30/06/2019 11:56 GMT+7

Về quê mang nước mắm, củ hành lên phố hội chợ

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Tròn 30 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi cũng là lần đầu tiên một hội chợ ở tỉnh Quảng Ngãi mà toàn bộ 14 huyện, thành phố tham gia đều mang những đặc sản đến hội chợ, với mong muốn tìm một lối đi mới cho đặc sản quê mình.

Về quê mang nước mắm, củ hành lên phố hội chợ - Ảnh 1.

Sơn Tây - huyện miền núi xa nhất tỉnh Quảng Ngãi - mang đến hội chợ các loại rượu, sâm dây, sâm cau, sâm bảy lá... - Ảnh: TRẦN MAI

Mỗi người dân mang sản phẩm của mình đến đây với một ý nghĩ khác nhau nhưng cùng chung mục đích: biến giấc mơ đưa sản phẩm làng đi xa thành sự thật. Và sự trở mình mạnh mẽ của những sản phẩm làng tại hội chợ này đã thật sự hiện hữu.


Về quê mang mắm làng lên hội chợ

Những chai mắm gắn nhãn Cường An nép mình bên gian hàng của huyện Bình Sơn, dù vậy chén mắm rót ra để ngay quầy hàng quyện vào gió trời mùi thơm lừng đủ lôi cuốn du khách đến với hội chợ, cô gái tên Nguyễn Thị Thúy (30 tuổi, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) nở nụ cười chào khách ghé xem quầy hàng. 

"Nước mắm nhà em cam kết không hóa chất, phụ gia, chất bảo quản. 100% làm từ cá cơm tươi ủ bằng bí quyết gia truyền" - Thúy giới thiệu.

Nhiều khách hàng hỏi Thúy còn trẻ sao có được bí quyết làm mắm ngon vậy. Thúy xua tay phân trần rằng đây là sản phẩm của cha mẹ cô. 

Dù người mua nước mắm của gia đình Thúy rất nhiều, nhưng mắm Cường An cũng chỉ dừng lại ở chợ làng, không đi xa hơn được. 

Do đó, cô mang sản phẩm lên hội chợ với mong muốn một "hành trình" xa hơn cho sản phẩm thương hiệu làng của gia đình.

Thúy cũng mới tạm thời xin nghỉ việc từ TP.HCM để trở về nhà trước nửa tháng tham gia hội chợ.

"Tôi mong chai mắm này của gia đình sẽ đi vào siêu thị, chuỗi bán lẻ hàng hóa trên khắp cả nước. Tại sao một sản phẩm chất lượng, kiểm định đảm bảo tất cả các tiêu chí an toàn lại vẫn nằm ở nhà? 

Tôi đến đây không phải vì tiền, mà vì sản phẩm nhà mình, xa hơn là nghề mắm truyền thống của xã tôi sẽ được biết đến" - Thúy nói.

Cũng trong gian hàng của huyện Bình Sơn, anh Đào Trọng Mười (38 tuổi, xã Bình Đông) cho biết đã sang Hàn Quốc làm thuê, tích lũy tiền về quê nhà làm mắm. 

Xưởng mắm chuyên nghiệp nhất cửa biển Sa Cần của anh Mười mỗi ngày một nổi tiếng hơn khi có siêu thị đã liên hệ hợp tác phân phối. 

Nhưng anh Mười chưa nhận lời vì phải làm chuỗi cung ứng sản phẩm từ sản xuất đến người tiêu dùng.

Lần mang mắm đến hội chợ này, anh muốn khơi dậy một làng nghề của tổ tiên và gửi đến người tiêu dùng một sản phẩm tự nhiên chỉ có cá và muối thành ra chén mắm. 

"Tôi muốn sản phẩm làng quê mình trước hết phải có mặt ở chuỗi bán lẻ sản phẩm sạch trong tỉnh Quảng Ngãi. Và trong hội chợ này, tôi đã có được những lời mời hợp tác từ những đơn vị bán thực phẩm sạch có uy tín ở tỉnh. Quá thành công" - anh Mười cho biết.

Đặc sản miền núi trở mình

Tại 5 địa phương miền biển là Bình Sơn, TP Quảng Ngãi, Mộ Đức, Đức Phổ và Lý Sơn, cuộc sống của người dân dựa vào biển khơi, sản phẩm mang vị biển "thấm" vào trong từng gian hàng trưng bày. 

Ngoài nước mắm, người dân các địa phương này còn mang đến hội chợ củ nén, củ hành, củ tỏi, mắm nhum, mực sấy khô, mực ngào, cá cơm ngào, ruốt khô... 

Và ở đó, những người thuyết trình sản phẩm mang một giọng nói đặc trưng của người miền biển. Sự chân thành ấy khiến khách hàng thích thú.

Những du khách biết thông tin từ TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội... cũng kịp bắt chuyến bay đến hội chợ để tìm cho mình cơ hội hợp tác đưa những sản phẩm làng đi xa. 

Những cái bắt tay, lấy số điện thoại và trao cho nhau cuộc hẹn kèm theo nụ cười sẽ gặp nhau sau hội chợ khiến cả hai bên cùng vui. 

Anh Huỳnh Trung Đức (TP.HCM) có một chuỗi bán lẻ sản phẩm biển ở TP.HCM chia sẻ: "Tôi đã có những thứ mình cần ở hội chợ này. Ít ngày tới, tôi sẽ đến từng làng biển gặp các cô chú để hợp tác".

Ở hội chợ này, có cảm giác đi ngược từ biển lên núi rất gần khi những gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng chỉ cách nhau vài bước chân, bên này là cá, mắm thì bên kia là bắp chuối, rau dớn, ớt xiêm rừng... 

Gian hàng của huyện miền núi Sơn Hà chỉ có những sản phẩm tự nhiên nhưng hút hàng đến khó tin. Khách hàng mua nườm nượp, người bán phải "cầu viện" về huyện mang thêm sản phẩm xuống.

Theo ông Phùng Tô Long - phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, đây là những sản phẩm siêu sạch, siêu thị Big C đã hợp tác đưa sản phẩm đi khắp cả nước gần một năm qua. 

"Lần đến hội chợ này không phải để quảng bá thương hiệu, mà đưa người dân thuần sản xuất tiếp cận với việc buôn bán, phân phối sản phẩm. 

Sau này, người dân sẽ tự làm chủ quy trình, hợp tác với nhau để đưa sản phẩm của mình đi xa, thay vì nhờ sự trợ giúp của chính quyền như hiện tại" - ông Long nói.

Huyện Sơn Tây nằm tít non cao, với cuộc sống khốn khó của người Ca Dong hiền lành, cũng mang sáu loại rượu truyền thống, năm loại sâm, hai loại nấm đến hội chợ và chẳng cần chào hàng cũng "cháy chợ". 

Và những đơn hàng kèm địa chỉ, số điện thoại của khách trên khắp mọi miền đất nước được viết vào cuốn sổ mang theo của anh cán bộ huyện tên Thọ lên đến hơn 500 triệu đồng cũng đủ thúc đẩy những sản phẩm làng sẽ đi xa hơn sau hội chợ này.

"Tôi không ngờ sản phẩm núi rừng lại hút khách đến vậy. Sau chuyến này, tôi sẽ báo cáo lãnh đạo huyện tập trung khai thác thế mạnh này. Nếu không tham gia hội chợ, có lẽ chúng tôi không biết hết thế mạnh của huyện nhà" - anh Thọ nói.

Siêu thị sẽ mở kho lạnh mua hàng

hội chợ

Nén Bình Phú (huyện Bình Sơn) được trưng bày tại hội chợ và được phía siêu thị trao đổi, mong muốn hợp tác đưa vào siêu thị - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Nguyễn Tăng Bính - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết Hội chợ triển lãm sản phẩm núi Ấn sông Trà là dịp để người dân các huyện mang sản phẩm của mình quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng, đồng thời thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi đến kết nối, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.

Trong thực tế, nhiều sản phẩm làng đã lọt vào "mắt xanh" của đại diện một siêu thị đến tham quan hội chợ.

Phía siêu thị đã gửi đến Sở Công thương Quảng Ngãi một danh sách dài các sản phẩm làng với mong muốn sẽ tạo cầu nối lâu dài, hợp tác với người dân mua sản phẩm.

Đại diện siêu thị này cho biết đây là những sản phẩm hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, đồng thời khẳng định sẽ xây dựng một kho lạnh ngay tại Quảng Ngãi để mua, bảo quản và vận chuyển đến chuỗi bán lẻ của siêu thị trên khắp cả nước.

Đặc sản thịt chuột của Việt Nam lên tạp chí National Geographic Đặc sản thịt chuột của Việt Nam lên tạp chí National Geographic

TTO - Mô tả cảnh làm thịt chuột có phần rùng rợn, cuối cùng nữ nhà báo Christine Dell'Amore thừa nhận miếng thịt chuột trong miệng cô 'thật sự rất ngon, như phô mai que".

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên