Một tiết học của học sinh chương trình tiếng Anh tích hợp ở TP.HCM - Ảnh: K.B.
Một phụ huynh có hai con học chương trình tiếng Anh tích hợp ở quận Tân Bình (đề nghị không nêu tên) cho biết: "Con tôi về nhà kể môn khoa học trong chương trình tiếng Anh tích hợp có một tiết dạy theo kiểu livestream, tức giáo viên người nước ngoài không có mặt trực tiếp tại lớp mà chỉ có giáo viên trợ giảng người Việt.
Tôi gọi điện hỏi thăm phụ huynh các trường khác thì đúng như vậy. Trong khi thông báo từ đầu chương trình tiếng Anh tích hợp có tám tiết/tuần do giáo viên bản ngữ đứng lớp. Vì sao năm nay cắt bớt một tiết, không bố trí giáo viên nước ngoài đứng lớp mà không thông báo cho phụ huynh biết? Năm học trước, chương trình tiếng Anh tích hợp bố trí giáo viên bản ngữ đứng lớp sáu tiết/tuần, hai tiết còn lại do giáo viên người Việt đứng lớp thì có giảm học phí, còn năm nay thì không?".
Ngoài ra, phụ huynh còn phản ảnh việc giảng dạy theo kiểu livestream không hiệu quả do hệ thống máy móc, đường truyền Internet không đáp ứng được yêu cầu, thường xuyên bị trục trặc...
Một tiết học của học sinh chương trình tiếng Anh tích hợp ở TP.HCM - Ảnh: K.B.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho biết: "Nhằm tăng cường thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục, năm học 2022-2023, trong số tám tiết tích hợp/tuần sẽ có nhiều nhất một tiết toán/khoa học/STEM giảng dạy trên môi trường metaverse (vũ trụ kỹ thuật số, cho phép người dùng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tương tác). Các tiết còn lại vẫn học như lâu nay".
Ông Quốc nói thêm: "Ở các tiết học này, giáo viên nước ngoài vẫn là người giảng dạy (đặt vấn đề, đưa ra tình huống, yêu cầu giải quyết, cung cấp kiến thức, hình ảnh trực quan, theo dõi đánh giá sản phẩm, kết quả…) nhưng là giảng dạy trong môi trường học tập ứng dụng công nghệ. Người Việt Nam có mặt trực tiếp ở lớp học khi ấy chỉ hỗ trợ quản lý lớp, hỗ trợ học sinh tập trung thực hiện chia nhóm, xử lý một số việc và chỉ đóng vai trò giáo viên trợ giảng".
Theo ông Quốc, một trong những ưu điểm nổi bật của công nghệ metaverse là giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau trong không gian 3D. Ví dụ như trong tiết sinh học, học sinh được khám phá và thực hành về các cơ quan của cơ thể người với mô hình trực quan trong môi trường 3D. Giáo viên người nước ngoài - dù không có mặt trực tiếp ở lớp học nhưng thông qua ứng dụng công nghệ vẫn tương tác, theo dõi và đánh giá được sự tham gia của học sinh.
Ông Quốc cho biết thêm: "Việc một số trường gặp trục trặc, cơ sở vật chất (như ti vi thông minh, máy chiếu, loa, đường truyền Internet…) chưa đáp ứng được trong khi dạy trên môi trường metaverse, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã nắm được tình hình. Hiện nay EMG Education (đơn vị thực hiện chương trình) đã và đang tiếp tục làm việc với trường học có khó khăn.
Trên cơ sở đó, EMG sẽ hỗ trợ lắp đặt đường truyền Internet tốc độ cao hoặc đầu tư những hạng mục cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đảm bảo chất lượng cũng như độ hiệu quả của các tiết học ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, các phòng chuyên môn của sở cũng đang tăng cường rà soát để có những chỉ đạo, điều chỉnh thời lượng phù hợp, lựa chọn các chủ đề cụ thể khi áp dụng chuyển đổi số trong giảng dạy".
Chương trình tiếng Anh tích hợp là tên gọi tắt của chương trình "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp theo Khung chương trình quốc gia Anh và Việt Nam". Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã phối hợp với Công ty cổ phần quản lý giáo dục và đầu tư EMG triển khai chương trình này tại các trường công lập trên địa bàn TP từ học kỳ II năm học 2014-2015.
Theo thông báo ban đầu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, học sinh chương trình tiếng Anh tích hợp vẫn học đầy đủ các môn theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Bên cạnh đó, học sinh sẽ học thêm 8 tiết/tuần (đối với cấp tiểu học và THCS) và 15 tiết/tuần (cấp THPT) cùng giáo viên bản ngữ ở ba môn toán, tiếng Anh và khoa học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận