Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên học người Nhật, "bêu' tên và phạt nặng mới chừa thói xả rác bừa bãi.
Bạn đọc Nguyễn Văn Công có bài viết gửi đến Tuổi Trẻ Online chia sẻ thêm về vấn đề này.
Thấy mọi người xả rác dưới bàn cũng làm theo
Từ tháng 3-2025, giới chức thành phố Fukushima (Nhật) sẽ bắt đầu kiểm tra các túi rác không đúng quy định. Trong một số trường hợp, sẽ công khai danh tính những ai bỏ rác sai quy định.
Chúng ta có thể học tập, làm theo người Nhật. Vì sao?
Thực tế cho thấy cũng chính những người xả rác bừa bãi, tùy tiện, bạ đâu vứt đó khi ở trong nước nhưng khi đến môi trường khác hoặc ra nước ngoài, họ lại có cách ứng xử tích cực hơn.
Tôi có nhóm bạn khi tham gia sinh hoạt ăn uống ở quê, thấy mọi người xung quanh có thể xả rác ngay dưới bàn ăn, họ cũng làm theo, không ngại bỏ hết những đồ dư thừa xuống dưới bàn ăn.
Nhưng cũng chính họ, khi vào ăn ở nhà hàng hay đi ra nước ngoài, lại biết ý tứ để rác đúng chỗ và cư xử rất khéo léo.
Ngược lại, không ít những người bình thường hành xử tử tế, nhưng khi gặp môi trường xô bồ thì bị nhiễm ngay thói xấu. Họ thừa hiểu hành vi đó không phù hợp, kém văn hóa, nhưng thấy người khác làm được thì họ vẫn làm theo.
Hoặc như khi ở nhà, một số người thể hiện sự gương mẫu, ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ... nhưng khi đến công sở hoặc ở chốn đông người thì tâm lý "cha chung không ai khóc" họ lại thể hiện ý thức kém.
Chỉ cần đừng để ai trông thấy hành vi của mình, là họ có thể hành động.
Chẳng hạn như chị đồng nghiệp của tôi ở nhà thì dạy con phân loại rác và thực hành nghiêm chỉnh, vì chị thấy được lợi ích từ việc xử lý rác hữu cơ thành phân bón giúp chị trồng được vườn rau xanh mướt.
Nhưng ở công ty, chị cho tất cả vào một túi vì lý do không có thời gian, với lại "có ai nhìn thấy đâu".
Hành vi sẽ hình thành thói quen
Với việc xả rác, để tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" khi nhà trường bỏ bao công sức để hình thành cho trẻ thói quen phân loại rác, thì ở nhà cha mẹ cũng phải ủng hộ.
Tuyệt đối không được trách mắng trẻ: làm như vậy chỉ gây rắc rối, phức tạp hóa vấn đề kiểu "đằng nào rác chẳng phải để xử lý".
Hoặc khi cha mẹ chạy xe lấn làn, vượt đèn đỏ... con trẻ nhắc nhở vi phạm giao thông, tuyệt đối phải nhận lỗi, đừng lấp liếm, kiểu "tại vội quá", hay "có cảnh sát giao thông đâu mà phải chấp hành".
Tóm lại, hành vi sẽ hình thành thói quen.
Không thể thay đổi hành vi thói quen chỉ một vài lần hoặc thông qua các biện pháp xử lý hành chính, mà quan trọng nhất là phải thông qua giáo dục và thực hành thường xuyên.
Giáo dục nhà trường, cộng đồng cần sự nhất quán về ứng xử. Khoảng trống trong giáo dục về văn hóa ứng xử nhất quán được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ý thức kém, nhất là việc xả rác.
Trước hết phải hình thành cho học sinh những thói quen tốt từ nhỏ, việc này phải thống nhất ở tất cả các trường từ mầm non cho đến đại học, đặc biệt là giáo dục ý thức văn minh, hành vi ứng xử cho các em.
Không ít trường hợp trong chúng ta vẫn có thói quen xấu là chỉ khư khư giữ cho mình sạch sẽ, tinh tươm, còn người khác thì mặc kệ.
Việc coi trọng lợi ích trước mắt hoặc lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích chung cần phải được loại bỏ trong môi trường xã hội văn minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận