14/01/2019 08:40 GMT+7

Về quê dịp Tết: Để đường đi bớt gian nan

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Năm nào cũng vậy, dịp tết hàng vạn người và xe đua nhau về quê ăn tết khiến các tuyến đường từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây, miền Đông luôn ùn ứ.

Về quê dịp Tết: Để đường đi bớt gian nan - Ảnh 1.

Cầu Rạch Miễu nối giữa Bến Tre và Tiền Giang là điểm nghẽn giao thông về các tỉnh miền Tây - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

 Quả thật, về quê là cả một cực hình trên các cung đường đối với rất nhiều người dân. Năm nay tình hình ra sao và các cơ quan quản lý có giải pháp gì để đường về quê đón tết vui và an toàn hơn?

Căng thẳng ở các quốc lộ, cao tốc

Ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết vào dịp Tết Nguyên đán, lưu lượng xe lưu thông trên các tuyến đường tăng gấp 8 lần so với ngày thường. 

Trong đó, ở phía Nam tập trung lượng xe đông nhất trên các tuyến quốc lộ huyết mạch như 1, 51, 57, 60 và các khu vực nút giao thông, các trạm thu phí BOT, công trình giao thông trọng điểm như cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, các cầu hẹp trên QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang và ở các bến phà Vàm Cống, Đình Khao, Đại Ngãi, Kênh Tắt, Láng Sắt.

Nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông trên QL1 về các tỉnh miền Tây vì mặt đường giao thông hẹp và mặt cầu hẹp như cầu Rượu, cầu Sao, cầu Mỹ Quý, cầu An Cư... Nếu có xảy ra tai nạn giao thông trên các cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ ngay lập tức gây ùn tắc giao thông rất nặng nề.

Tương tự, ở miền Đông cũng dễ xảy ra ùn tắc giao thông tại các nút giao giữa Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu, QL1 với đường vào Nhà máy thủy điện Trị An, nút giao đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và QL51 tỉnh Đồng Nai.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương - phó giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VECE), dự kiến số lượng xe lưu thông sẽ tăng cao trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM, Đồng Nai) bắt đầu trong ngày 9-2 và 10-2 (mùng 5 và mùng 6 tết).

Theo đó, các vị trí đã được ghi nhận trong những năm trước và thời gian vừa qua thường xảy ra ùn ứ, kẹt xe gồm: cầu Long Thành, trạm thu phí Long Phước, trạm thu phí Dầu Giây, các nhánh đường A và D - trạm thu phí QL51 và nút giao QL51.

Ùn ứ trên 500m là xả trạm

Để giải quyết ùn tắc giao thông, bà Hoài Phương cho biết sẽ điều phối dòng xe đi theo lộ trình hợp lý từng thời điểm. Trường hợp xảy ra ùn tắc ở trạm thu phí Long Phước và trạm thu phí Dầu Giây kéo dài 500m thì các lực lượng chức năng sẽ điều tiết từ xa ở các nút giao An Phú, nút giao vành đai 2 và nút giao QL51 bằng cách giảm số lượng xe vào đường cao tốc hoặc không cho đi vào đường cao tốc.

Ngoài ra, VECE cũng phối hợp với các lực lượng, bố trí các xe cứu hộ, cứu thương để xử lý nhanh vụ tai nạn, giải tỏa đường thật nhanh...

Cũng nói thêm về giải pháp, ông Nguyễn Văn Thành cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp dự án BOT phải có phương án xả trạm khi xảy ra ùn tắc giao thông nếu để ùn tắc dài trên 500m.

Đối với các điểm nóng xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, các nút giao thông thì Cục Quản lý đường bộ 4 yêu cầu các đơn vị quản lý điều tiết thời lượng đèn tín hiệu giao thông phù hợp.

Về quê dịp Tết: Để đường đi bớt gian nan - Ảnh 2.

Ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh, TP.HCM hướng về các tỉnh miền Tây - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xử lý kẹt xe ở các cầu, bến phà

Việc xử lý kẹt xe tại các điểm cầu, bến phà cũng có nhiều phương án. Như tại cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, Cục Quản lý đường bộ 4 yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, không để tụ tập đông người, dừng xe trên cầu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trang bị xe cứu hộ hai bên cầu để giải quyết kịp thời các trường hợp tai nạn giao thông hoặc xe bị hư hỏng trên cầu gây ùn tắc giao thông...

Cục Quản lý đường bộ 4 cũng yêu cầu Công ty BOT cầu Rạch Miễu phân công lực lượng phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông điều tiết giao thông tại các khu vực ngã tư An Khánh, ngã tư Tuần Đậu trên địa bàn huyện Châu Thành; ngã tư giao nhau với đường tỉnh 882 thuộc địa bàn xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc; đoạn từ cầu Mỏ Cày đến ngã ba Thom thuộc thị trấn Mỏ Cày Nam.

Còn đối với các bến phà, để kéo giảm ùn ứ giao thông ở các bến phà Vàm Cống, Đình Khao, Đại Ngãi, Kênh Tắt, Láng Sắt, ông Thành cho biết đã yêu cầu các bến phà tổ chức đợt tổng kiểm tra hệ thống đường dẫn, cầu dẫn, phao phụ... trong toàn đơn vị trước Tết Nguyên đán 2019, đảm bảo tình trạng kỹ thuật của cơ sở hạ tầng giao thông được tốt nhất để phục vụ tết. Đồng thời tổ chức tăng ca, tăng giờ làm việc, nhất là ở các bến phà lớn như bến phà Vàm Cống.

"Các bến phà phải tổ chức sắp xếp phương tiện tham gia giao thông trên bến đợi phà hợp lý, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về thứ tự ưu tiên khi xuống phà. Tất cả giải pháp trên nhằm tạo đường thông để người dân về quê đón tết sẽ đỡ mệt hơn, vui hơn, tránh được những rủi ro, bất trắc có thể xảy ra" - ông Thành chia sẻ.

TP.HCM phối hợp với các tỉnh

Ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho xe lưu thông từ TP.HCM đi các tỉnh và ngược lại, Sở GTVT TP đề nghị sở GTVT các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bình Dương lắp bổ sung hệ thống biển báo hướng dẫn hướng lưu thông. Đồng thời, đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bình Dương hỗ trợ tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tại các vị trí giao lộ có nguy cơ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị Công an TP hỗ trợ tăng cường lực lượng điều tiết giao thông tại các vị trí, giao lộ theo những lộ trình nêu trên để đảm bảo việc lưu thông được thuận lợi và đề nghị UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng điều tiết giao thông và giữ gìn an ninh trật tự tại các khu vực bến xe, nhà ga để người dân đi lại được thuận lợi, an toàn.

Sân bay áp dụng "túi giao thông"

sbay

Xe từ sân bay Tân Sơn Nhất (trái) cùng xe từ đường Hồng Hà (phải) nhập vào đường Trường Sơn thường gây ùn tắc - Ảnh: Q.Đ

Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết trong dịp Tết Nguyên đán 2019, đơn vị này đã triển khai lực lượng túc trực, trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ mặt đất, nhân viên hỗ trợ xử lý sự cố làm việc liên tục. Khi xảy ra ùn ứ khách trong sân bay, các đơn vị sẽ triển khai phương án "túi giao thông": ưu tiên cho xe vào, hạn chế xe ra.

Hành khách vào sân bay dễ dàng gửi xe và thực hiện "check-in". Còn xe ra sẽ phải quay vòng, giữ lại các bãi xe trống, cho tới khi giao thông ổn định trở lại lượng xe này mới được giải phóng.

Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán, một số quầy hàng, cửa hiệu ở khu vực trong sân bay sẽ được đóng nhằm tăng thêm diện tích sử dụng cho hành khách tại nhà ga.

Nhà ga đề nghị hành khách chủ động tính toán thời gian để đến khu vực làm thủ tục hàng không trước 120 phút so với giờ khởi hành đối với chuyến bay quốc nội và 180 phút trước giờ khởi hành đối với chuyến bay quốc tế.

Tuy nhiên, hành khách không nên đến quá sớm so với mức 2 - 3 tiếng trước giờ bay và hạn chế người nhà đưa đón để tránh quá tải nhà ga. Và lưu ý: hành khách đi đến sân bay bằng ôtô, lưu ý thời gian dừng đỗ trước sảnh nhà ga là không quá 3 phút. Trường hợp đậu lâu hơn phải gửi xe tại nhà để xe. Các trường hợp vi phạm về thời gian dừng đỗ sẽ bị xử phạt.

Để chống ùn tắc các tuyến đường cửa ngõ ra vào sân bay, cảng hàng không cũng có phương án phối hợp với các đơn vị khác điều tiết ở vòng ngoài.

Trong tháng 1-2019, Khu quản lý giao thông đô thị số 3 Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đẩy nhanh xây dựng, hoàn thành nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (Q.Phú Nhuận - Q.Gò Vấp). Dự kiến ngày 18-1 nhánh cầu này sẽ được khánh thành, kết hợp với 2 nhánh cầu Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ xe cộ từ phía đông TP đổ về sân bay Tân Sơn Nhất. THU DUNG

Từ TP.HCM về các tỉnh phía Bắc

Lộ trình 1 trục tuyến QL13 - đường Phạm Văn Đồng - QL1 - cầu Đồng Nai - cầu vượt ngã ba Vũng Tàu - QL1 (ngã ba Dầu Giây) - các tỉnh phía Bắc.

Lộ trình 2 trục tuyến QL13 - đường Phạm Văn Đồng - đường Đinh Bộ Lĩnh - đường Bạch Đằng - đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - đường Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội - QL1 - các tỉnh phía Bắc.

Lộ trình 3 (chỉ dành cho ôtô) trục tuyến QL13 - đường Phạm Văn Đồng - đường Đinh Bộ Lĩnh - đường Bạch Đằng - đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - đường Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội - đường Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc - đường cao tốc HLD - QL1 (ngã ba Dầu Giây) - các tỉnh phía Bắc.

Từ TP.HCM về các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Lộ trình 1 trục tuyến QL13 - đường Phạm Văn Đồng - QL13 - QL14 (ĐT 741).

Lộ trình 2 trục tuyến QL13 - đường Phạm Văn Đồng - QL1 - cầu Đồng Nai - QL1 - trục tuyến QL13 - đường Phạm Văn Đồng.

Lộ trình 3 (dành cho ôtô) trục tuyến QL13 - đường Phạm Văn Đồng - đường Đinh Bộ Lĩnh - đường Bạch Đằng - đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - đường Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội - đường Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc - đường cao tốc HLD - QL20.

Từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây

Lộ trình 1 (dành cho các loại ôtô) trục tuyến đường Kinh

Dương Vương - đường Võ Văn Kiệt - QL1 - nút giao Bình Thuận - đường dẫn cao tốc - cao tốc TP.HCM - Trung Lương - QL1 - các tỉnh miền Tây.

Lộ trình 2 trục tuyến đường Kinh Dương Vương - đường Võ Văn Kiệt - QL1 (tỉnh Long An).

Lộ trình 3 trục tuyến đường Kinh Dương Vương - đường Võ Văn Kiệt - đường Nguyễn Văn Linh - QL50 - cầu Mỹ Lợi - thị xã Gò Công (Tiền Giang).

Lộ trình 4 trục đường Trường Chinh - QL22 - cầu vượt thị trấn Củ Chi - tỉnh lộ 8 - tuyến N2 (tỉnh Long An) - các tỉnh miền Tây.

Thu Dung

Về quê ăn Tết, đi đường nào khỏi kẹt xe? Về quê ăn Tết, đi đường nào khỏi kẹt xe?

TTO - Muốn không bị ùn tắc trong những ngày về quê ăn tết, người dân TP.HCM và các tỉnh có thể tham khảo các lộ trình do Sở Giao thông vận tải TP.HCM gợi ý.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên