15/02/2025 13:49 GMT+7

Vì sao đăng ký kết hôn vẫn yêu cầu ký trực tiếp vào sổ?

Vì sao đăng ký kết hôn và một số thủ tục hành chính vẫn chưa thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến, vẫn yêu cầu người dân ký trực tiếp vào sổ?

Vì sao đăng ký kết hôn vẫn yêu cầu ký trực tiếp vào sổ? - Ảnh 1.

Công chức TP Thủ Đức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc giải quyết thủ tục hành chính hiện nay đang đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Đặc biệt là hiệu quả của việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình, có nghĩa là dịch vụ cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. 

Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Nôm na là người dân chỉ cần ngồi nhà làm thủ tục hành chính qua mạng và nhận kết quả ngay tại nhà, mà không phải đi đến bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

Tuy vậy, hiện một số thủ tục hành chính vẫn chưa thể thực hiện thủ tục hành chính toàn trình (hoàn toàn qua môi trường mạng) do nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Trong đó có nguyên nhân khách quan như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, trình độ sử dụng công nghệ còn hạn chế, người dân chưa quen với việc làm thủ tục hành chính qua mạng... 

Nhưng cũng có một số nguyên nhân hoàn toàn do chủ quan. Đó là một số quy định pháp luật còn bất cập chưa theo kịp việc số hóa. 

Đặc biệt là một số thủ tục hành chính yêu cầu người dân phải có mặt trực tiếp để ký vào sổ, không được ủy quyền, nhận thay như thủ tục đăng ký kết hôn, thủ tục nhận cha, mẹ, con...

Ví dụ tại khoản 2 điều 16 Luật Hộ tịch về đăng ký khai sinh quy định: "Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào sổ hộ tịch. Chủ tịch UBND cấp xã cấp giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh". 

Khoản 3 điều 38 Luật Hộ tịch quy định về đăng ký kết hôn: "Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở UBND, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào giấy chứng nhận kết hôn".

Hay khoản 2 điều 39 Luật Hộ tịch về đăng ký giám hộ quy định: "Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì ghi vào sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào sổ hộ tịch". 

Khoản 4 điều 44 Luật Hộ tịch về đăng ký cha, mẹ, con: "Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào sổ hộ tịch".

Khoản 1 điều 2 thông tư số 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch thì: "...Trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện...".

Từ những ví dụ cụ thể trên, có thể thấy nhiều thủ tục hành chính không thể triển khai toàn trình đã hạn chế việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. 

Xa hơn là tiến tới chính phủ số, "số hóa mọi hoạt động quản lý đất nước", nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đang là rào cản trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Nhất là tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu cung cấp hoàn toàn dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính toàn trình hiện nay.

Vì sao đăng ký kết hôn vẫn yêu cầu ký trực tiếp vào sổ? - Ảnh 3.Toàn bộ hồ sơ đăng ký thế chấp nhà đất tại TP Thủ Đức nộp trực tuyến từ tháng 3-2025

Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức sẽ tiếp nhận tất cả hồ sơ đăng ký thế chấp nhà đất trực tuyến, không nhận trực tiếp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên