02/11/2024 08:29 GMT+7

Rà soát các thủ tục để người dân 'đỡ khổ'

Nêu ý kiến tại tổ ngày 1-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đến vấn đề cần rà soát lại thủ tục hành chính và xem cách gì để phục vụ nhân dân tốt hơn, giảm công sức vào những việc không cần thiết.

Rà soát các thủ tục để người dân 'đỡ khổ' - Ảnh 1.

Người dân luôn mong mọi thủ tục hành chính đều nhanh, gọn, thuận tiện - Ảnh: HỮU HẠNH

Trong đó, Tổng Bí thư đã nêu việc một tờ giấy khai sinh thôi, 5-6 cơ quan phải tham gia vào. Ông dẫn chứng việc một bà mẹ sinh con ra, giấy chứng sinh của trạm y tế cấp, rồi mang giấy đó sang công an lấy số định danh. Có số định danh sang tư pháp để lấy giấy khai sinh. Có giấy khai sinh lại quay trở về công an làm hộ khẩu, rồi sang y tế làm bảo hiểm...

Tuổi Trẻ trích giới thiệu ý kiến bạn đọc xung quanh việc này.

* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Nên tổng rà soát xem thủ tục nào còn gây phiền hà

Thời gian qua cử tri, nhân dân phản ánh nhiều về việc đi làm các thủ tục hành chính hiện còn phiền hà, gây tốn kém thời gian, chi phí. Nhiều cử tri ở các thành phố lớn phản ánh về việc đi làm thủ tục tạm trú, thường trú, khai tử... dù đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn phức tạp, tốn thời gian. Nhiều người phải đi vài ba lần mà còn chưa làm xong.

Các vấn đề liên quan giấy tờ đất đai cũng rất phức tạp. Một người dân muốn sang tên, thừa kế... phải thực hiện rất nhiều thủ tục, giấy tờ. Từ đó, dẫn đến câu chuyện phải nhờ "cò, dịch vụ" để làm.

Thời gian tới cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để người dân được hưởng lợi. Trong đó, các cơ quan chức năng nên tổng rà soát lại, lắng nghe người dân xem thủ tục nào còn phiền hà, nhiều cơ quan tham gia gây phức tạp thì phải đơn giản hóa, cắt giảm.

Chúng ta đang tiến hành chuyển đổi số và dữ liệu trên ứng dụng nên phải tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện để dân được hưởng thành quả đó. Chuyển đổi, cải cách không triệt để, nửa vời sẽ vừa lãng phí tiền bạc vừa lãng phí sức lực của cả cán bộ, nhân dân.

* Ông Nguyễn Đức Lam (cố vấn chính sách, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - IPS):

Đột phá tư duy để sửa quy trình

Về kỹ thuật, hệ thống dữ liệu chuyên ngành (dữ liệu dân cư, hộ tịch, dữ liệu doanh nghiệp, đất đai...) đã cơ bản được tạo lập làm nền móng cho triển khai tác nghiệp hành chính. Trên nền tảng đó, ngay trong ngắn hạn, 1-2 năm tới, tôi cho rằng các địa phương cần sẽ được đột phá trên hai công việc.

Thứ nhất, cung cấp tiện ích làm giấy tờ hành chính (như giấy khai sinh, cấp đổi giấy phép lái xe, cấp phiếu lý lịch tư pháp...) ngay trên ứng dụng thông minh (của địa phương hoặc ứng dụng VNeID). Khi một công dân chào đời, phụ huynh có thể mở điện thoại ra, và chính quyền đã cấp mã số công dân; cấp thẻ bảo hiểm đến tài khoản công dân số của mình. Nền tảng dữ liệu và công nghệ như hiện nay hoàn toàn cho phép làm việc đó. Đột phá tư duy để sửa quy trình là chắc làm được.

Thứ hai, về hiệu quả làm việc của công chức, lãnh đạo cấp tỉnh có thể mở điện thoại thông minh của mình để nhận báo cáo kết quả công việc chính cập nhật hằng giờ; hằng ngày công việc của công chức, của sở ngành (số lượng hồ sơ thủ tục trễ hạn; mức độ hài lòng của người dân/doanh nghiệp; tiến độ thu chi ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công)...

Điều đó sẽ làm nền tảng cho cải cách thủ tục hành chính, cho đánh giá hiệu quả công việc, đánh giá năng lực làm việc của đội ngũ công chức hành chính địa phương.

Bạn đọc Tuổi Trẻ góp ý

- Đã từ lâu rồi vẫn mong muốn Việt Nam phải tinh gọn lại bộ máy, vì quá cồng kềnh đã tạo nên sức cản lớn cho nền kinh tế. Không phải bây giờ thì còn đến lúc nào nữa đây? (L.T.Tùng)

- Mong là những điều Tổng Bí thư nói sẽ sớm có giải pháp xử lý triệt để và căn cơ. Xa hơn nữa là mong bộ máy chính quyền không còn cồng kềnh như hiện nay, rõ việc làm, rõ trách nhiệm và chống được lãng phí rất lớn, có được như vậy đất nước sẽ sớm phát triển thôi. Tôi tin chắc như vậy! (Henry)

Rà soát các thủ tục để người dân 'đỡ khổ' - Ảnh 2.Tổng Bí thư Tô Lâm: Rất bức xúc, một tờ giấy khai sinh thôi cũng phải 5-6 cơ quan tham gia

Nhắc lại chuyện bộ máy nặng nề, một việc nhiều người làm, không ai chịu trách nhiệm chính, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải rất rành mạch những chuyện như vậy vì chính quyền phục vụ nhân dân.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên