01/09/2020 17:34 GMT+7

Vì khó khăn, Bắc Kinh nhắm mắt làm ngơ cho dân đi bán hàng rong

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Do kinh tế yếu kém vì đại dịch COVID-19, những người bán hàng rong ở Trung Quốc lại tràn ra vỉa hè một số đô thị mua bán mà không bị gây khó dễ như trước.

Vì khó khăn, Bắc Kinh nhắm mắt làm ngơ cho dân đi bán hàng rong - Ảnh 1.

Thời đại dịch, Trung Quốc xem bán hàng rong là lực lượng sống còn của nền kinh tế - Ảnh: AFP

Anh Lưu Đậu Nguyên thêm ít ớt bằm vào chảo rồi vung tay lắc chảo xào món cà tím. Mồ hôi nhỏ giọt trên thân người để trần của anh nhưng anh cười tươi như hoa.

Đặc phái viên báo Le Temps (Thụy Sĩ) cho biết nhà hàng của anh Lưu bị đóng cửa do dịch COVID-19. Anh không biết làm gì để mưu sinh, cuối cùng gia nhập đội quân bán hàng rong ở thành phố Thiệu Hưng (tỉnh Chiết Giang Trung Quốc).

Từ lời kêu gọi của thủ tướng Trung Quốc

Để đối phó với khủng hoảng kinh tế hoành hành sau đại dịch COVID-19, vào đầu tháng 6-2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi người dân không có việc làm nên... đi bán hàng rong.

Ông khẳng định những người bán hàng rong là "lực lượng sống còn của nền kinh tế Trung Quốc". Ông đã dẫn ví dụ chính quyền Thành Đô báo cáo cho phép mở các quầy hàng lưu động, nhờ vậy đã tạo được 100.000 việc làm mới.

Lời kêu gọi của ông Lý Khắc Cường là "một cuộc cách mạng nhỏ" đối với các quan chức Trung Quốc.

Từ nhiều năm qua, họ chỉ hô hào phải nâng tầm kinh tế, xây dựng thành phố hiện đại, đường sá sạch sẽ với những tòa tháp bằng kính và camera giám sát khắp nơi.

Để đạt được mục tiêu này, từ những năm 1990 chính quyền các thành phố đã truy đuổi những người bán hàng rong.

Song đến cuối tháng 5-2020, bảng xếp hạng "thành phố văn minh" được công bố không còn đề cập đến tiêu chí phạt người bán hàng rong nữa.

Thật ra tại Trung Quốc không phải ai cũng đồng tình với quan điểm của ông Lý Khắc Cường.

Vài ngày sau đó, tờ Bắc Kinh Nhật báo đã đăng bài viết nêu hàng loạt vấn đề do những người bán hàng rong gây ra. Bài viết khẳng định bán hàng rong là "mất vệ sinh và không văn minh".

Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố lớn khác khẳng định người bán hàng rong không được chào đón.

Vì khó khăn, Bắc Kinh nhắm mắt làm ngơ cho dân đi bán hàng rong - Ảnh 2.

Cảnh bán hàng rong trên vỉa hè khó thấy trước đại dịch COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Mọi người vui vẻ mua bán trong cảnh hỗn độn

Tại Thượng Hải, kinh tế đường phố chỉ tập trung vào một số quầy hàng xây dựng đúng tiêu chuẩn do các thương hiệu có tên tuổi điều hành bên cạnh các trung tâm mua sắm.

Ngược lại tại thành phố Thiệu Hưng, cư dân vui vẻ mua bán trong cảnh hỗn độn.

Trên con đường mua sắm ở ngoại ô, nhân viên trật tự đô thị đi qua các quầy hàng bán quần áo, trái cây hay thịt nướng mà chẳng làm phiền ai.

Một cô sinh viên bán túi xách và vật dụng lặt vặt trong kỳ nghỉ hè làm chứng: "Trước đây bán như vầy bị cấm tiệt, họ sẽ đuổi chúng tôi".

Người bán ở đây không cần giấy phép. Người đến trước chọn chỗ họ thích và giữ chỗ đó mua bán mỗi ngày.

Ngồi cạnh tấm bảng lớn mô tả hàng loạt bệnh về chân kèm ảnh giải thích, một người đàn ông mời chăm sóc móng chân với giá 10 nhân dân tệ. Ông chỉ có vài vật dụng đặt trên chiếc bàn xếp.

Một đôi vợ chồng bán quần áo trẻ em cho biết: "Chúng tôi có mặt bằng sau trung tâm thương mại này nhưng người đi chợ đêm ít vào bên trong". Họ đã đổi gian hàng lớn lấy mặt bằng nhỏ hơn với chi phí thuê chỉ bằng một nửa.

Cạnh đó có một cô gái bán gian hàng trò chơi ném vòng nhựa với anh và chồng cô. Tối nào bán đắt, cô có thể kiếm 700 nhân dân tệ chia cho ba người.

Vì khó khăn, Bắc Kinh nhắm mắt làm ngơ cho dân đi bán hàng rong - Ảnh 3.

Từ tháng 5-2020, bảng xếp hạng "thành phố văn minh" không còn đề cập đến chuyện phạt người bán hàng rong - Ảnh: Xinhua

Tỉ lệ thất nghiệp có thể lên đến 20,5%  

Tại phiên họp quốc hội vào cuối tháng 5, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã gây bất ngờ khi thông báo 600 triệu dân Trung Quốc vẫn sống với mức thu nhập dưới 1.000 nhân dân tệ/tháng.

Trên mạng xã hội, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu quen tai với những lời ca ngợi các đô thị hiện đại hóa không tin số liệu này nhưng Cục Thống kê quốc gia đã xác nhận ngay sau đó.

Trung Quốc công bố tỉ lệ thất nghiệp chính thức ở mức khiêm tốn 5,7% trong tháng 6-2020 so với 5,1% trước đó một năm. Dù vậy, nhiều nghiên cứu độc lập mô tả tình hình đen tối hơn.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại với 3,2% trong quý 2 so với mức giảm 6,8% ở quý 1 so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, 8,7 triệu sinh viên mới tốt nghiệp sẽ tham gia thị trường lao động vào mùa hè này.

Tháng 4-2020, Công ty phân tích tài chính Zhongtai Securities ước tính 70 triệu lao động có thể mất việc, tức tỉ lệ thất nghiệp lên đến 20,5%.

Thực tế khác với số liệu chính thức bởi thống kê không tính đến 290 triệu lao động nhập cư thường làm các công việc bấp bênh đã về quê khi kinh tế suy thoái.

Tiêu biểu như anh Lưu Đậu Nguyên là người gốc Tứ Xuyên di cư đến Thiệu Hưng 20 năm trước.

Sau nhiều năm làm bếp trong nhà hàng, anh gom góp tiền cùng hai người bạn mở nhà hàng nước xốt Tứ Xuyên.

Cuối cùng do COVID-19, khoản đầu tư 90.000 nhân dân tệ của mỗi người cuốn theo chiều gió. Tháng 7-2020 anh quyết định thử thời vận lần nữa với nghề bán hàng rong. Anh nói: "Chúng tôi có thể kiếm được 600 nhân dân tệ mỗi ngày, vậy cũng không tệ lắm".

Color Man làm người bán hàng rong, kêu gọi giúp đỡ những mảnh đời khó khăn Color Man làm người bán hàng rong, kêu gọi giúp đỡ những mảnh đời khó khăn

TTO - Anh Đỗ Văn Bửu Điền - YouTuber Color Man đã hóa thân thành người bán kẹo bông gòn, bánh mì, hột vịt lộn,… trải nghiệm công việc ‘buôn gánh bán bưng’, kêu gọi ủng hộ những người mưu sinh trên đường phố trong chương trình 'Tiếng rao 4.0.'

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên