Câu chuyện 'phí' thanh tra vừa bị phát hiện ở Vĩnh Phúc đã nhận được nhiều phản hồi bày tỏ bức xúc từ bạn đọc. Tuổi Trẻ trích đăng hai ý kiến bạn đọc về vấn đề này.
TS Nguyễn Hoàng Chương:
Khi sai phạm "lọt sổ"
Không thể phủ nhận lợi ích từ các cuộc thanh tra, thế nhưng những đại án gần đây bị điều tra, xét xử thì trước đó đều có các cuộc thanh tra, kiểm tra mà không phát hiện được. Nguyên nhân do đâu, ngành chức năng có đánh giá một cách trung thực, chính xác hay chưa?
Dư luận không bất ngờ trước những vụ thanh tra mặc cả chung chi nhưng bức xúc trước hành vi của nhóm người ấy, những người đang ở độ tuổi chín chắn, có người đang giữ nhiệm vụ quản lý!
Người dân đang mong quy trình thanh tra, sự giám sát lẫn nhau, công khai thông tin các cuộc thanh tra đầy đủ, kịp thời.
Sau vụ việc thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt ở Vĩnh Phúc, ngành chức năng sẽ thay đổi như thế nào? Quá trình làm việc giữa thanh tra viên và cá nhân, đại diện tổ chức được thanh tra, nên chăng quy định địa điểm làm việc, ghi hình và ghi âm từng cuộc làm việc?
Mỗi cuộc thanh tra ngoài thanh tra viên chuyên trách nên có cộng tác viên thanh tra của các ngành cùng đại diện các tổ chức đoàn thể tham gia để hạn chế nhũng nhiễu, vòi vĩnh.
Vào thanh tra chỉ để làm giàu thì vòi vĩnh là tất yếu. Khi phát hiện sai phạm qua thanh tra, ngoài việc xử lý nghiêm túc, thanh tra có thể tư vấn, định hướng và cả sự bao dung. Thanh tra nhân dân thì đối tượng thanh tra - được thanh tra chứ không phải bị thanh tra.
Mới đây, trong cuộc họp cán bộ chủ chốt của địa phương, một bí thư thành phố có nói đại ý: "Qua kiểm tra mà khắc phục được, coi như chưa kiểm tra". Tôi cảm nhận sự sâu sắc của phát biểu nhân văn ấy. Chữ tâm của người làm công tác thanh tra quan trọng.
Đó còn là chuyện của lòng tự trọng, văn hóa chính trị. Chuyện hưởng lợi từ quyền hạn chức trách như thế này không còn lạ với người dân nhưng xử lý những cái này vẫn như chuyện chưa quen, chưa xử lý đến nơi đến chốn hoặc do cố tình lảng tránh.
Câu chuyện đang xôn xao ở Vĩnh Phúc không thể xem "là chuyện lần đầu, đáng tiếc". Phải xem nó là vết nhơ là của ngành. Ai làm sai đến đâu cần làm rõ, xử nghiêm.
Bạn đọc Vũ Trung Kiên:
Ai "ngồi xổm" trên pháp luật?
Vụ việc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ vì đòi hối lộ đã làm cho xã hội lại giật mình, ngao ngán. Họ có chột dạ hay run sợ khi Đảng, Chính phủ đang đẩy mạnh phòng chống tham nhũng?
Những vụ việc như trên - có thể là cá biệt đi chăng nữa - vẫn làm cho người dân, cán bộ chân chính phải chua xót khi "nghe trong đó bao nhiêu là chuyện lạ".
Trưởng đoàn thanh tra đòi hối lộ lại là phó phòng phòng chống tham nhũng, một người mới vừa được bổ nhiệm mấy tháng đã thế này, lâu hơn một chút sẽ thế nào? Ngẫm lại, cũng may sự việc đã được phát hiện sớm.
Những người được bổ nhiệm phải qua hàng loạt quy trình về công tác cán bộ, trong đó có rất nhiều quy trình được xem là chặt chẽ, khắt khe, sao lại vậy? Phải chăng công tác cán bộ có quá nhiều kẽ hở chưa thể bịt kín?
Xung quanh câu chuyện này đặt ra nhiều câu hỏi cần giải đáp. Một đoàn thanh tra của bộ đi thanh tra mà đòi hối lộ hàng chục tỉ đồng. Hối lộ không phải từ các tập đoàn, từ các doanh nghiệp mà từ... cơ quan nhà nước.
Chỉ thanh tra xây dựng của một huyện cũng có chuyện chung chi, với hàng trăm nghìn dự án trăm tỉ, nghìn tỉ ở khắp đất nước này thì sẽ ra sao? Chuyện thanh tra gây khó khăn đã râm ran từ lâu, chỉ là chưa "bắt tận tay" nên vẫn chỉ là tin đồn kiểu "khẩu thuyết, vô bằng".
Hệ thống thanh tra ở Việt Nam được tổ chức từ Thanh tra Chính phủ đến thanh tra các bộ ngành, các tỉnh thành, các quận huyện, các sở ngành cấp tỉnh. Chỉ cần mỗi cơ quan thanh tra một năm thanh tra làm rõ hai vụ việc vi phạm thuộc lĩnh vực mình phụ trách thì đã làm lợi cho xã hội biết bao.
Chỉ tiếc rằng, nhiều cuộc thanh tra khi ra quân thì trống giong cờ mở nhưng cuối cùng có những vụ việc lại theo kiểu "đầu voi, đuôi chuột". Và cũng ít có cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra bị xử lý về việc đã không làm rõ được các sai phạm của các cơ quan, các doanh nghiệp mà họ được giao thanh tra.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc đã rất chí lý khi nói rằng: "Chỉ có quan chức mới có thể tham nhũng vì họ mới có quyền lực". Với những vụ việc như trên, cần phải xử lý thật nghiêm minh để giữ gìn kỷ cương phép nước và răn đe người khác. Không thể để những kẻ coi thường pháp luật dễ dàng tiếp diễn việc làm bất chính, tiếp tục coi thường nhân dân như vậy!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận