22/10/2021 09:14 GMT+7

Vắng bà con, người thành phố thêm khó!

LÊ THỊ MINH VÂN
LÊ THỊ MINH VÂN

TTO - Có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh cuộc di chuyển về quê sau giãn cách của người nhập cư. Có lời trách nhưng đa số mọi người đều thương cảm họ. Họ đã chọn quay về quê nhà và để lại một khoảng lặng giữa lòng thành phố.

Vắng bà con, người thành phố thêm khó! - Ảnh 1.

Sau 3 tháng về Bến Tre tránh dịch, vợ chồng ông Trần Thanh đã quay lại TP.HCM để đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống - Ảnh: NHẬT THỊNH

Ai đã sống lâu ở thành phố nhộn nhịp này hẳn sẽ hiểu được vai trò quan trọng của người nhập cư ở đất Sài Gòn. Không chỉ những công nhân, những người làm văn phòng, cứ mỗi lần sau tết, tôi lại trông ngóng người lao động tự do quay lại thành phố tấp nập này.

Do đâu ư? Muốn ăn một tô hủ tiếu đậm vị miền Tây nhưng bà Sáu (quê ở Bến Tre) chuyên bán ăn sáng đầu ngõ về quê. Muốn bảo trì chiếc xe hư nhưng chú Hai - người Bình Định, "mối quen" sửa xe - vẫn chưa vào. Cô Bảy chuyên thu gom ve chai từ Quảng Nam chưa thấy quay lại thành phố...

Nơi tôi đang sống có vô số cửa hàng ăn uống, siêu thị mini... đăng bảng cần "nhân viên bán hàng, nhân viên vệ sinh, nhân viên phục vụ...". Nhiều chủ cửa hàng, quán ăn... lo lắng vì không thể mở cửa khi người phụ việc đã về quê.

Chính mối quan hệ "cộng sinh" giữa người Sài Gòn và vô số những người nhập cư từ các tỉnh thành khác đã mang đến vẻ ngoài nhộn nhịp, đa dạng hóa tình trạng lao động tại TP.HCM. Ngoài việc mưu sinh kiếm sống ở đô thị nhộn nhịp này thì chính những người nhập cư cũng là nguồn sử dụng các căn hộ cho thuê, những phòng trọ nhỏ... mang đến nguồn thu nhập đáng kể cho cư dân Sài Gòn. 

Việc sở hữu một vài căn phòng cho thuê hẳn sẽ giúp ích khá nhiều cho nguồn thu nhập và trang trải cuộc sống. Và đương nhiên, người xây được vài chục phòng đồng nghĩa với việc sở hữu một cuộc sống khá giả, thậm chí giàu có hơn. Sau một trận dịch xảy ra, mọi việc đều bị đảo lộn. Những căn phòng trọ không người ở, nhiều xóm trọ vắng vẻ tiếng người... đồng nghĩa với việc gia chủ bị giảm thậm chí mất hẳn một khoản thu nhập.

Cô bạn tôi vốn dĩ là chủ nhân của một trang bán hàng may mặc giá rẻ online chuyên kinh doanh các mặt hàng "giá mềm" hướng đến người nhập cư. Người xóm trọ chọn lựa và "chốt đơn" cho mình, cho ba mẹ và còn gửi về quê làm quà cho bạn bè, họ hàng... Dịch bệnh tràn về, thị trường tiềm năng đó đìu hiu đến buồn rầu.

Các tiểu thương ngoài việc bán hàng tại chợ vào buổi sáng còn tranh thủ kiếm thêm nguồn hàng giá nới hơn bán cho công nhân, những người có thu nhập thấp, nhằm kiếm chút đồng lời. Người xóm trọ về quê, bao người bán buôn ở lại đang mất khách, ngậm ngùi dẹp bớt gánh mưu sinh.

Từ biết bao câu chuyện nhỏ nhặt ấy, khi nhìn vào những khoảng lặng trong lòng thành phố, chúng ta mới giật mình nhận ra vai trò quan trọng của biết bao người lao động nhập cư ở Sài Gòn. Họ đến để mưu sinh và đã giúp cho đời sống kinh tế của người thành phố được cải thiện đáng kể. 

Mối quan hệ cộng sinh, xét ở một khía cạnh nào đó, chính là sợi dây liên kết mật thiết, góp phần kiến tạo nên một đô thị nhộn nhịp nhưng cũng đầy yêu thương và bao dung với tất cả chúng ta trong suốt nhiều năm qua. Cá nhân tôi và không ít người vẫn luôn mong ngóng ngày người lao động dần dần trở lại, để lấp đầy biết bao khoảng lặng trong lòng thành phố hôm nay.

Bài học từ nước Anh hậu Brexit

Năm 2019, khi có dịp được tham dự một cuộc hội thảo về văn hóa tại Vương quốc Anh, tôi được nghe những câu chuyện người nhập cư và mối quan hệ thân tình của họ với cư dân bản địa - chuyện tưởng bình thường nhưng vô cùng hệ trọng ở hầu như đô thị nào trên thế giới.

Trong vài lần trò chuyện, tôi hỏi người Anh nghĩ thế nào về việc rời khỏi khối Liên minh châu Âu (Brexit). Phần lớn họ thở dài và chia sẻ: Người Anh sau khi đi làm về, họ cần người giúp đỡ một số công việc như làm vườn, vệ sinh nhà cửa... để bản thân có thời gian thư thái, đỡ mỏi mệt hơn.

Đa số các công việc ấy trước đây dành cho những người nhập cư trong khối EU từ các nước Đông Âu sang. Sau khi nước Anh rời khỏi khối Liên minh châu Âu, người nhập cư Đông Âu sẽ không còn tự do làm việc tại Anh nữa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người Anh sẽ nhọc nhằn và mỏi mệt hơn.

Khi dịch COVID-19 đã dần được đẩy lùi, người Anh nói chung và dân Luân Đôn nói riêng cảm thấy vô cùng mệt mỏi vì tình trạng thiếu hụt nhân lực do không có đội ngũ tài xế nước ngoài, công nhân và cả người giúp việc, chưa kể nước Anh thiếu cả lực lượng lao động nông nghiệp.

Tâm sự của người lao động về quê: Tâm sự của người lao động về quê: 'Về cái đã, tới nhà rồi tính tiếp'

TTO - Lãnh đạo TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai mời gọi người dân ở lại khôi phục hoạt động sản xuất. Vì sao nhiều người vẫn quyết khăn gói về quê?

LÊ THỊ MINH VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên