22/03/2022 10:35 GMT+7

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngày 3-7-2008, các hãng tin AFP và Reuters đồng loạt loan tin lần đầu tiên giá dầu thô vượt ngưỡng lịch sử 145 USD/thùng trên các sàn giao dịch điện tử ở châu Á.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Ảnh 1.

Canô Iran kiểm tra tàu chở dầu trên eo biển Hormuz - Ảnh: AP

Kỳ 5: Cú sốc thứ ba - điều khó tin của vàng đen đã xảy ra

Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ lên 144,27 USD/thùng còn giá dầu Brent biển Bắc 144,26 USD. Tính ra giá vàng đen đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một năm và tăng 44% kể từ đầu năm 2008. Trong gần 7 năm từ cuối năm 2001 đến ngày 31-7-2008, giá dầu thô đã tăng đến 525%.

Đây là cú sốc với quy mô lớn chưa từng thấy.

Thủ tướng Đức ANGELA MERKEL nhận xét vào giữa tháng 6-2008

Dự báo giá dầu lên đến 200 USD/thùng!

AFP và Reuters lưu ý lúc bấy giờ kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm đột ngột 2 triệu thùng xuống còn 299,8 triệu thùng, thấp hơn 15,3% so với một năm trước.

Thêm vào đó là nỗi lo về nguồn cung cấp dầu, đặc biệt từ vùng Vịnh. Iran là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ tư thế giới đang đàm phán về hồ sơ hạt nhân.

Nước này dọa nếu bị tấn công sẽ đẩy giá dầu tăng cao và trả đũa bằng cách siết chặt kiểm soát eo biển Hormuz, nơi 40% lượng dầu thô xuất khẩu thế giới đi qua.

Các nhà kinh tế và nhà chính trị đã dùng cụm từ "cú sốc dầu thứ ba" để chỉ tình trạng dầu thô tăng lên đến mức giá kỷ lục vào năm 2008.

Trung tuần tháng 6-2008, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gọi đích danh đó là "cú sốc dầu thô". Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Nobuo Tanaka lên tiếng cảnh báo thế giới đang trải qua "cuộc khủng hoảng năng lượng thứ ba".

Cách tăng giá dầu trong cú sốc lần này rất kỳ lạ. Sau khi duy trì mức giá 20 - 25 USD/thùng trong giai đoạn năm 1986 - 2003 (năm 1998 có đợt tuột dốc dưới 10 USD/thùng), giá dầu tăng vào mùa hè năm 2004 do nhu cầu tiêu thụ dầu tăng cao từ các nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

Vào tháng 10-2004, giá dầu thô đã vượt ngưỡng 50 USD/thùng, điều mà trước đây nhiều người cứ nghĩ rất khó xảy ra hoặc không thể xảy ra. Lúc này giá dầu đã phá kỷ lục 40,4 USD/thùng được thiết lập vào tháng 10-1990 sau khi Iraq đưa quân xâm chiếm Kuwait.

Giá dầu tiếp tục tăng nhanh và vượt mốc 70 USD vào tháng 8-2005 sau khi cơn bão Katrina (một trong sáu cơn bão khốc liệt nhất ở Mỹ) tàn phá các cơ sở dầu khí trên vịnh Mexico.

Một báo cáo đầy lo ngại của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã dự báo giá dầu còn có thể lên đến mức siêu đỉnh 200 USD/thùng. Ngân hàng này lo cũng phải vì đã bỏ vốn đầu tư mạnh vào dầu thô thông qua Công ty J. Aron. Rồi đầu năm 2008, giá dầu lập đỉnh mới 100 USD/thùng, sau đó vọt lên vào mùa xuân và đạt đỉnh cao nhất vào ngày 11-7-2008 với giá 147 USD/thùng.

Cú sốc dầu thô thứ ba đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các nước Liên minh châu Âu (EU). Các hãng hàng không và các hãng vận tải đường bộ phải cộng thêm tiền phụ thu nhiên liệu trên giá vé.

Các chủ ôtô xót ruột vì tiền đổ xăng ngày càng đè nặng trong nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày. Với gần 7 triệu tấn cá đánh bắt và nuôi, EU là cường quốc đánh bắt cá lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Lĩnh vực này đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì giá xăng dầu lên cao và nguồn cá ngày càng cạn kiệt.

Ngư dân các nước châu Âu chịu hết nổi đã xuống đường phản đối giá xăng dầu tăng. Tại Pháp, ngư dân than trời vì giá dầu chiếm tới 40% doanh thu tàu đánh cá. Tại Bồ Đào Nha vào đầu tháng 6-2008 hầu hết các tàu đánh cá đều nằm bờ.

Trong thời gian từ năm 2000 - 2007, các đội tàu đánh cá đã giảm khoảng 8.000 tàu. Tình hình đánh bắt thủy sản ở Anh cũng tương tự. Ủy ban châu Âu phải quyết định chi tiền hỗ trợ giúp đỡ ngư dân đối phó với giá nhiên liệu tăng cao.

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Ảnh 3.

Năm 2008, ngư dân biểu tình ở Brussels phản đối giá xăng dầu tăng - Ảnh: Reuters

Ba lý do dẫn đến cú sốc dầu thô

Chuyên gia Olivier Appert - cố vấn Trung tâm Năng lượng và khí hậu thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) - phân tích cú sốc dầu thô thứ ba năm 2008 khác với hai cú sốc dầu thô năm 1973 và năm 1979 dựa vào hai đặc điểm sau đây:

l Hai cú sốc dầu trong những năm 1970 phát sinh do thiếu nguồn cung và tình hình địa chính trị bất ổn (lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 của Tổ chức Các nước Ả Rập xuất khẩu dầu mỏ, cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, chiến tranh Iran-Iraq năm 1980 - 1988). Trong khi đó, cú sốc dầu thô năm 2008 là do nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên.

l Trong hai cú sốc dầu thô lần trước, chỉ trong vài tháng giá tăng gấp ba lần và kéo dài trong thời gian ngắn. Ngược lại trong cú sốc thứ ba, giá tăng mạnh hơn nhưng tăng dần từ năm 2003 - 2007, sau đó tăng cao rồi lên đến mức giá kỷ lục trong nửa đầu năm 2008. Phải mất năm năm để giá dầu tăng gấp 5 lần.

Trên tạp chí nghiên cứu Revue Projet, nhà kinh tế học Pháp Gaël Giraud nhận xét có ít nhất ba yếu tố giải thích vì sao xảy ra cú sốc dầu thô thứ ba năm 2008:

Thứ nhất, chắc chắn đây là phản ứng do đồng đôla Mỹ mất giá vì giá dầu thô giao nhận được tính bằng USD.

Thứ hai, có thể cú sốc dầu thô xảy ra do tình trạng cho vay thế chấp dưới chuẩn để mua nhà. Sau đó, các ngân hàng trung ương bơm tiền ra để giải cứu các ngân hàng mắc cạn nhưng một phần tiền mặt lại được đầu tư vào hai kênh trú ẩn an toàn là vàng và dầu mỏ. Hóa ra công tác giải cứu bong bóng bất động sản đã sản sinh ra bong bóng đầu cơ vào dầu thô.

Thứ ba, nguyên nhân cơ bản thực sự chính là mức tiêu thụ dầu trên thế giới đã tăng tốc từ cuối năm 2002. Đặc biệt nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc gia tăng do kinh tế đang tăng trưởng nên cần rất nhiều dầu, vì vậy đã đẩy giá dầu tăng trong những năm 2000 song sản lượng khai thác dầu lại không đuổi kịp. Vào thời điểm đó OPEC không thể tăng sản lượng do thiếu vốn đầu tư dài hạn.

Sau cú sốc dầu thứ ba, nhu cầu tiêu thụ hạn chế lại và rồi cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn dẫn đến suy thoái toàn cầu năm 2009 đã nhấn chìm giá vàng đen. Giá dầu mất hơn 60% trong vòng 5 tháng, lao dốc xuống còn 32 USD/thùng vào cuối năm 2008 và tiếp tục giảm dưới 25 USD/thùng.

Giá dầu và tình hình địa chính trị

* 2011: Biểu tình ở Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. Nội chiến bùng nổ ở Libya. Libya ngừng sản xuất dầu và tăng giá gần 35%. Giá dầu ngày 11-3-2011 lên đến 127 USD/thùng.

* 2012: Sau khi EU áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ, Iran giảm sản lượng và giảm xuất khẩu. Giá dầu tăng rồi giảm nhiệt nhờ Saudi Arabia (đối thủ của Iran) tăng sản lượng.

* 2013: Các cơ sở dầu mỏ ở Libya bị phong tỏa trong nội chiến. Libya giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng mỗi ngày.

* 2014 - 2016: Từ mùa hè năm 2014, giá dầu giảm 70%, từ 110 USD xuống 30 USD/thùng trong 18 tháng. Nguyên nhân do OPEC bán dầu ồ ạt để ngăn dầu đá phiến của Mỹ và kinh tế toàn cầu suy thoái do nhu cầu từ Trung Quốc giảm.

* 2018 - 2019: Nhóm OPEC + (OPEC và các đối tác) thỏa thuận cắt giảm sản lượng để giữ giá cao. Do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, kinh tế trì trệ, nhu cầu tiêu thụ dầu chậm lại. Giá dầu tăng hay giảm tùy cán cân cung - cầu.

* 2020: Giá dầu giảm lớn nhất trong 20 năm. Nga phản đối cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày nên Saudi Arabia đơn phương giảm giá. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế tác động giảm nhu cầu dầu.

*********

Kịch bản thứ nhất là giá dầu tăng cao và kéo dài do nguồn cung dầu thô giảm. Trong kịch bản thứ hai, nhờ tăng thêm nguồn cung, giá dầu tăng rất mạnh nhưng rồi quay đầu về giá cũ trước khi xảy ra chiến sự Ukraine.

>> Kỳ tới: Kịch bản nào cho giá dầu sắp tới

Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ 4: Dầu thô - vàng đen và sự bất hạnh cho Iraq Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ 4: Dầu thô - vàng đen và sự bất hạnh cho Iraq

TTO - Đầu thập niên 1990, trong bảng xếp hạng các nước sản xuất dầu mỏ, Iraq với hơn 10% trữ lượng dầu thế giới chỉ đứng sau Saudi Arabia.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên