26/07/2020 10:42 GMT+7

Vắng cha mẹ, có thầy cô bên đời

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Có một ngôi trường rất đặc biệt ở huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nơi ấy là nhà của gần chục trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Các em được đưa vào khu nội trú nhà trường, được thầy cô chia nhau đỡ đầu.

Vắng cha mẹ, có thầy cô bên đời - Ảnh 1.

Thầy Thưởng (ngoài cùng bên trái) hỏi thăm tình hình học tập của các học sinh mồ côi - Ảnh: L.TRUNG

Và thầy cô trích tiền lương hằng tháng góp tay lo những bữa ăn cho học sinh mồ côi, thương yêu lo lắng cho trò bằng tấm lòng cha mẹ để các em không phải tủi thân khi thiếu vắng tình thương của đấng sinh thành.

Mái nhà của trò mồ côi

Mẹ của Thái Ngọc Thủy Tiên, cô học trò lớp 12/2, mất sớm. Cách đây ba năm, cha cũng mất vì bị bệnh hiểm nghèo. Cô học trò phải chịu cảnh côi cút, ở với chị gái đã có chồng con. "Thấy hoàn cảnh đáng thương, ba năm nay em được đưa vào khu nội trú của trường để ở, các thầy cô thay cha mẹ lo cho em" - Thủy Tiên tâm sự. 

Giống như Thủy Tiên, Hoàng Văn Đạt, cậu học trò lớp 11/1 người Giẻ Triêng, mồ côi cha mẹ từ rất sớm. Từ năm lớp 10, Đạt được đưa vào khu nội trú của trường. Ở đây, tất cả chi phí ăn ở, học tập Đạt đều được Nhà nước, nhà trường và các thầy cô lo lắng với một tình thương vô bờ bến. 

"Phận mồ côi buồn lắm, nhưng bên cạnh em đã có thầy cô bạn bè luôn quan tâm, động viên" - Đạt nói.

Hồ Thị Huệ (xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn), cô học trò lớp 12/1 người Giẻ Triêng, có hoàn cảnh thật đáng thương. Cha mất hồi em học lớp 5, mẹ bị bệnh động kinh phải ở với dì ruột, Huệ bơ vơ giữa dòng đời. Các thầy cô đã chìa tay với lấy em, bốn năm nay khu nội trú của trường là mái nhà của Huệ. 

"Ở đây mọi điều kiện sinh hoạt rất ổn, thầy cô trong trường quan tâm và lo lắng cho em lắm" - Huệ thổ lộ.

"Nhiều học sinh người dân tộc Giẻ Triêng mồ côi cha mẹ đang ở khu nội trú này" - thầy Phạm Ngọc Thưởng, chủ tịch công đoàn nhà trường, nói. Thật lạ, ở mái trường miền núi này, số học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ nhiều lắm. Những trường hợp như vậy nhà trường đều đưa các em vào khu nội trú, thầy cô dễ quản lý, chăm lo cho học sinh.

 "Nếu thầy cô không quan tâm chắc các em sẽ bỏ học mất" - thầy Thưởng nói.

Đã có thầy cô...

Cô Phạm Thị Thứ - hiệu trưởng nhà trường - kể hiện trường có 9 em học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những em này thuộc diện hưởng chế độ theo thông tư liên tịch 109 của Bộ GD-ĐT dành cho các em trường phổ thông dân tộc nội trú với số tiền học bổng hơn 1 triệu đồng/tháng.

Từ năm học 2016-2017, thấy trường có nhiều em học sinh mồ côi, nhà trường đã họp và phát động phong trào giáo viên trích lương của mình góp quỹ để giúp đỡ các em. Trường có 22 giáo viên, mỗi tháng mỗi người sẽ góp 50.000 đồng. Trường đặt thùng tiết kiệm để học sinh bỏ tiền lẻ vào giúp bạn. 

"Rồi đội thiện nguyện của trường cũng bán tranh, hoa vào các ngày lễ để góp quỹ, giáo viên cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp giúp các em về vật chất. Tất cả mọi điều có thể thì thầy cô đều làm cho học sinh mồ côi" - cô Thứ tâm sự.

Theo cô, số tiền từ việc góp quỹ mỗi tháng nhà trường dành để chi trả chế độ ăn uống ở khu nội trú cho các em, còn tiền học bổng theo chế độ thì không động đến. Trường làm cho mỗi em một tài khoản ngân hàng, bỏ vào đó tích cóp cho sau này. 

"Mình nghĩ đến sâu xa hơn là sau này các em ra trường, học đại học, cao đẳng sẽ có một số tiền để trang trải. Năm vừa rồi có một em mồ côi đậu đại học, khi đi học để dành được khoảng 30 triệu đồng đó" - cô Thứ chia sẻ.

Thầy Thưởng kể để các em không phải bơ vơ trong cuộc đời này, các thầy cô bàn nhau mỗi người sẽ chọn một em để đỡ đầu trong học tập cũng như cuộc sống. Mỗi giáo viên sẽ đóng vai trò y như ba mẹ của các em. Công việc đỡ đầu trước hết phải tìm hiểu hoàn cảnh, không riêng về vật chất mà thầy cô còn là chỗ dựa tinh thần để các em không thấy lẻ loi. Các em bị đau ốm, tai nạn gì thì giáo viên đỡ đầu là người đầu tiên lo. 

"Mình lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ buồn vui, nhắc nhở các em lo học hành. Em nào học kém, các thầy cô đỡ đầu phải bằng mọi cách làm sao để các em tiến bộ hơn" - cô Thứ tâm sự.

Ngôi trường mồ côi

Trường phổ thông dân tộc nội trú Phước Sơn được người dân "ví von" là ngôi trường của học sinh mồ côi bởi ngoài 9 em học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, cô Phạm Thị Thứ cho hay trong năm học này toàn trường có 63 em mồ côi cha hoặc mẹ.

"Cũng không biết sao trường mình nhiều năm nay có quá nhiều học sinh mồ côi vậy. Những em nào có hoàn cảnh quá khó khăn đều được trường quan tâm, giúp đỡ" - cô Thứ nói.

Cô Đàm Thị Tâm - giáo viên môn văn - cho biết năm ngoái cô cũng đỡ đầu một em học sinh nữ, năm nay em đã tốt nghiệp ra trường.

"Mình phải thay cha mẹ lo lắng, chăm sóc cho em, em cần gì mình cố gắng giúp em cái nấy, san sẻ, lắng nghe niềm vui, nỗi buồn của em. Thậm chí sinh nhật em không có người thân bên cạnh, mình đứng ra tổ chức một buổi sinh nhật đơn sơ cho em vui. Những ngày tết mình cũng mua áo quần, bánh mứt để em đem về nhà ăn tết" - cô Tâm kể.

Mái ấm Hướng Dương và hành trình nâng bước trẻ mồ côi Mái ấm Hướng Dương và hành trình nâng bước trẻ mồ côi

Hơn 20 năm qua, từ một địa điểm nhỏ bé được bác sĩ Lê Thị Tỵ thành lập, Mái ấm Hướng Dương (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đã nâng bước cho hàng trăm trẻ mồ côi, cơ nhỡ.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên