07/12/2020 17:41 GMT+7

Vì sao COVID-19 chỉ lây nhiễm cho một số loài nhất định?

LÊ CHUNG
LÊ CHUNG

TTO - Sử dụng mô hình protein 3D, các nhà khoa học đã giải quyết được câu hỏi vì sao COVID-19 chỉ lây nhiễm cho một số động vật cụ thể, ngoài ra cũng giúp phát triển thuốc và dự đoán các đợt bùng phát dịch trong tương lai.

Vì sao COVID-19 chỉ lây nhiễm cho một số loài nhất định? - Ảnh 1.

Mô hình 3D cho thấy protein gai virus SARS-CoV-2 (màu xanh) tương tác với protein thụ thể ACE2 (màu xám) nhờ đặc điểm riêng biệt (màu vàng) chỉ có ở một số loài cụ thể - Ảnh: JOÃO RODRIGUES

Các nghiên cứu trước đó cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm trên loài dơi, tê tê, con người, chồn, mèo… trong khi một số loài khác như lợn hay gà thì không. Lý do vì sao một số loài có thể miễn dịch với virus này còn số khác thì không đã trở thành một câu hỏi lớn cho các nhà khoa học.

Theo báo SciTechDaily, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Stanford mới đây đã tìm ra câu trả lời: một số loài động vật dễ mắc COVID-19 hơn một số loài khác do các đặc điểm cấu trúc trên bề mặt tế bào động vật. 

Để đi đến khám phá trên, nhóm nghiên cứu đã truy tìm manh mối ở giai đoạn đầu tiên của chu trình truyền nhiễm, đó là khi các protein gai của virus SARS-CoV-2 bám vào protein thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào động vật. 

Họ dùng máy tính để mô phỏng cấu trúc 3D của protein và xem xét cách thức các gai này tương tác với thụ thể trên nhiều loài động vật khác nhau. Điều này có thể ví như việc kiểm tra một chiếc chìa khóa vừa vặn với những ổ khóa nào.

Nhóm phát hiện một số loài nhất định bao gồm con người có thụ thể vừa vặn với "chìa khóa virus", và đó cũng là những loài có khả năng mắc bệnh. Mô phỏng máy tính đã chỉ ra các đặc điểm cấu trúc trên thụ thể ACE2 mà các loài miễn nhiễm không có, nhờ vậy mà chúng tương tác yếu hơn với các gai virus và không mắc COVID-19.

Những khám phá này có thể hỗ trợ trong việc phát triển các "chiến lược" kháng virus bằng cách sử dụng những "ổ khóa nhân tạo" để bẫy virus SARS-CoV-2 và ngăn chúng tương tác với thụ thể của con người. 

Ngoài ra, khám phá trên còn thúc đẩy cải tiến những mô hình để đưa ra dự báo về các vật chủ tiềm năng của một loại virus bất kỳ, sớm ngăn chặn được các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

Công trình của nhóm được đăng trên tạp chí khoa học PLOS Computational Biology.

Nhóm cho biết sẽ tiếp tục tinh chỉnh công cụ vi tính này để phục vụ cho các nghiên cứu sắp tới.

TP.HCM đã kiểm soát được chuỗi 4 ca mắc COVID-19 TP.HCM đã kiểm soát được chuỗi 4 ca mắc COVID-19

TTO - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), 3.263 mẫu xét nghiệm liên quan đến 4 ca dương tính (BN1342, BN1347, BN1348, BN1349) đều âm tính. TP đã kiểm soát được chuỗi ca bệnh này. Đã 5 ngày TP không ghi nhận ca nhiễm mới.

LÊ CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên