19/11/2017 19:51 GMT+7

Vị hiệu trưởng tiên phong 'xé rào'

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Âm thầm thí điểm mô hình đào tạo 'không chính quy', Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM do thầy Lý Hòa làm hiệu trưởng từng bị Bộ Đại học 'điểm mặt chỉ tên'.

Vị hiệu trưởng tiên phong xé rào - Ảnh 1.

GS.TS Lý Hòa giao lưu với các thế hệ giảng viên, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) sáng 19-11 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngày 19-11, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) tổ chức lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam trong không khí ấm cúng với phần giao lưu với các thầy cô, sinh viên qua ba thế hệ nhà trường.

Các thế hệ thầy cô, sinh viên của ngôi trường 60 năm tuổi ai cũng mong muốn có dịp được ngồi lại, cùng kể nhau nghe những hồi ức, những chia sẻ từ chính những thầy cô, học trò của mình.

Đó là câu chuyện của GS.TS Lý Hòa - một người thầy đáng kính, tấm gương cho ý chí kiên cường và vươn lên của một người lính và một sự tận tụy, say mê của một nhà khoa học đã cuốn hút bao thế hệ học trò.

Sau 16 lần mổ trong vòng 5 năm vì vết thương trong chiến tranh, từ kiến thức văn hóa lớp 3, thầy Lý Hòa đã tự học nâng kiến thức lên cho mình tương đương lớp 10, rồi trở thành giáo sư vật lý và trở thành hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM.

Dù đã gần bước sang tuổi 90, thầy Lý Hòa vẫn nhiệt tình tham gia trò chuyện với các thế hệ thầy cô và sinh viên của nhà trường. Câu chuyện của thầy hiệu trưởng tiên phong "xé rào" đã liên tục nhận được những tràn pháo tay từ những người có mặt trong buổi giao lưu.

Năm 1975, cùng đoàn cán bộ giảng dạy miền Bắc tiếp quản các trường đại học miền Nam, thầy Lý Hòa được phân công tiếp quản Trường ĐH Cần Thơ. Tháng 4-1977, Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM được thành lập và thầy Lý Hòa được bổ nhiệm làm hiệu trưởng.

Thời điểm đó chế độ bao cấp gây nhiều khó khăn, các trường đại học thiếu thốn đủ thứ nhưng hiệu trưởng nhà trường đã phát động xây dựng nhà trường theo mô hình đại học tiên tiến của thế giới.

"Nhiều năm giảng dạy đại học chúng tôi thấy rằng đào tạo theo niên chế rất lạc hậu, đặc biệt với quy chế lưu ban rất "ác" với sinh viên. Vì vậy chúng tôi đã xây dựng mô hình đào tạo theo học phần.

Nhà trường mạnh dạn thí điểm mô hình đào tạo niên chế kết hợp với học phần và sau đó thực hiện học phần hóa toàn năm học. Sau khi báo cáo Bộ GD-ĐT, mô hình này đã được triển khai cho tất cả các trường đại học cả nước", thầy Hòa nhớ lại.

Đến năm 1982, dù còn nhiều khó khăn, Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM vẫn có nhiều khoa, đội ngũ giảng viên được củng cố nhưng Bộ GD-ĐT chỉ giao cho nhà trường 140 chỉ tiêu. Vì vậy mà 30 thí sinh thi đại học chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển.

Trước thực tế này, thầy Lý Hòa đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT: "Đào tạo đại học ngoài đào tạo cán bộ cho nhà nước còn đào tạo tri thức cho dân". Rồi trường âm thầm thí điểm mô hình đào tạo "không chính quy".

Với mô hình này, có năm trường đã tuyển được 5.800 sinh viên dưới dạng "ĐH mở" với tên gọi "không chính quy".

Thầy Hòa cho biết: "Khi đó mô hình này được xã hội ủng hộ nhưng nhiều người phản đối. Bộ trưởng Bộ Đại học khi đó là GS Nguyễn Đình Tứ cho rằng Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM đã sai vì mở mô hình đào tạo mới mà không có phép. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn…

Lúc đó tôi nghĩ chắc phải dừng lại và mình cũng bị mất chức. Nhưng rất may bộ trưởng lại cho rằng dù sao Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM đã tạo ra cái mới để nghiên cứu đổi mới ngành đại học trong tương lai và cho phép nhà trường tiếp tục thí điểm đào tạo mô hình này.

Sau 3 năm thí điểm, chúng tôi đã báo cáo lại bộ và xin phép kết thúc. Chúng tôi đề nghị sẽ cùng các địa phương mở các ĐH mở. Sau đó, Bộ Đại học đã thành lập hai trường ĐH Mở tại Hà Nội và TP.HCM".

Cùng với việc thí điểm mô hình đào tạo không chính quy, thầy Lý Hòa đã mở ngành học hoàn toàn mới là kinh tế học.

"Hồi đó lạ lắm, ngành gì mới mở ra đều có rất nhiều người học. Vì thế cấp trên phản đối tiếp và yêu cầu nhà trường chỉ được phép mở ngành kinh tế chính trị học. Chúng tôi phải liên tục đương đầu với khó khăn để thuyết phục bộ cho phép đào tạo và cấp bằng cho sinh viên ngành kinh tế học", thầy Hòa nhớ lại.

GS.TS Lý Hòa sinh năm 1930, tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Mới 16 tuổi ông đã tham gia dạy bình dân học vụ, tham gia hoạt động du kích xã… Cuối tháng 10-1958, ông xuất ngũ, tiếp tục học và thi đậu vào Trường Bổ túc văn hóa công nông trung ương, rồi tốt nghiệp loại giỏi.

Sau đó ông tốt nghiệp loại ưu khoa vật lý Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (khóa 1959-1963) và được giữ lại trường làm giảng viên đến năm 1975.

Tháng 4-1977, ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM cho đến tháng 6-1990. Ông được phong là Anh hùng Lao động - Nhà giáo nhân dân.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên