16/08/2022 21:27 GMT+7

Vì sao Hàn Quốc vẫn dừng nhận lao động ở Thanh Hóa?

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Năm 2022, còn 2 địa phương tại Thanh Hóa bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc ở Hàn Quốc. Trước đó, có tới 4 thành phố, huyện gặp tình trạng tương tự do số lượng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn cao.

Vì sao Hàn Quốc vẫn dừng nhận lao động ở Thanh Hóa? - Ảnh 1.

Một người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc - Ảnh: ĐOÀN TRUNG

Đó là thông tin được nêu ra tại Hội thảo khoa học lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - thực trạng và giải pháp diễn ra ngày 16-8.

120 - 150 triệu USD kiều hối 'đổ về' mỗi năm

Theo ông Lê Đình Tùng, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2021, Thanh Hóa có trên 42.000 lượt lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

Hiện tại, Thanh Hóa đang có hơn 32.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông.

Hằng năm, khoảng 120 - 150 triệu USD (tương đương 2.760 - 3.450 tỉ đồng) được người lao động tỉnh Thanh Hóa ở nước ngoài gửi về gia đình.

"Hộ nghèo có người đi làm việc ở nước ngoài cơ bản đã thoát nghèo và có hướng phát triển vươn lên làm giàu", ông Tùng cho biết.

Tuy nhiên, vị phó giám đốc sở này bày tỏ Thanh Hóa phải đối mặt với tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi hết hợp đồng thì bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến hình ảnh lao động Việt Nam.

Thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), đến hết ngày 30-6-2022, vẫn còn 890 trong tổng số hơn 6.000 lao động làm việc tại Hàn Quốc đang cư trú trái phép. 

Do tỉ lệ lao động hết hợp đồng, ở lại trái phép tại Hàn Quốc còn cao, nên năm 2022, Thanh Hóa vẫn còn 2 huyện (Hoàng Hóa và Đông Sơn) nằm trong danh sách tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (trước đó, TP Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, huyện Thiệu Hóa và huyện Nga Sơn từng bị Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận người lao động).

Theo ông Lê Đình Tùng, do chênh lệch thu nhập của việc làm ở nước ngoài và việc làm trong nước là rất lớn (từ 7 đến 10 lần, thậm chí cao hơn) nên nhiều người lao động vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động.

"Một số người lao động thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước ngoài, vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung của cộng đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc nhằm có thu nhập cao", ông Lê Đình Tùng chỉ rõ.

Ông Tùng cũng nêu một số nguyên nhân khác như việc tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi về nước còn khó khăn, nhiều gia đình chưa quyết liệt trong khuyên nhủ người thân tuân thủ pháp luật; một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền lao động về nước… khiến tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của một số địa phương còn cao.

Vì sao Hàn Quốc vẫn dừng nhận lao động ở Thanh Hóa? - Ảnh 2.

Ông Lê Đình Tùng, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: HÀ QUÂN

Giải bài toán lao động bỏ trốn như thế nào?

Để hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi hết hợp đồng, tỉnh Thanh Hóa triển khai các phiên giao dịch việc làm cho lao động về nước đúng hạn, giới thiệu vào làm việc tại doanh nghiệp có trình độ tay nghề phù hợp.

Tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời có chế tài, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, không bảo vệ quyền lợi của lao động khi đi nước ngoài.

Theo ông Lê Đình Tùng, Thanh Hóa sẽ kiến nghị, đề xuất trung ương, các cấp ngành xây dựng cơ chế bảo lãnh người đi làm việc ở nước ngoài, ký quỹ với người lao động và khuyến khích họ về nước đúng hạn khi hết hạn hợp đồng. Trường hợp ở lại quá hạn sẽ bị xử phạt nghiêm. 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của các nước tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường kiểm tra, giám sát, truy quét, trục xuất lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp, đồng thời xử phạt nặng các doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp.

Bảy kiến nghị 7 kiến nghị 'gan ruột' của phó tổng giám đốc Esuhai để đưa người lao động đi nước ngoài hiệu quả

TTO - "Giai đoạn 2013 - 2021, gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài; thu nhập cao so với cùng công việc trong nước và đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình".

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên