15/06/2012 06:42 GMT+7

Về nơi trăm năm ví dặm

NGỌC NGA - VŨ TOÀN
NGỌC NGA - VŨ TOÀN

TT - Bà cụ Hán đang om ấm nước chè xanh, bỗng từ ngõ vang lên tiếng hát: Chiều chiều khăn bận áo ôm/Đi tìm người bạn cũ từ đầu hôm đến giừ (bây giờ). Dừng tay, cụ Hán cười móm mém, đứng thẳng lưng đối lại: Cau non tiện chũm lòng đào/Trầu tiêm cánh phượng ra chào bạn quen. Người “bạn quen” của cụ Hán là cụ Nguyễn Văn Tư nhà ở ngay trong làng. Ánh mắt hai người bạn già như biết cười khi ngồi bên nhau vừa nhấp bát nước chè xanh vừa nhớ lại ký ức của những đêm trăng hát phường vải.

Hàng trăm năm nay, những làn điệu dân ca ví dặm đã “neo đậu” trong tâm hồn người dân quê Nghệ - Tĩnh. Cho đến giờ, bên dòng sông Lam, sông La hay dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh, làn điệu dân ca ấy vẫn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người dân sinh ra, lớn lên trên eo đất gian khó miền Trung này.

Oah2I3Ch.jpgPhóng to
Một buổi tập huấn chuẩn bị cho liên hoan dân ca ví dặm xứ Nghệ vào tháng 6 này. Đây cũng là hoạt động hướng tới việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận dân ca ví dặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - Ảnh: VHNA

Đêm hát ví ở Kim Liên

Ở làng Hoàng Trù (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) này cụ Hán (tên thường gọi của cụ Hoàng Thị Út) và cụ Tư là một trong bảy người được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong là nghệ nhân hát ví phường vải. Những câu ví đã ngấm vào họ như máu thịt của thời trẻ, để đến bây giờ khi mà chuyện đời người có lúc nhớ lúc quên nhưng những câu ví vẫn hát còn ngọt lắm.

Lúc 15 tuổi cụ Tư đã bắt đầu làm khách đi hát trong làng. Cứ tối đến là háo hức kết bạn lân la đến các phường dệt vải để đối đáp cho thỏa lòng. Các nhà nho khăn đóng áo dài chỉnh tề, còn trai làng như cụ chỉ cần chiếc khăn che mặt để các cô trong phường không nhận ra là được. Trong đoàn khách sẽ có một người hay chữ nghĩa nhất nhận vai trò làm “thầy gà” đưa ra những câu ứng đối lại bên nữ. Có lúc cụ Tư cùng trai làng vượt sông Lam qua mấy làng bên Hà Tĩnh để hát ví.

Những làn điệu dân ca ví dặm Nghệ - Tĩnh chủ yếu là sáng tác của người lao động. Cũng có khi do các bậc nho sĩ tại những vùng quê này sáng tác nhưng được người dân ưa thích, sử dụng như một tác phẩm dân gian khuyết danh. Vùng quê nào có nghề truyền thống lâu bền thường sản sinh ra ví dặm. Nghề làm nón ở Tiên Điền (Nghi Xuân) có ví phường nón. Nghề xe tơ, dệt vải ở xã Kim Liên (Nam Đàn), làng Trường Lưu, xã Trường Lộc (Can Lộc) có ví phường vải. Nghề lái đò trên sông nước có ví đò đưa. Hát dặm cũng rất nhiều thể loại: dặm ru, dặm vè, dặm xẩm...

“Vô mùa bông vải (thường là mùa hè) tui với mấy o (cô) trong làng tụ tập ở nhà bà An để kéo sợi suốt đêm, vừa kéo sợi vừa hát. Đến khi tui lấy chồng, đêm vẫn vừa bồng con vừa mang xa quay sợi đến nhà chủ phường để hát với chị em” - cụ Hán nhớ lại.

Làng Hoàng Trù cũng như các làng khác ở Nam Đàn có các phường vải nổi tiếng hát hay, đối đáp thông minh: phường bà Giám, phường ông Dung Khoái, phường ông Huơ... đặc biệt là phường bà An (hay còn gọi là phường o Lượng). Cứ tối đến, khi các bà các cô tụ tập ở nhà chủ phường để quay tơ dệt vải cũng là lúc các chàng trai bắt đầu kéo đến cùng cất lên những câu hát đối đáp. Cứ vậy suốt đêm những câu ví ngân nga khắp thôn xóm. Dưới những rặng tre, tiếng hát nam nữ văng vẳng, lúc tỉ tê ân tình, khi hóm hỉnh vui tươi. Mỗi cuộc hát là một cuộc tranh tài cao thấp giữa người trong phường và người khách đi chơi.

Bây giờ ở Kim Liên, nghề dệt vải không còn nên những đêm hát phường vải cũng biến mất. Làm thế nào để những câu hát ví không mất đi? Trăn trở ấy đã khiến những người làm công tác văn hóa ở Kim Liên thành lập câu lạc bộ hát phường vải Kim Liên. Cụ Tư xung phong làm chủ nhiệm câu lạc bộ, tự mình đứng ra kêu gọi, tập hợp những người bạn đi hát ngày xưa để khôi phục và gìn giữ ví phường vải cho con cháu. Trong xã chỉ còn hơn bảy người cùng thời với cụ Tư còn nhớ và hát được ví dặm. Vậy là câu lạc bộ hát ví phường vải Kim Liên ngày đầu ra đời chủ yếu là những người đã cao tuổi, ấy vậy nhưng sinh hoạt thì sôi nổi khiến nhiều người ngạc nhiên. Những câu hát trong những đêm trăng phường vải xưa kia được các cụ nhớ lại, ghi chép cẩn thận. Những buổi tập luyện, có người chống gậy, chân bước đi không vững vẫn hăm hở đến. Những buổi hội diễn hay thi dân ca từ xã đến tỉnh, các cụ trong câu lạc bộ đều náo nức đi hát như hồi còn trẻ. Những người trẻ tuổi bắt đầu bị những câu ví quyến rũ, xin tham gia câu lạc bộ. Số lượng hội viên của câu lạc bộ lên đến 30 người đủ già trẻ, gái trai.

Gái phường vải so tài trai phường nón

Qua cầu Bến Thủy trên sông Lam (sông Cả) là hết đất Nghệ An, sang bên kia bờ phía nam đã là đất Hà Tĩnh. Từ đây đi thêm 8km sẽ tới làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, quê hương của đại thi hào Nguyễn Du. Đây còn là vùng quê của hát ví phường nón, một thể loại ví dặm độc đáo của hai tỉnh Nghệ - Tĩnh.

Từ Tiên Điền, theo chân dãy núi Hồng Lĩnh 99 ngọn danh lam thắng cảnh khoảng 40km, hỏi đường rẽ lên “làng tiến sĩ” Trường Lưu nằm bên bờ sông La thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc ai cũng biết. Đây là vùng địa linh nhân kiệt bởi tên tuổi của thám hoa Nguyễn Huy Oánh với Hoa Tiên truyện, Nguyễn Huy Tự với Mai Đình mộng ký... Đây còn là vùng đất mà thời trẻ chàng trai Tiên Điền Nguyễn Du đã từng những đêm vượt ngàn Truông ngàn Hống sang đây hát ví phường vải với hai cô gái đẹp nhất Trường Lưu, được mệnh danh là “Trường Lưu nhị nữ”.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hà, 62 tuổi, người biết hát ví phường vải từ tuổi niên thiếu mới nghe nhắc tới chuyện gái phường vải Trường Lưu so tài với trai phường nón Tiên Điền, bà Hà hào hứng kể lại giai thoại: “Hồi trước vì say hát ví nên Nguyễn Du đem lòng yêu nhị nữ Trường Lưu là o (cô) Uy và ả (chị) Sa. Lúc đầu bên so tài. Càng so tài càng quyến luyến nhau đến nỗi trai làng phải phát ghen. Vốn sợ mang tai tiếng, Nguyễn Du quay gót về Tiên Điền, không dám sang Trường Lưu nữa. Đêm đêm, mỗi lần quay tơ dệt vải, nhị nữ Trường Lưu hát ví lại nhớ những buổi so tài với chàng trai Tiên Điền nên nhờ nho sĩ trong làng “thác lời” gửi Nguyễn Du. Đang kể, bà Hà nghiêng đầu hát lời của nhị nữ: Tảng mai hầu trở ra về/Hồn tương tư hãy còn mê giấc nồng/Cơi trầu chưa kịp tạ lòng/Tỉnh ra khách đã non song mấy vời. Xong, bà lại hát lời đáp của chàng trai phường nón Tiên Điền: Tiếc thay duyên Tấn phận Tần/Chưa quen đã lạ chưa gần đã xa/... Về qua liếc mắt trông miền/Lời oanh, giọng ví chưa quên dằm (chỗ) ngồi...”.

Bà Trần Thị Lý, con gái “rượu” của nghệ sĩ ưu tú Trần Đức Duy, kể chuyện về cha mình: “Trừ khi đi vắng chứ về đến nhà là ba tôi tập hát ví cho các con. Ba nắn giọng kỹ lắm. Hình như những làn điệu trữ tình của ví phường vải không bao giờ làm ba tôi nóng giận. Thường ông sáng tác nhiều bài hát mới nói về những câu chuyện tình cảm trong nhà, ngoài xóm và cảnh trí quê hương. Bốn người con của ba đều có khiếu hát ví phường vải. Chính nghệ sĩ ưu tú Xuân Năm, cây hát dân ca Nghệ - Tĩnh, là học trò yêu của ba tôi”.

__________

Kỳ tới: Nghệ nhân làng

NGỌC NGA - VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên