Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, chia sẻ bên hành lang Quốc hội sáng 23-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng tỉ lệ thuế, phí trong giá vé máy bay được thu theo quy định và hiện chiếm rất ít.
Về góc độ thuế, phí do Nhà nước thu và quản lý, ông Phớc cho biết họ chỉ thu thuế VAT 8 - 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không. Thuế, phí mà các hãng hàng không thu hộ chiếm 10 - 30% tổng chi phí vé máy bay và gần như không đổi trong thời gian qua.
Thuế, phí gần 40% giá vé máy bay
Sau trả lời của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hàng loạt câu hỏi đã được nhiều bạn đọc đặt ra.
"Cục Hàng không, các hãng bay nói họ bay không có lãi, thậm chí lỗ là do thuế phí thu hộ chứ họ không được hưởng. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại bảo thuế phí chả được mấy xu. Vậy thuế phí đó rốt cuộc ai hưởng?", bạn đọc Tiến Anh đặt vấn đề.
Tương tự, tài khoản Hoàng Xích Lô hỏi: "Bên hàng không thì nói vé máy bay hiện nay lãi chỉ vài đồng. Bộ Tài chính thì bảo thu chả được mấy xu. Vậy sao vé máy bay vẫn cứ cao?".
Độc giả Công Tâm cho biết: "Dù mua vé 0 đồng nhưng vẫn phải trả tiền thuế, phí dịch vụ gần 1 triệu".
"Không biết mấy xu nhưng thử mua vé 0 đồng thì giá vé cuối cùng gần 800.000 đồng, tính ra thuế phí chiếm 30%", bạn đọc Phạm Sang dẫn chứng.
Trong khi đó, bạn đọc Thoan Doan cho thấy một tỉ lệ khác: "Tôi mới bay từ TP.HCM đi Thanh Hóa, vé khứ hồi tổng số tiền 3,7 triệu đồng, trong đó thuế, phí 1,44 triệu đồng, tính ra là 38,9% phí và thuế".
Vì thế, theo tài khoản K.M.Quyền: "Cái cần làm rõ ở đây là phải công khai, minh bạch các loại thuế, phí và nhiều thứ khác... cấu thành nên giá vé máy bay".
Và bạn đọc Thanh chỉ rõ: "Bộ trưởng chỉ nói về VAT của vé máy bay nhưng có rất nhiều khoản mà ông liệt kê như "các loại phí mọi người nói chiếm tỉ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay" hay phí "soi chiếu an ninh".
Tôi muốn biết người mua vé có phải chịu VAT của các loại phí này hay không ? Nếu người mua vé không chịu thì không lẽ hãng bay chịu? Cộng dồn tất cả VAT đó sẽ ra số thuế cuối cùng được đưa vào vé thì mới ra vé 0 đồng nhưng đều phải trả phí và thuế (VAT)".
Phí quản trị hệ thống trong vé máy bay là gì?
Ngoài giá vé máy bay, nhiều bạn đọc thắc mắc số tiền chiếm khá lớn trong tổng giá vé là phí quản trị hệ thống là gì.
Trên website Hãng Vietnam Airlines có lý giải khoản phụ thu này do hãng ban hành.
"Phụ thu quản trị hệ thống là chi phí chi trả cho việc duy trì hệ thống quản trị dữ liệu liên quan đến hành trình bay của hành khách. Phụ thu quản trị hệ thống áp dụng cho vé mua trên website, ứng dụng di động của Vietnam Airlines hoặc tại các phòng vé, đại lý chính thức tại thị trường Việt Nam.
Hành trình nội địa Việt Nam: 450.000 VND/chặng (đã bao gồm thuế VAT). Hành trình quốc tế xuất phát từ Việt Nam: 7 USD/chặng", theo Vietnam Airlines.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại về hàng không cho rằng cần làm rõ khoản phụ thu này. Bởi nó là doanh thu của hãng và không chi trả cho ai.
Việc các hãng tổ chức hệ thống bán vé, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của hãng hàng không, dựa trên cơ sở nào để thu các loại phụ thu như phí quản trị hệ thống?
Bản chất phụ thu này cộng với giá vé chính là doanh thu của hãng bay và hai yếu tố này không vượt trần giá vé máy bay do Bộ GTVT quy định.
Bạn đọc Tan Luan cho rằng "phí quản trị hệ thống quá cao. Trong khi giá vé đã thu khá cao thì phí này chiếm 1/2 - 1/5 giá vé tùy theo tổng giá vé. Cách đây vài năm phí này chỉ rơi vào khoảng 180.000 - 250.000 đồng, nhưng hiện đang dao động đến 430.000 - 450.000 đồng.
Ngoài ra còn phí thu hộ nhà chức trách, cộng lại thì phải hơn 600.000 đồng cho vé một chiều nội địa. Với một chiếc vé 1,8 triệu thì phí này chiếm số tiền quá cao".
Phí quản trị hệ thống liên tục tăng
Thực tế, các hãng bay nội địa đang phụ thu phí quản trị hệ thống có mức giá khác nhau. Chẳng hạn, Vietnam Airlines thu 450.000 đồng/vé; Vietravel Airlines 480.000 đồng/vé; Bamboo Airways 430.000 đồng/vé.
Riêng Vietjet tách thành hai khoản là phụ thu dịch vụ hệ thống quốc nội 215.000 đồng và phụ thu quản trị hệ thống 215.000 đồng.
Đáng chú ý, loại phụ phí này liên tục tăng trong những năm qua, từ 20 - 30%, hiện đang giữ ở mức giá 430.000 - 480.000 đồng/vé, tùy hãng. Khoản phí quản trị hệ thống chiếm tỉ trọng khá cao trong cấu thành giá vé khách phải trả.
Các hãng đang mở bán vé khá thấp trên hầu hết các chặng bay nội địa. Đó là nghịch lý vé ưu đãi giá 0 đồng, 88.000 đồng nhưng phí vài trăm nghìn đồng và không ngừng tăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận