23/06/2018 16:38 GMT+7

Vì con, mẹ không đầu hàng số phận

LINH ĐAN
LINH ĐAN

TTO - Mọi bi kịch cuộc đời như đều đổ dồn về gia đình này: khi vợ bị ung thư giai đoạn cuối, chồng lại tai biến không làm được việc nặng. Để bù lại, họ đã có thêm sức sống từ cậu con trai hiếu thảo, nhiều nghị lực.

Vì con, mẹ không đầu hàng số phận - Ảnh 1.

Em Thạch Quốc Khánh tranh thủ thời gian rảnh phụ giúp công việc gia đình - Ảnh: LINH ĐAN

Căn nhà của anh Thạch Văn Từ và chị Lê Thị Hiền Vinh (thôn 3, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) chênh vênh giữa một bên là con đường thôn, phía sau là bãi sình đã bị khoét sâu hàng chục mét để lấy đất sét làm gạch nung. Cũng chính cái nghề này đã lấy đi hết những năm tháng tuổi trẻ và sức khỏe của họ.

Chỉ còn niềm hi vọng...

Nghe khách đến, chị Vinh nán lại chờ dù sắp lên xe để lên TP Buôn Ma Thuột chạy thận theo định kỳ. Tay trái chị Vinh chi chít vết kim tiêm lấy ven, dáng người như có thể ngã xuống bất cứ lúc nào do căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Thế nhưng, sau mỗi lần thay máu về chị vẫn phải lao mình vào công việc gia đình, đi làm thuê để có tiền đắp đổi qua ngày.

Anh chị quen và cưới nhau khi còn là công nhân một nhà máy sản xuất gạch nung ở xã Trúc Sơn. Năm 2012, chị Vinh thấy trong người mệt mỏi nên đi bệnh viện kiểm tra. "Tôi choáng váng khi bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy nói bị ung thư độ 3" - chị Vinh nhớ lại. Năm 2016 anh Từ bị tai biến và từ đó đến nay vẫn phải chạy chữa, công việc nặng không còn làm được nữa.

"Chồng đau bệnh, tiền bạc kiệt quệ nên tôi cũng không dám đi bệnh viện thăm khám, điều trị nữa. Hơn nửa năm qua, bác sĩ cho biết bệnh đã bước vào giai đoạn cuối, phải uống thuốc và chạy thận thường xuyên" - chị Vinh buồn bã.

Bệnh tật và cái nghèo bám riết, đời còn niềm hi vọng là đứa con trai nên còn bao nhiêu sức lực trong hai cơ thể ốm yếu, anh chị đã biến thành nghị lực để tiếp tục sống. Chỉ lo cháu Thạch Quốc Khánh còn quá nhỏ, chưa tự lo cho bản thân, sẽ thất học.

"Mỗi tuần chạy thận ba lần (3 triệu đồng/tháng dù bảo hiểm chi trả 80%) nên tiền bạc, bao nhiêu tài sản cũng không thể ở lâu trong nhà. Nhưng mình phải sống để con có mẹ, để cháu tiếp tục đến trường, để thay đổi cuộc sống hiện tại" - chị Vinh tâm sự.

Quyết không từ bỏ

Chị Vinh tâm sự cũng may có đứa con trai hiếu thảo, biết nghe lời, chăm chỉ nên chị như được tiếp thêm sức mạnh. Cứ mỗi lần đi chạy thận về, chị Vinh lại kiếm công việc làm thuê, chăn nuôi thêm để có thêm thu nhập. Không có đất canh tác, công việc làm thuê cũng không thường xuyên, năm trước chị vay vốn chính sách 20 triệu đồng để mua bò về nuôi. Nhưng khó khăn vẫn tìm đến chị khi năm 2017 giá bò thịt xuống thấp, bao nhiêu công sức hơn một năm trời chẳng thu lợi được gì.

Chị bỏ lỡ câu chuyện vì đã đến giờ đi bệnh viện chạy thận theo lịch. Xếp vội bộ đồ, bọc thuốc tây to tướng, chị tất tả đi bộ ra quốc lộ 14 để đón xe buýt lên Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột. "Vì con trai, còn sống được ngày nào tôi sẽ không từ bỏ" - chị Vinh quyết tâm.

Hết hè này con trai chị sẽ vào lớp 10 Trường THPT Đào Duy Từ. Dáng người nhỏ thó, nhìn Khánh cứng rắn hơn độ tuổi. Gia đình khó khăn, ngoài giờ học Khánh đi kiếm việc làm thuê quanh vùng. Ai thuê gì cũng làm để có thêm tiền trang trải việc học, cho mẹ có thêm tiền ăn uống khi phải đi chạy thận.

Gần đây, Khánh xin làm ở một cơ sở bán hàng nên công việc ổn định hơn, lương gần 2 triệu đồng/tháng. "Trường gần nơi làm thuê nên cũng tiện, sáng đi học, trưa về chỗ làm luôn. Dù cuộc sống có khó khăn đến thế nào em cũng sẽ tiếp tục đến trường vì thất học sẽ không thay đổi được cuộc sống hiện tại" - Khánh tâm sự.

Ngày 23-6, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam (gọi tắt là GreenFeed) phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn Đắk Nông tổ chức lễ trao vốn chương trình "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường" cho 20 hộ nông dân huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông. Mỗi hộ được trợ vốn chăn nuôi 20 triệu đồng trong hai năm và hỗ trợ thức ăn chăn nuôi trị giá 3 triệu đồng (tổng kinh phí là 460 triệu đồng).

Dịp này, chương trình đã tuyên dương và trao phần thưởng cho 20 em học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi là con các hộ nông dân tham gia chương trình với tổng giá trị 20 triệu đồng.

T.B.

Mong có vốn chăn nuôi

2

Giờ tự học của Dương Ngọc Kiều Nhi - Ảnh: LINH ĐAN

Nhà chị Hoàng Thị Duyên cách nhà chị Vinh khoảng 10km (thôn 4, xã Cư Knia, Cư Jut) cũng không khá giả gì vì ít ruộng vườn, con đông và thường xuyên đau ốm. Vì sức khỏe yếu, chị Duyên chỉ quanh quẩn với vài sào ruộng, chăn nuôi ở nhà. Anh Dương Quốc Sang (chồng chị Duyên) đi làm thuê xa. Năm đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Nhà có gần 100 trụ tiêu sắp thu hoạch năm ngoái bỗng dưng chết đứng, đã khổ thêm khó!

Chị Duyên làm đủ thứ việc để có thêm thu nhập, nhờ hội phụ nữ chị vay được 5 triệu đồng để nuôi gà thế nhưng giá cả lại xuống thấp, may không mất vốn... "Tôi mong có thêm đồng vốn mua vài cặp heo nuôi để bán vào dịp đầu năm học mới lo cho các cháu" - chị Duyên hi vọng...

Biết gia đình khó khăn, em Dương Ngọc Kiều Nhi, học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Cư Knia), ngoài giờ học cũng tranh thủ làm việc nhà, giữ em để mẹ yên tâm đi làm. Lúc chúng tôi đến, hai mẹ con Nhi đang đi làm cỏ bắp ở vườn dưới dù cơn mưa rào đang chực ập tới. Nhi nói vì bố mẹ vất vả, chưa giúp đỡ được gì nhiều nên ngoài việc nhà, chị em bảo nhau chăm chỉ học hành. "Cháu muốn trở thành một chiến sĩ cảnh sát, bảo vệ cuộc sống của người dân" - Nhi bẽn lẽn trả lời về ước mơ của mình.

Tiếp sức nhà nông cho con đến trường Tiếp sức nhà nông cho con đến trường

TTO - Chương trình "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường" - nội dung mới của chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ - vừa được họp báo giới thiệu sáng nay (2-11) tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

LINH ĐAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên