08/04/2014 06:57 GMT+7

Vì sao Mỹ mạnh mẽ bảo vệ Nhật?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Câu hỏi đầu tiên các nhà báo Mỹ tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trên chuyến bay đến Hawaii cách đây hơn một tuần lại không phải về chuyện hợp tác với ASEAN mà là về các quyết định của... NATO trong vấn đề Ukraine. Rồi thêm hai, ba câu hỏi cùng chủ đề nữa.

Chuck Hagel cảnh báo: TQ phải tôn trọng láng giềngBộ trưởng quốc phòng Mỹ gặp các bộ trưởng quốc phòng ASEANMỹ tái cam kết bảo vệ Nhật

Cuối cùng mới đến một câu hỏi về hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN với Mỹ: “Bộ trưởng có thấy có chỗ trong cuộc họp này (với ASEAN) để thảo luận về những mối băn khoăn của họ về sự cắt giảm ngân sách của Mỹ?”. Rõ ràng trên bản đồ thế giới, ít nhất cũng từ đầu tháng 3, điểm nóng, thậm chí nóng bỏng, đối với Mỹ là tình hình Ukraine cùng các nước xung quanh. Còn câu chuyện ASEAN ít nóng và càng nan giải đối với Mỹ khi một mặt đang bị cắt ngân sách, một mặt đang phải gồng mình chịu đựng các cú đấm của Nga ở Ukraine mà vẫn chưa phản đòn.

Họp với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN xong, hôm 5-4, trên chuyến bay tới Nhật, một nhà báo nữ Mỹ đã hỏi thẳng Bộ trưởng Hagel về một mối quan hệ đồng minh có hiệp định quân sự bảo chứng là Philippines: “Tôi tự hỏi bộ trưởng có đang dự trù một lập trường mạnh mẽ hơn với Trung Quốc về những hành động của họ tại biển Đông, đặc biệt là đối với Philippines và đường chín khúc?”. Có hai vế trong câu hỏi này độc lập với nhau, tuy có liên quan với nhau: (1) tranh chấp với Philippines; (2) đường lưỡi bò thôn tính gần hết biển Đông, tức cắt đứt các tuyến hàng hải trên biển Đông, liên quan đến mọi nước, kể cả Mỹ.

Và câu trả lời của Bộ trưởng Hagel là: “Mỹ không đứng về bên nào trong các vấn đề chuyên biệt tại các khu vực đang tranh chấp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ tôn trọng cam kết trong các hiệp định với các đối tác chúng tôi... Các tranh chấp này nên được giải quyết qua luật pháp quốc tế... và giải quyết một cách hòa bình”. Có đúng là đường chín khúc nay cũng là một chuyện tranh chấp như các tranh chấp khác trên biển Đông không?

Một nhà báo khác chưa hài lòng với câu trả lời nên hỏi tiếp: “Bộ trưởng, quay trở lại với câu hỏi đầu tiên của Helen, Trung Quốc nên nhận được thông điệp gì từ sự đáp trả của phương Tây đối với các hành động của Nga ở Crimea do lẽ nước này cũng có những tranh chấp lãnh thổ với các láng giềng, kể cả Nhật Bản?”. Rõ ràng là nhà báo này đang nghĩ đến một vụ tương tự vụ Crimea, lần này do Trung Quốc thực hiện, và lo Mỹ cũng sẽ đứng ngó như trường hợp Crimea.

Khẳng định của ông Hagel: “Quan hệ đối tác Nhật - Mỹ là một cái neo tối quan trọng đối với nền hòa bình, sự ổn định và an ninh trong khu vực này” và đã được bảo chứng bằng quyết định điều động hai tàu chống tên lửa đến che chắn cho Nhật Bản. Còn với những quan ngại của các nước khác, ông Hagel hứa sẽ “dành thời giờ nói chuyện trực tiếp với các lãnh đạo Trung Quốc...”. Vắn tắt, can gián, khuyên can là đủ!

Liệu sẽ có một diễn đàn quốc phòng thường niên Mỹ - ASEAN thứ hai tiếp theo? Một nhà báo Mỹ khác hỏi khi đang ở trên chiến hạm USS Anchorage cùng Bộ trưởng Hagel. Ông này trả lời: “Liệu tôi có kế hoạch họp hằng năm hay không? Đó không phải là quyết định của tôi mà là của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN”. Đúng là tùy các bộ trưởng quốc phòng ASEAN quyết định thôi, dựa theo đánh giá kết quả cuộc họp vừa rồi.

Xét cho cùng, tại sao Nhật lại được Mỹ ưu ái bảo vệ hơn? Có thể thấy rằng Nhật nằm ở vị trí phòng thủ tuyến đầu của Mỹ và hiện Nhật có khả năng tự phòng thủ và đang đòi thực hiện điều đó. Nhật tự lực tự cường, chứ không hoàn toàn dựa vào Mỹ.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên