12/06/2020 09:31 GMT+7

Vì đó là Mười Hương

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Đã 97 tuổi rồi, nhưng tin ông Trần Quốc Hương, tức Mười Hương - người chỉ huy những nhà tình báo huyền thoại - tạ thế vẫn khiến bao người đã từng nghe, biết tên ông hẫng hụt.

Vì đó là Mười Hương - Ảnh 1.

Bậc thầy của các nhà tình báo Trần Quốc Hương - Ảnh: T.T.DŨNG

Thế hệ những người cách mạng đầu tiên tận hiến, tận trung cho lý tưởng trong sáng vậy là lại thêm một khoảng trống khó bù đắp!

Vào đó tùy tình hình, công việc thì các chú đã giao và dặn chú kỹ rồi. Xem làm được thì nhận và đã nhận thì đừng phụ lòng trung ương. Đi sao nhớ về vậy.

BÁC HỒ dặn dò ông Mười Hương

Ông Mười Hương ra đi, để lại phía sau những câu chuyện về lòng tin đã làm nên sức mạnh, làm nên sự nghiệp.

Người bảo vệ

Đọc lại câu chuyện về cuộc đời cách mạng của ông Mười Hương được nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải ghi lại bắt đầu từ khi chú bé Trần Ngọc Ban bước vào tuổi 13 cho đến khi trở thành Mười Hương lừng tiếng sau này, ấn tượng xuyên suốt là lòng tin không sứt mẻ mà ông đã gây dựng được cho bản thân mình với các đồng chí xung quanh.

Mới 15 tuổi, Ban đã bị bắt vào nhà tù thực dân vì một hành động ngây thơ: quay trở lại cất giữ hai lá cờ vừa bị lộ vì... tiếc. Vậy mà vừa được anh trai bảo lãnh, cậu bé Ban đã cầm được thư giới thiệu của những đồng chí đàn anh trung kiên trong tù để tìm đến lãnh đạo trung ương và được phân công vào Ban công tác đặc biệt của Đảng, chuyên công tác tổ chức bảo vệ các lãnh đạo Đảng trong hoạt động bí mật.

Ông Mười Hương không bao giờ giải thích về cơ duyên này, nhưng có một câu chuyện khác nói thay ông: Nghe tin một bạn cùng hoạt động bị bắt, không muốn bị tra tấn đã cắt cổ tự tử, máu chảy tràn trề đang bị giam riêng trong bệnh viện, Mười Hương bèn bắt liên lạc với một chị y tá là cơ sở mật tìm cách vào thăm. Chị gắt: "Vào để chết à?", chàng thanh niên Mười Hương trả lời đầy nhiệt huyết: "Chúng tôi là bạn thân. Có lần anh ấy bán cả sách vở cho tôi tiền ăn lúc khốn khó". Cuộc đột nhập nguy hiểm diễn ra để Mười Hương ứa nước mắt nhét được qua cửa sổ cho bạn vài miếng bánh mì, vài đồng bạc lẻ.

Bản tính trung tín ấy đã lọt vào mắt xanh của các nhà lãnh đạo cách mạng tinh đời. Mười Hương chưa tròn 20 tuổi đã được tin cẩn giao những nhiệm vụ tối quan trọng: tổ chức những "an toàn khu" ngay giữa đô thị Hà Nội, Hải Phòng để các lãnh đạo Đảng họp, một mình một xe đạp chở Tổng bí thư Trường Chinh vào tận trung tâm Hà Nội, bắt liên lạc với sĩ quan Nhật để binh vận ngay trước Sở Mật thám, chuẩn bị cho những cuộc đổi dời trước Cách mạng Tháng Tám; bắt liên lạc vận động những nhà trí thức lớn ủng hộ cách mạng...

Sau này, trong cuộc phân ly của đất nước, nhiệm vụ vào Nam, tổ chức những hoạt động bí mật phục vụ cho mục tiêu thống nhất cũng được giao cho ông.

Vì đó là Mười Hương - Ảnh 3.

Ông Mười Hương trong buổi trao đổi với các nhà báo của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

"Đi sao về vậy"

Đến cuối đời, ông Mười Hương vẫn nhớ đinh ninh mấy lời giản dị của Bác Hồ dặn dò ngày ông nhận nhiệm vụ: "Vào đó tùy tình hình, công việc thì các chú đã giao và dặn chú kỹ rồi. Xem làm được thì nhận và đã nhận thì đừng phụ lòng trung ương. Đi sao nhớ về vậy".

Vào Nam, ông đã cùng các cộng sự của mình viết nên những huyền thoại tình báo:

Vũ Ngọc Nhạ (nguyên mẫu tiểu thuyết Ông cố vấn - Hữu Mai), đại tá anh hùng Lê Hữu Thúy (nguyên mẫu điệp viên trong Giữa sa mạc lửa - Nhị Hồ), Phạm Ngọc Thảo (nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa - Nguyễn Trương Thiên Lý), và Phạm Xuân Ẩn (thiếu tướng anh hùng, nhân vật của các cuốn sách Điệp viên hoàn hảo - Larry Berman, Một người Việt trầm lặng - Jean-Claude Pomonti, Tên người như cuộc đời - Nguyễn Thị Ngọc Hải).

Mỗi lần được hỏi về những câu chuyện sẽ hấp dẫn bất kỳ ai này, ông chỉ trả lời đơn giản: "Các anh ấy (Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn) chỉ nhận chỉ đạo đường hướng thôi, còn tự tài năng của mình mà lập được công lớn. Công việc bí mật, độc lập như vậy, làm sao chỉ việc được".

Đường hướng ấy là những chiến lược nhạy bén mang tính quyết định. Như khi ông quan sát cách nói tiếng Anh, tiếng Pháp dí dỏm, thoải mái của Phạm Xuân Ẩn gây được cảm tình thế nào với người Mỹ, phân tích tình hình giằng co sau Hiệp định Gèneve để đưa ra lời khuyên cho Ẩn: "Em không nên tiếp tục làm cho Cơ quan viện trợ Mỹ, giỏi lắm lên được đại tá. Không ngon ăn. Phải đi học thêm. Học báo chí tại Mỹ, học cái hay của văn hóa Mỹ, hiểu rõ tính cách con người Mỹ, nghĩ và viết như Mỹ, về làm báo Mỹ. Nghề ấy mới cho em tự do tiếp xúc với tất cả mọi loại người, mở tất cả mọi cánh cửa...".

Như khi ông phân tích với Phạm Ngọc Thảo: "Phải nhìn thấy đặc điểm của anh em họ Ngô. Họ không phải tay sai bơ sữa mà là những người thể hiện tinh thần quốc gia theo kiểu của mình: quốc gia chống cộng. Họ muốn sử dụng người giỏi, yêu nước như Cụ Hồ sử dụng những trí thức, nhân sĩ không cộng sản. Vậy Thảo phải nhập vào cách đó: là một người giỏi theo kháng chiến nhưng tinh thần quốc gia, không cộng sản, tạo uy tín để có ảnh hưởng, thế lực của mình chứ tuyệt đối không tổ chức lực lượng...".

Những người cộng sự vô cùng nhạy bén và xuất sắc của ông Mười Hương tin tưởng ông tuyệt đối trong những hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học, ở nhà, Mười Hương bị khai báo, bị bắt, bị khai thác khốc liệt cả tra tấn thể xác lẫn tâm lý chiến tại nhà giam Chín Hầm khét tiếng. Tin tức không có, Phạm Xuân Ẩn không khỏi nghĩ đến viễn cảnh một chiếc còng tay chờ mình ở cổng máy bay khi trở về. "Nhưng vì đó là Mười Hương", ông Ẩn giải thích quyết định bình thản bay về của mình như vậy.

Dù có bị bắt sớm, ông đã giữ được vẹn toàn đến ngày cuối cùng "đi sao về vậy".

Nghĩa tình đồng đội

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải nhận xét về ông Mười Hương sau những cuộc trò chuyện kéo dài hàng năm: "Đời ông cũng chịu nhiều tổn thất lớn, nhưng lòng tin của ông vào cách mạng, vào con người đã làm nên sức mạnh của chính ông". Sức mạnh của ông chính là được tin vậy.

Đại tá tình báo Tư Cang - anh hùng Nguyễn Văn Tàu, người chỉ huy trực tiếp cụm tình báo của ông Phạm Xuân Ẩn giai đoạn sau này, kể: "Năm 1963, khi chính quyền ông Diệm bị đảo chánh, tôi tổ chức giải thoát ông Mười Hương ra khỏi nhà tù, đưa vào nhà một cơ sở ăn cơm, ba trinh sát phiên nhau chở ông vào căn cứ Bời Lời (Trảng Bàng). Sau này gặp ở đâu, ông cũng nhắc: "Đồng chí Tư Cang, người đã cứu tôi khỏi nhà tù". Bản thân ông Mười cũng đã nhiều lần can thiệp cứu đồng chí nhưng ông chẳng bao giờ nhắc".

Người thầy của những nhà tình báo

Được mệnh danh là người thầy của những nhà tình báo huyền thoại, ông Mười Hương - tên thật là Trần Ngọc Ban - đã từng làm việc bên cạnh các lãnh tụ của cách mạng Việt Nam: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ... Ông cũng chinh phục được các trí thức lớn và bạn bè quốc tế.

Ông là một trong số những cán bộ đầu tiên được Bác Hồ tin tưởng cử vào chi viện miền Nam, đã trải qua tù đày ở cả hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Mỹ. Ông từng có cuộc đấu trí với ông Ngô Đình Nhu và kiên cường sống sót qua chế độ lao tù của Ngô Đình Cẩn.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, phó bí thư Thành ủy TP.HCM, phó bí thư Thành ủy Hà Nội, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trưởng Ban Nội chính trung ương. Ông là ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VI, bí thư Trung ương Đảng khóa VI.

Ông từ trần vào lúc 10h10 ngày 11-6-2020 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM, thọ 97 tuổi.

‘Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại’ Trần Quốc Hương từ trần ‘Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại’ Trần Quốc Hương từ trần

TTO - Nhà tình báo Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương), nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, ‘người thầy của những nhà tình báo huyền thoại’, đã từ trần sau thời gian lâm bệnh.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên