31/03/2014 08:54 GMT+7

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ gặp các bộ trưởng quốc phòng ASEAN

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Bộ trưởng quốc phòng Mỹ có một tuần kín lịch liên quan tới châu Á: lần đầu tiên ông tổ chức cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN ở Hawaii trước khi lên đường tới Nhật và Trung Quốc.

Mỹ kêu gọi Nhật cải thiện quan hệ với láng giềngBộ trưởng quốc phòng Mỹ đến Hàn, NhậtBộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đến Indonesia

0NNCZ8Oz.jpgPhóng to
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) sẽ lần đầu tiên chủ trì cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN - Ảnh: Reuters

Tại Hawaii từ ngày 1 đến 3-4, lần đầu tiên Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel chủ trì các cuộc họp với những người đồng cấp từ ASEAN trên đất Mỹ. Ở cuộc họp mang tính lịch sử này, nội dung chủ chốt sẽ là về hợp tác an ninh giữa hai bên.

Tăng cường hợp tác an ninh đa phương

Theo trang web Bộ Quốc phòng Mỹ, tăng cường hợp tác quốc phòng với ASEAN là ưu tiên của ông Hagel và ông muốn cuộc gặp lịch sử này là một thành công.

“Bộ trưởng đã có lời mời các bộ trưởng ASEAN tại diễn văn ở Đối thoại Shangri - La năm ngoái và tham dự cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng ASEAN cộng (ADMM+) hồi tháng 8” - thư ký báo chí Bộ Quốc phòng, chuẩn đô đốc John Kirby nói.

Theo ông Kirby, tại cuộc gặp các bên sẽ tìm biện pháp tăng cường hợp tác an ninh đa phương. Khi các bộ trưởng quốc phòng ASEAN gặp ông Hagel hồi tháng 8 năm ngoái tại Brunei, cuộc hội đàm đã tập trung vào các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực. Cuộc họp lần này cũng sẽ tập trung vào nội dung này khi Mỹ từ lâu đã lên án các hành động của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông là những hành vi mang tính khiêu khích. Washington vẫn ủng hộ các nước trong ASEAN sớm hoàn tất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để tạo bộ khung xử lý các tranh chấp lãnh thổ trên biển hiện tại.

Ngoài ra các bộ trưởng sẽ bàn biện pháp tăng cường hợp tác giữa các lực lượng quốc phòng và dân sự cho các sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Thăm Nhật và Trung Quốc

Ngay sau cuộc gặp tại Hawaii, ông Hagel sẽ tới Nhật Bản cho chuyến thăm thứ hai của mình mà nội dung chính sẽ là xem xét lại định hướng hợp tác quốc phòng giữa hai đồng minh. Chuyến thăm tới Tokyo diễn ra ngay sau cuộc họp thượng đỉnh tay ba giữa tổng thống Mỹ với thủ tướng Nhật và tổng thống Hàn Quốc - các đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á nhưng hiện có mối quan hệ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Washington đã cố để giảm những căng thẳng giữa hai đồng minh có vai trò quan trọng đối với tình hình tại bán đảo Triều Tiên cũng như việc Trung Quốc ngày càng tích cực tăng cường khả năng quân sự của mình.

Tiếp đó ông Hagel sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách là bộ trưởng quốc phòng. Tại Trung Quốc, ông Hagel sẽ có cuộc đàm phán về quan hệ quân sự hai bên và về vấn đề an ninh khu vực. Theo ông Kirby, Bộ trưởng Hagel coi “mối quan hệ này là quan trọng đối với việc tái cân bằng (về châu Á) và ông sẽ nhấn mạnh tới việc xây dựng niềm tin, tăng cường cởi mở và minh bạch, duy trì các luật lệ quốc tế” trong chuyến đi này.

Chặng dừng chân cuối cùng của ông Hagel sẽ là Mông Cổ, đất nước có biên giới ở phía tây bắc của Trung Quốc. Theo ông Kirby, Mông Cổ đang trở thành đối tác an ninh ngày càng quan trọng với Mỹ sau khi cùng tham gia triển khai lực lượng ở Iraq, Afghanistan cũng như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Ông Kirby cũng nhấn mạnh Mông Cổ có vai trò ngày càng tăng trong việc ổn định an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông Kirby, với chuyến đi thứ tư của ông Hagel tới khu vực trong chưa đầy một năm “là bằng chứng thêm về cam kết cá nhân của bộ trưởng với chiến lược tái cân bằng về châu Á”.

Mỹ tăng cường an ninh mạng

Ngay trước thềm chuyến thăm, ông Hagel đã có bài phát biểu từ Lầu Năm Góc, trong đó nhấn mạnh về việc kiềm chế các hành vi quân sự trên không gian mạng và nói Mỹ sẽ “cởi mở và minh bạch” về các hoạt động của mình. Thông điệp của ông được cho là nhắm tới Trung Quốc, nước đang rất tích cực tham gia các hoạt động tình báo trên mạng. Lầu Năm Góc đang trong quá trình tăng cường lực lượng an ninh mạng của mình với ý định tăng đội ngũ này lên hơn gấp ba lần quân số, từ 1.800 lên 6.000 vào cuối năm 2016. Lực lượng quốc phòng về mạng của Mỹ sẽ gồm 13 đội để bảo vệ Mỹ trước các đe dọa an ninh mạng lớn. 68 đội khác sẽ bảo vệ hệ thống thông tin của Bộ Quốc phòng, trong khi 27 đội khác sẽ hỗ trợ các tư lệnh chiến trường.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên