16/02/2025 09:41 GMT+7

Vất vả tìm lại việc ở tuổi trung niên: Nỗ lực biến nguy thành cơ

VINH SAN
và 1 tác giả khác

Thử thách chất chồng trên hành trình tìm việc lại ở tuổi trung niên là điều khó tránh. Dẫu vậy chưa phải đã hết cơ hội chào đón nhóm lao động này ở một số lĩnh vực, ngành nghề.

Vất vả tìm lại việc ở tuổi trung niên: Nỗ lực biến nguy thành cơ - Ảnh 1.

Lao động trung niên vẫn có khả năng cạnh tranh cao với lợi thế riêng sau nhiều năm làm việc - Ảnh: Q.ĐỊNH

51 tuổi, anh Trường (ở TP.HCM) mất việc dù từng làm trưởng phòng kinh doanh. Áp lực xoay tiền trả góp mua chung cư, tiền ăn học của con, phụng dưỡng cha mẹ ở quê... bủa vây. Tự cho mình bảy ngày nghỉ ngơi, anh bắt đầu hành trình tìm lại việc ở tuổi trung niên.

Có những lợi thế nhất định khi tìm lại việc ở tuổi trung niên

Anh Trường muốn trở lại công việc kinh doanh vì vốn tự tin với bản CV của mình. Nhưng gõ cửa nhiều nơi, anh chỉ nhận lại cái lắc đầu. Để xoay xở với chồng hóa đơn, anh giấu luôn bản CV, quên cái ghế trưởng phòng đã thành dĩ vãng và... chạy xe hơi công nghệ.

Khoảng thời gian ấy giúp anh nhận ra dù từng làm lớn nhưng nếu không nỗ lực học hỏi hầu như không có cơ hội quay lại mức thu nhập như trước. Vậy là ban ngày chạy xe, tối đến anh học tiếng Hoa và luyện tiếng mọi lúc mọi nơi khi chờ "nổ cuốc". Tranh thủ nhất là khi chở khách nói tiếng Hoa, anh bắt chuyện để luyện nghe nói.

Bảy tháng sau anh Trường nhận được lời mời làm trợ lý giám đốc một tập đoàn đang cần người có thâm niên kinh doanh, biết giao tiếp tiếng Hoa và thông thạo chạy xe đường phố Sài Gòn. Hạnh phúc hơn khi công việc này cho anh mức thu nhập cao hơn lương trưởng phòng trước đây.

Anh Lê Thanh Sơn (44 tuổi) từng làm quản lý tại một tập đoàn công nghệ quốc tế hàng đầu hơn bảy năm và hai năm gần đây phải đổi đến bốn công việc.

Hiện là trưởng nhóm kỹ thuật chuyên trách khách hàng Công ty TNHH Go Net Zero Pte tại Singapore, anh Sơn nói mỗi khi nhìn lại vẫn thấy thử thách ấy ý nghĩa vì giúp anh trưởng thành hơn nhiều dù thu nhập giảm.

Mọi thứ cứ ập tới, chưa chuẩn bị gì nhưng may mắn nhờ những mối quan hệ chất lượng, anh được bạn bè giới thiệu nhiều việc mới.

"Lần nghỉ việc lâu nhất tầm ba tháng, tôi tranh thủ về nước tổ chức sự kiện đào tạo cho các giám đốc công nghệ và dành nhiều thời gian cho gia đình. Tôi cho rằng lao động trung niên hiện khó kỳ vọng mức lương cao như trước dịch COVID-19 hay trước khi có các ứng dụng như ChatGPT chẳng hạn", anh Sơn chia sẻ.

Lao động trung niên cần tâm thế sẵn sàng chuyển đổi công việc miễn sao linh hoạt ứng dụng được những kỹ năng mình có. Như vậy mới thêm cơ hội việc làm trong bối cảnh hiện nay.
Chị NGUYỄN THU TRANG (Công ty TNHH Manpower Việt Nam)

Góc nhìn nhà tuyển dụng về việc tìm lại việc ở tuổi trung niên

Hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, chị Lê Thị Đoan Trinh - phó tổng giám đốc khối nhân lực Công ty cổ phần đầu tư Scommerce - cho rằng nhiều doanh nghiệp còn e ngại về khả năng thích nghi và học hỏi của lao động trung niên, đặc biệt trong môi trường làm việc đa thế hệ, nhất là về ngoại ngữ và công nghệ của lao động trẻ.

Điều cần là lao động trung niên cho thấy thế mạnh của bản thân qua kinh nghiệm thực tế và kỹ năng mềm tích lũy sau nhiều năm làm việc.

Đồng thời lao động trung niên cần tự thiết kế lộ trình học tập phù hợp điều kiện và hoàn cảnh của mình. Điều này hiện được hỗ trợ bởi nhiều nền tảng học trực tuyến miễn phí như Coursera, hay edX cung cấp các khóa học về công nghệ cơ bản, đặc biệt khi học sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT, Bard là cấp thiết.

Chị Đoan Trinh nhấn mạnh lao động tuổi trung niên có thể thử sức khởi nghiệp hoặc tham gia các start-up đang phát triển vì họ thường đánh giá cao người có kinh nghiệm thực tế, am hiểu thị trường, khả năng xử lý tình huống tốt.

"Thị trường vẫn rất cần những người có kinh nghiệm thực chiến ở vị trí quản lý cấp trung và cao. Vấn đề là chính các anh chị phải chứng minh được giá trị qua thành tích cụ thể cũng như khả năng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp", chị khẳng định.

Trong khi đó chị Nguyễn Thu Trang - giám đốc thương hiệu Manpower (Công ty TNHH Manpower Việt Nam) - nói lao động trung niên có thể sẽ bỡ ngỡ trước cách thức tìm việc, ứng tuyển, phỏng vấn hiện nay do thị trường việc làm đã thay đổi rất nhiều. Họ cũng khó linh hoạt thích nghi môi trường mới do gắn bó với nơi cũ đã lâu, tâm thế cũng bị động và ít cởi mở hơn các bạn trẻ.

Hiện có nhiều ngành nghề mới mọc lên, những công việc mới xuất hiện. Chưa kể xu hướng hiện nay doanh nghiệp tập trung tìm kiếm kỹ năng hơn là kinh nghiệm cụ thể ở ứng viên. Chị Trang nói nhiều nhà tuyển dụng cho rằng lao động có kỹ năng phù hợp có thể xử lý tốt công việc ngay cả khi chưa nhiều kinh nghiệm.

Vất vả tìm lại việc ở tuổi trung niên: Nỗ lực biến nguy thành cơ - Ảnh 2.

MC Vân Anh xây kênh cá nhân để vừa chăm con nhỏ vừa kiếm thu nhập - Ảnh chụp màn hình

Tăng tính cạnh tranh cho mình

Quan sát thực tế nhiều năm, chị Lý Ngọc Trân - giám đốc dịch vụ nhân sự thuê ngoài (Công ty Talentnet) - khẳng định thị trường lao động hiện nay rất "mở và phẳng" với mọi người. So với giới trẻ, lao động trung niên có thế mạnh về sự từng trải, bản lĩnh, kinh nghiệm, chín chắn, trách nhiệm và tư duy giải quyết vấn đề.

Những điều này rất khó đào tạo nếu chỉ là các khóa học nhưng được doanh nghiệp tìm kiếm cho vị trí quản lý trong bối cảnh mọi thứ thay đổi nhanh hiện nay. Do đó lao động trung niên vẫn có khả năng cạnh tranh cao.

"Để tăng tính cạnh tranh, lao động trung niên cần trang bị ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng công nghệ (AI, robotics…) vốn đang được doanh nghiệp đề cao. Đó còn là tinh thần ham học hỏi, khả năng ứng biến và thích nghi trước thách thức", chị Ngọc Trân gợi mở.

Cơ hội buộc bản thân thay đổi

MC Vân Anh từng làm việc tại đài truyền hình vừa dừng phát sóng gần đây nói nhân sự ngành báo chí - truyền hình hiện đã đủ nên không nhiều đồng nghiệp cũ tìm được vị trí tương đương ở nơi khác. Một số chuyển hướng đầu quân vào công ty tư nhân, riêng chị làm tự do vì vướng con nhỏ.

Nhìn tích cực, chị Vân Anh nói biến cố đôi lúc là cơ hội buộc bản thân thay đổi để có thể nắm bắt cơ hội khác. Tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mạng xã hội và cả thương hiệu cá nhân đang có, chị chọn làm kênh cá nhân để kinh doanh.

"Tôi nghĩ sẽ không quá khó, chỉ cần chúng ta gắng vượt qua bỡ ngỡ ban đầu rồi mọi thứ sẽ chóng vào guồng, phát triển" - chị Vân Anh chia sẻ.

(còn tiếp)

Vất vả tìm lại việc ở tuổi trung niên: Nỗ lực biến nguy thành cơ - Ảnh 3.Ám ảnh thất nghiệp từ sau dịch COVID-19, lao đao tìm việc ở tuổi trung niên

Thất nghiệp giai đoạn hậu COVID-19 từng là nỗi ám ảnh của khá nhiều lao động. Điều này càng khủng khiếp hơn khi rơi vào nhóm lao động ở độ tuổi U50.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên