06/05/2024 21:00 GMT+7

Giá vé máy bay tăng cao: Ghim hạng vé thấp, chỉ bán hạng vé cao?

Xung quanh câu chuyện giá vé máy bay nội địa tăng cao, bạn đọc Nhất Nguyên (TP.HCM) cho rằng có ít nhất hai điểm mà các hãng hàng không lẫn các cơ quan chức năng liên quan cần làm rõ.

Hành khách đi lại máy bay dịp lễ tăng cao, hàng không vẫn khó giảm giá vé - Ảnh: CÔNG TRUNG

Hành khách đi lại máy bay dịp lễ tăng cao, hàng không vẫn khó giảm giá vé - Ảnh: CÔNG TRUNG

Câu chuyện giá vé máy bay nội địa tăng cao vẫn tiếp tục là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm.

Trước thông tin Bộ Giao thông vận tải yêu cầu kiểm tra và Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra giá vé máy bay, bạn đọc Nhất Nguyên (TP.HCM), một khách hàng thường xuyên đi máy bay, đưa ra góc nhìn của mình xung quanh vấn đề này.

Có không chuyện cùng nhìn nhau tăng giá?

Xung quanh chuyện giá vé máy bay nội địa thời gian qua tăng liên tục, theo tôi, có hai điểm cần làm rõ.

Thứ nhất, có hay không việc cùng nhìn nhau tăng giá, ghim các hạng vé thấp, chỉ bán hạng vé giá cao.

Lý giải của đại diện các hãng hàng không mà báo Tuổi Trẻ đã trích dẫn đều cho rằng giá tăng là do nhu cầu tăng cao. Nhưng thực tế dường như không phải vậy, bởi đợt lễ 30-4 vừa qua, lượng khách đi máy bay giảm chứ không tăng.

Thế nhưng, giá vé vẫn tăng nóng như nhiệt độ ngoài trời những ngày vừa qua.

Vậy là do các hãng dự báo kém, dẫn đến tăng giá vé "phủ đầu" hành khách, hay do thói quen cứ hễ nhắm đợt lễ là cứ tăng trước, móc túi khách trước rồi sau đó tìm lý do giải thích sau?

Thực tế đáng buồn nữa, là dù các hãng đều bảo là đặt vé sớm thì giá rẻ, rằng họ luôn mở các dải vé đa dạng, có thấp có cao, nhưng không hẳn là vậy. Nhiều khi đặt vé sớm, có khi đến 4-5 tháng, mà vẫn chỉ toàn các hạng vé giá cao.

Vậy các hạng vé giá thấp biến đi đâu?

Thứ hai, cần phải làm rõ và rất rõ, các loại thuế phí đang được các hãng hàng không nội địa áp cho hành khách là đang dựa trên quy định, hướng dẫn nào, cơ quan nào thực thi giám sát?

Bởi theo Bộ Tài chính, các loại thuế phí mà hành khách đang chịu được thực hiện theo thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải, nhưng khi đối chiếu với thông tư này, có những khoản thuế phí khá kỳ lạ mà hành khách đi máy bay đang phải gánh.

Bức xúc nhất là có lẽ là "phí quản trị hệ thống" được tính trên mỗi vé cho mỗi hành khách.

Ví dụ Vietnam Airlines, chặng bay khứ hồi từ TP.HCM đi Đà Nẵng vào đầu tháng 7-2024, giá vé là 2.828.000 đồng, các loại thuế phí là 465.000 đồng, nhưng phí quản trị hệ thống lại lên tới 900.000 đồng mà hành khách không hề biết phí này là phí gì, họ được hưởng gì từ phí này.

Kiểm tra giá vé máy bay nội địa của một hãng hàng không khác trong cùng khu vực Đông Nam Á, cùng quãng đường tương tự, cũng nối hai thành phố du lịch, cùng khoảng thời gian đầu tháng 7-2024, không hề có cái gọi là "phí quản trị hệ thống".

Và dĩ nhiên, giá vé máy bay nội địa các quốc gia này khá thấp, góp phần tạo điều kiện giúp người dân đi lại bằng đường hàng không dễ dàng với chi phí hợp lý, góp phần thúc đẩy kinh tế.

Tương tự, giá vé máy bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam của Vietnam Airlines, đi đến một thành phố khác ở Đông Nam Á cũng bị tính "phí quản trị hệ thống" 358.000 đồng, và thêm "phụ phí xăng dầu" lên đến hơn 1.600.000 đồng.

Trong khi đó tất cả các hãng nước ngoài khác trong khu vực, cho chuyến bay xuất phát cùng hành trình, cùng ngày thì không hãng nào tính hai loại phí trên cho hành khách. Vậy là do các hãng này không dùng xăng dầu để bay? Và "phí quản trị hệ thống" được các hãng Việt Nam tính dựa trên tiêu chí gì?

Quốc tế làm được sao Việt Nam lại không?

Một vấn đề nữa, đó là có một vài hãng, khi khách hủy vé, không bay thì mặc nhiên mất toàn bộ số tiền đã bỏ ra, trong khi các loại phí như phí soi chiếu an ninh, phí dịch vụ sân bay là những loại phí chưa được sử dụng thì không hề được hoàn lại.

Điều này là không bình thường và rất bất công với hành khách khi họ vẫn phải đóng phí cho dịch vụ không được hưởng.

Còn nhớ đầu năm nay, tôi có chuyến công tác tại Hàn Quốc và có đặt vé nội địa của một hãng giá rẻ quốc gia này. Do hãng thay đổi giờ bay nên tôi buộc phải hủy vé.

Khá ngạc nhiên là họ đã hoàn trả 100% tiền về cho tôi chỉ sau vài ngày với lý do lỗi của hãng, không phải của hành khách.

Tất nhiên, quy định mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng ít nhất, ở đâu, hành khách cũng cần phải được các hãng hàng không tôn trọng, đối xử công bằng.

Các hãng có thể thấy lợi ích ngắn hạn, lợi ích trước mắt mà cứ cố tăng các loại thuế phí (mà như đã nêu trên, hành khách không hay biết gì, mà có biết thì cũng không biết phải kêu ai) để hòng tăng lợi nhuận, làm đẹp báo cáo tài chính. Nhưng về lâu dài, hậu quả để lại là không hề nhỏ.

Với hành khách, hoặc là bỏ luôn, không thể kham nổi giá vé tăng cao bất hợp lý, hoặc phải cố mà đi, phần là vì nhu cầu, phần là vì nhiều chỗ khó tiếp cận bằng đường bộ, phần vì thời gian nghỉ phép có giới hạn nên đi máy bay vẫn là nhanh nhất.

Với các địa phương, khách giảm nghĩa là thiếu nguồn thu, khó tăng thêm việc làm, chậm phát triển kinh tế như mong đợi. Và với chính các hãng hàng không là sự suy giảm về uy tín, danh tiếng.

Các cơ quan quản lý cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, có hướng giải quyết chứ không nên chỉ đạo chung chung rồi đâu lại vào đó. Bởi lẽ, tình trạng này cũng đã tồn tại một khoảng thời gian mà mãi vẫn nhức nhối, đợt lễ sau tăng cao hơn đợt lễ trước, năm sau quyết tâm tăng nhiều phí hơn năm trước.

Minh bạch, sòng phẳng với hành khách - thiết nghĩ đó là điều dễ mà không dễ!

Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra giá vé máy bayCục Hàng không lập đoàn kiểm tra giá vé máy bay

Thực hiện chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên