên chiến với Syria, cho dù là một kiểu “chiến tranh hạn chế”, chứ không phải một tối hậu thư có thời hạn như thông điệp của tổng thống Bush ngày 18-3-2003 là “Saddam Hussein cùng các con trai của mình phải rời Iraq trong vòng 48 giờ” để tự ràng buộc vào một kỳ hạn ấn định trước.

Lần này ông Obama rào đón: “Việc thực hiện sứ mạng này không lệ thuộc vào thời gian: có thể là ngày mai, tuần tới hoặc một tháng nữa”. Tuần trước, thượng nghị sĩ McCain chỉ trích rằng có điên mới “xì” lên mặt báo sẽ tấn công Syria. Nay với tuyên bố này, ông Obama có thể đợi ít nhất cũng là một tháng, rồi nếu cần tự gia hạn thêm một vài tháng nữa...

Hiện vấn đề then chốt của ông không phải là chừng nào tấn công, mà là hoàn cảnh đơn thương độc mã của ông. “Hồ sơ vững vàng” mà ông dựa vào mới chỉ là của tình báo Mỹ thu thập, chứ không phải của các thanh tra LHQ vừa rời Syria (báo cáo chỉ có sau ít nhất ba tuần nữa). Cho dù vậy ông vẫn “phá rào”, đích thân khẳng định: “Tôi tự tin quyết định mà không đợi các thanh tra LHQ”. Và ông đẩy thái độ này đến tận cùng: “Tôi thoải mái dấn tới mà không có sự chuẩn y của Hội đồng Bảo an LHQ, vốn đã hoàn toàn bị tê liệt và không muốn truy cứu trách nhiệm của ông Assad”.

Thế nhưng điều được gọi là “sự tê liệt của Hội đồng Bảo an” nay đã khác: cho đến nay mới chỉ hai trong năm nước thường trực Hội đồng Bảo an là Nga và Trung Quốc phủ quyết trừng phạt Syria. Song ngày 29-8, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu chống lại việc can thiệp quân sự vào Syria. Tức từ nay có đến ba phiếu phủ quyết. Chỉ còn mỗi Tổng thống Pháp Franois Hollande theo ông Obama - trái với mười năm trước, ông Chirac tuyệt đối chống ông Bush tấn công Iraq!

Điều gì đã khiến ông Obama nay phải “một mình một ngựa” quyết định giống như ông Bush mười năm rưỡi trước, hoàn toàn ngược với hứa hẹn trong diễn văn nhậm chức ngày 20-1-2009 là “Chúng ta sẽ đối diện các mối đe dọa mới với nhiều nỗ lực hơn nữa, thậm chí trong hợp tác và hiểu biết hơn nữa giữa các dân tộc”? Thật thảm họa khi nay ông phải thú nhận: “Tôi không mong đợi mỗi quốc gia sẽ nhất trí với quyết định chúng tôi vừa đưa ra”.

Đến đây, ông đá trái bóng trách nhiệm sang quốc hội: “Sau đây là câu hỏi tôi gửi đến mỗi thành viên quốc hội: Ta sẽ gửi thông điệp gì nếu như một kẻ độc tài có thể xịt hơi độc đến chết hàng trăm trẻ em...? Với mọi thành viên quốc hội thuộc cả hai đảng, tôi yêu cầu quý vị bỏ lá phiếu này vì an ninh quốc gia của chúng ta... Mong rằng mỗi thành viên quốc hội sẽ cân nhắc rằng có những việc còn quan trọng hơn cả sự dị biệt chính trị giữa hai đảng”.

Có thật là “cầu gì được nấy” không? Nếu như hai đảng bất đồng không đi đến một cuộc biểu quyết thuận cho tấn công Syria, ông Obama sẽ được tháo gỡ khỏi lời thề “lằn ranh đỏ” của ông! Âu cũng là một lối thoái trong danh dự!

Giờ đây, trong thời gian chờ Quốc hội Mỹ nhóm họp trở lại (vào ngày 9-9), hình như người âu lo nhất không phải là Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thậm chí hôm qua, nhật báo của chính quyền Syria al-Thawra còn đưa ra bình luận đầy châm biếm trên trang nhất rằng “quyết định của ông Obama về việc phải chờ quyết định của quốc hội là một sự thoái lui lịch sử của Mỹ”!

Những đợt tấn công không cần phê chuẩn

* Tháng 12-1995, tổng thống Bill Clinton ra lệnh triển khai 20.000 quân hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Bosnia-Herzegovina, sau thỏa thuận hòa bình Dayton. Quốc hội hai đảng của Mỹ sau đó không thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều dự thảo nghị quyết ủng hộ hoặc cấm hành động can thiệp quân sự này.

* Năm 1999, cũng tổng thống Bill Clinton đã đơn phương quyết định tiến hành 78 ngày không kích vào Nam Tư trong giai đoạn cuộc chiến Kosovo mà không chờ quốc hội đồng ý. Trong những ngày đó, các vị dân cử Mỹ tiếp tục chia rẽ, không thể bỏ phiếu quyết định ủng hộ hay cấm hành động tấn công ở nước ngoài này và do đó để mặc cho ông Clinton hành động.

* Những cuộc tấn công trên bộ ở Somalia (1992) và Haiti (1994), những cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào Afghanistan và Sudan năm 1998 (để trả đũa các vụ tấn công khủng bố vào các đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania) cũng đều chưa hề tham vấn quốc hội.

___________

Tin tức liên quan:

Tổng thống Mỹ "chuyền bóng" tấn công Syria sang quốc hộiTên lửa Mỹ "giương nòng", Syria sẵn sàng đáp trảMỹ chưa quyết định tấn công quân sự SyriaVì sao Mỹ và đồng minh chưa tấn công Syria?Các thanh sát viên LHQ bắt đầu rời SyriaPutin: Mỹ nói Syria dùng vũ khí hóa học là vô lý

HỮU NGHỊ - NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên