Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra ở sân bay Ataturk ngày 30-6 - Ảnh: Reuters |
Đối với những người ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, những vụ tấn công là đòn trả đũa của IS đối với sự tham gia của Ankara trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu ở Trung Đông.
“Phương Tây đang bỏ mặc chúng tôi trong cuộc chiến chống IS đang tấn công Thổ Nhĩ Kỳ - ông Erdogan tháng trước từng than trách trên BBC - Không ai tự nhận mình đang chiến đấu với IS lại chịu tổn thất hay trả giá nhiều như Thổ Nhĩ Kỳ”.
Nhưng đối với những người chỉ trích ông, những gì xảy ra một năm qua là hậu quả của hàng loạt sai lầm trong hoạt động tình báo và chính trị.
Các thành phần IS ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là tại thành phố miền nam Adiyaman, được tự do tung hoành và lên kế hoạch tấn công Diyarbakir hồi 6-2015 và Ankara vào 10-2015 khiến tổng cộng hơn 100 người thiệt mạng.
“Chúng tôi có danh sách những kẻ có khả năng đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không thể bắt chúng cho đến khi chúng hành động” - thủ tướng Ahmet Davutoglu từng thừa nhận.
Không chỉ phản ứng chậm chạp trước nguy cơ khủng bố, nhiều người thậm chí cho rằng một số thành phần trong chính phủ thiên về Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ dung dưỡng những nhóm thánh chiến ở Syria đã chịu ảnh hưởng từ chúng và tạo một môi trường thuận lợi cho IS phát triển ở nước này.
Trong khi đó, cuộc chiến ở Syria đã tàn phá biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép những kẻ thánh chiến tự do mang vũ khí qua lại biên giới. Điều này chỉ được chấn chỉnh cho đến khi Mỹ gây sức ép lên Ankara.
Dù Thổ Nhĩ Kỳ luôn cho rằng không có bằng chứng cho thấy khủng bố đi qua biên giới nước này nhưng ai cũng thấy rõ nguy cơ từ hơn 3 triệu người tị nạn Syria đã đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua.
Và trên hết, việc nằm cận kề Syria rõ ràng khiến Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng trở thành một mục tiêu thuận lợi hơn bao giờ hết cho IS.
Vì sao là sân bay?
Sau vụ tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng siết chặt an ninh tại các sân bay quốc tế Ataturk và Sabiha Gokcen. Các lực lượng an ninh túc trực 24/24 tại các khu vực xung quanh sân bay và khâu kiểm tra an ninh bên trong được tăng lên mức tối đa.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, các biện pháp an ninh cũng khó ngăn nổi khủng bố bởi sân bay đang dần trở thành “mục tiêu mềm” của những kẻ tấn công.
Tờ News của Úc dẫn lời chuyên gia chống khủng bố Clarke Jones nói rằng sân bay dễ dàng trở thành mục tiêu bởi đây là trung tâm vận chuyển quốc tế với nhiều du khách đi và đến mỗi ngày.
“Tấn công vào sân bay sẽ tạo ra mối đe dọa lớn nhất và tác động mạnh lên kinh tế và du lịch” - ông Jones nói.
Tấn công sân bay cũng không quá khó bởi những kẻ khủng bố hoàn toàn có thể tấn công ngay từ lối vào chứ không cần đi qua hàng rào an ninh.
“Các cổng vào là một mục tiêu dễ dàng bởi đó là nơi những gia đình nán lại, những nhóm người rất lớn tập trung” - ông Jones giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận