Các địa phương cũng đang "chạy nước rút" rà soát, chuẩn bị để triển khai thu phí lòng đường, vỉa hè như thế nào?
Đôn đốc tiến độ
Từ cuối tháng 12-2023, lực lượng chức năng đã phối hợp thường xuyên kiểm tra, yêu cầu người dân dọn dẹp, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Đây là bước rà soát, chuẩn bị để địa phương thực hiện thu phí.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết ngày 1-1 là ngày chính thức có hiệu lực, còn việc triển khai thu thì các quận, huyện cũng cần thời gian để chuẩn bị kỹ càng. Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản đề nghị các quận, huyện triển khai nhanh chóng, hiệu quả công tác thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè để sớm đưa vào nề nếp quản lý.
Một cán bộ Sở Giao thông vận tải được giao phụ trách đôn đốc thu phí cũng nhấn mạnh rằng lòng đường, hè phố chỉ được sử dụng tạm thời một phần cho mục đích kinh doanh, mua, bán hàng hóa, để xe, trông giữ xe… khi được cấp phép và nộp phí sử dụng theo quy định.
Do đó, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện khẩn trương ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ.
Song song đó cần tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông để triển khai theo lộ trình, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời, tổ chức việc cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định.
"Các địa phương phải chỉ đạo lực lượng chức năng duy trì thường xuyên, liên tục việc tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố", vị này nói.
Các quận đang "chạy nước rút"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Thanh Bình - phó Phòng quản lý đô thị quận 1 - cho biết hiện nay việc thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường đã được ban hành, và quận 1 đang trong thời gian lập danh sách các tổ chức, nhà dân mong muốn sử dụng, rồi đối chiếu các điều kiện thực tế, sau đó gửi đến các đơn vị khác để thống nhất.
Tại quận 1, các phường đang rà soát, phối hợp lấy ý kiến của người dân và các đơn vị liên quan, thông báo một số vị trí đủ điều kiện để người dân đăng ký. Phương thức, cách thức kinh doanh như thế nào sẽ có phương án trên cơ sở hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Tất cả vỉa hè muốn kinh doanh thì phải được phê duyệt phương án, sự chấp thuận của quận để quản lý. Khi ban hành các danh mục đã triển khai tới người dân, phường cũng phối hợp, đi sâu sát từng khu phố để tìm hiểu nhu cầu, nơi có đủ điều kiện hay không để lập danh sách cụ thể. Còn chuyện triển khai kinh doanh phải được thông qua và chấp thuận phương án của quận và các bên liên quan.
"Mọi việc đang ở bước ban hành những hướng dẫn, kế hoạch thu phí, cách thức thu. Sau đó, danh sách các vị trí cụ thể sẽ gửi cho Sở Giao thông vận tải TP.HCM để có ý kiến thống nhất cho từng tuyến, tuyến nào thông qua, tuyến nào cần điều chỉnh.
Tiếp theo, quận sẽ đề nghị Trung tâm Quản lý giao thông đường bộ hướng dẫn các nội dung cần thiết để sớm có cơ sở cho sở tham mưu TP.HCM quyết định phân cấp về lòng đường cho quận quản lý", ông Bình nói.
Liên quan về vấn đề hạ tầng, ông Phạm Quách Trường Giang - trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 1 - cho biết quận đang hoàn tất các thủ tục để sửa chữa nhiều đoạn vỉa hè, đường sá, chỉnh trang đô thị, cải thiện các vị trí cho người dân có nhu cầu nộp phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán.
Trong năm 2024 và 2025, quận 1 sẽ sửa chữa hàng loạt tuyến hẻm, đường. Đồng thời, gia cố các nền đường, thay mới hệ thống thoát nước với tổng vốn đầu tư khoảng 220 tỉ đồng.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, một cán bộ quản lý đô thị của UBND quận 3 chia sẻ hiện các lực lượng đang tập trung dọn dẹp lòng đường, vỉa hè, kết hợp tuyên truyền đến người dân về quy định thu phí. Đến nay, quận đã lập phương án thu phí lòng đường, vỉa hè cụ thể trên từng tuyến gửi các phòng, ban, HĐND quận để lấy ý kiến, triển khai phù hợp nhất.
- PGS.TS VŨ ANH TUẤN (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Trường ĐH Việt Đức):
Thu phí vỉa hè minh bạch, hiệu quả
Điều quan trọng là TP.HCM cần triển khai thu đồng bộ, kết hợp dọn dẹp lòng đường, vỉa hè và tuyên truyền để nhận được sự ủng hộ của người dân trong quá trình triển khai thu phí.
Chúng ta nên học bài học kinh nghiệm từ thế giới như Đài Bắc (Đài Loan) là nơi quản lý lòng đường, vỉa hè khá tốt, họ có nhiều điểm tương đồng với đặc điểm đô thị của TP ta.
Đặc biệt là các đơn vị thu phí phải luôn đảm bảo việc thu công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức có nhu cầu tiếp cận dễ dàng. Nguồn phí thu được sử dụng hiệu quả, chú trọng vào công tác duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố, phát triển xe công cộng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận