24/11/2013 08:03 GMT+7

Vay tiêu dùng "né" quy định chuyển khoản

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Cho vay tiêu dùng cuối năm đang trong giai đoạn sôi động nhất. Tuy nhiên, cả ngân hàng (NH) lẫn người vay đều bị vướng bởi quy định các khoản vay từ 100 triệu đồng trở lên phải chuyển khoản trực tiếp cho bên thụ hưởng.

EoiqwPO5.jpgPhóng to
Nhân viên tư vấn tài chính cho khách hàng tại một ngân hàng - Ảnh: Thanh Đạm

Theo các NH, chịu tác động nhiều nhất là các khoản vay sửa nhà vì có rất nhiều chi phí lặt vặt phát sinh mà khoản nào cũng đòi chuyển khoản thì quá khó.

Giải ngân 99 triệu đồng/lần

Chị Vân (Bình Thạnh, TP.HCM) vừa qua đã vay 200 triệu đồng của một NH cổ phần lớn để sửa nhà đón tết, nhưng khi giải ngân NH này tách ra làm nhiều khoản, mỗi khoản dưới 99 triệu đồng/lần. “Trước kia tôi từng vay tiêu dùng và được NH giải ngân một lần chứ không tách ra như vậy. Thắc mắc, tôi hỏi NH thì được giải thích rằng làm như vậy vì hiện nay NH Nhà nước quy định các khoản vay từ 100 triệu đồng trở lên phải chuyển khoản trực tiếp cho bên bán hàng, do vậy NH phải tách ra để có thể giải ngân cho tôi bằng tiền mặt”, chị Vân nói.

Còn anh Long (Gò Vấp) nói vừa qua khi nhận khoản vay 300 triệu đồng bằng tiền mặt, NH yêu cầu anh làm tờ cam kết rằng bên thụ hưởng không có tài khoản ở bất kỳ NH nào. Nhiều người vay tiền tiêu dùng cho biết do NH tách ra làm nhiều khoản cho vay nhỏ như vậy nên họ phải ký giấy tờ nhiều hơn, dù số tiền vay vẫn vậy. Cũng có NH giải ngân bằng tiền mặt, sau đó bắt khách hàng bổ sung hóa đơn chứng từ nhằm hợp thức hóa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc một NH cổ phần có trụ sở tại quận 3 cho biết sau khi NH Nhà nước ban hành thông tư 09-2012 quy định các món vay trên 100 triệu đồng NH phải giải ngân qua tài khoản, các NH gặp nhiều vướng mắc trong thực tế. Theo vị này, với các DN thì NH không gặp vướng mắc nào, với cá nhân vay vốn mua nhà cũng vậy. Tuy nhiên với các khoản vay nhằm mục đích xây, sửa nhà lại khác.

Do trong quá trình sửa nhà có phát sinh rất nhiều khoản chi phí như tiền mua vật liệu, công thợ, thuê các dịch vụ... mà các khoản chi này hầu hết phải thanh toán bằng tiền mặt, do vậy mong muốn của hầu hết người vay là muốn nhận bằng tiền mặt để tiện chi trả. Do tình hình thực tế như vậy nên thay vì giải ngân một lần như trước kia thì hiện nay NH chia ra làm nhiều món nhỏ dưới 100 triệu đồng để giải ngân. Với khách hàng vay khoảng 500 triệu đồng, NH phải giải ngân đến 6 lần.

Giám đốc chi nhánh một NH cổ phần khác nói với các khoản vay nhỏ NH vẫn cho khách hàng nhận bằng tiền mặt, nhưng người vay phải làm cam kết người thụ hưởng không có tài khoản NH, hoặc yêu cầu khách hàng bổ sung các hóa đơn lẻ để hợp thức hóa. Cũng có trường hợp lách bằng cách yêu cầu người vay làm giấy xác nhận trước đó đã vay tiền của người thân để sửa nhà để NH có cơ sở giải ngân bằng tiền mặt. “Nhiều khách hàng cũng có phản ứng nhưng NH phải giải thích để khách hàng hiểu”, bà này cho biết.

Phải có cơ chế khuyến khích

Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần có trụ sở tại quận 1 nói quy định các khoản vay trên 100 triệu đồng phải chuyển khoản trực tiếp cho bên thụ hưởng là tốt, nhằm mục đích kiểm soát đồng vốn và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng nên có lộ trình và chỉ nên áp dụng với một số đối tượng.

Hiện không chỉ người vay vốn NH xây, sửa nhà bị vướng mà ngay cả người vay mua xe cũng vướng vì nhiều nơi bán xe chỉ thích nhận tiền mặt. Chưa kể chuyển khoản cũng chưa chắc lấy được ngay nếu rơi vào cuối tuần vì thời điểm này NH không làm việc. “NH cũng không muốn giải ngân bằng tiền mặt nhưng phải nhìn vào thực tế đời sống người dân, chứ nếu quy định quá cứng nhắc thì không thể đi vào đời sống mà ngược lại còn đẻ ra thêm nhiều thủ tục”, vị giám đốc này nói.

Nhiều NH kiến nghị NH Nhà nước nên có những quy định riêng với các khoản vay tiêu dùng phục vụ đời sống, chứ nếu áp dụng chung một quy chế với các khoản vay khác như hiện nay thì không phù hợp.

Thành viên hội đồng quản trị một NH nói phải có những hỗ trợ về thuế cho những đơn vị nhận thanh toán bằng chuyển khoản, chẳng hạn giảm thuế cho các đơn vị này để khuyến khích. Chứ hiện nay chỉ quy định mà không có cơ chế khuyến khích thì người dân không hưởng ứng.

Nên để người dân quen dần

Theo TS Lê Thẩm Dương - trưởng khoa quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP.HCM, mục đích của quy định này là nhằm kiểm soát được mục đích của khoản vay vì qua chuyển khoản NH mới biết tiền đi đến đâu. Việc này cũng nằm trong chiến lược đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên,theo ông Dương, đây mới là giai đoạn “làm quen” nên NH Nhà nước vẫn có cơ chế mở cho phép nhận tiền mặt với các khoản vay dưới 100 triệu đồng. “Trước tiên là tạo ý thức, khi người dân quen dần thì các đơn vị bán hàng sẽ buộc phải nhận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Dương nói.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên