20/04/2020 08:25 GMT+7

Vẫn có thể xuất khẩu 6 triệu tấn gạo

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đặng Kim Sơn - nguyên viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn - khẳng định hoàn toàn không đáng lo vấn đề an ninh lương thực trong năm nay.

Vẫn có thể xuất khẩu 6 triệu tấn gạo - Ảnh 1.

Sau nhiều ngày neo dưới sông chờ đợi, một sà lan gạo đã được cập cảng Mỹ Thới (An Giang) để chuyển gạo lên đóng container rồi lưu kho chờ xuất khẩu - Ảnh: CHÍ QUỐC

An ninh lương thực được đảm bảo chủ yếu không phải bằng các biện pháp giới hạn xuất khẩu mà phải bằng thúc đẩy sản xuất. Càng mở cửa xuất khẩu gạo thì nông dân càng gia tăng sản xuất.

TS ĐẶNG KIM SƠN

Là người nhiều năm nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn, ông Sơn khẳng định khả năng xuất khẩu 6 triệu tấn gạo năm 2020.

Xuất khẩu càng tốt, sản xuất càng tăng

* Ông đánh giá thế nào về tình cảnh hiện nay và nghĩ gì về việc hạn chế xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh?

- Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, mọi ngành, lĩnh vực đều rất khó khăn nhưng có lẽ người nông dân, những người lao động tự do là nhóm rất khó khăn. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân trải qua một giai đoạn hạn hán, nhiễm mặn gay gắt, gây thiệt hại nhiều. Người chăn nuôi cả nước chưa hồi phục từ dịch tả heo châu Phi. 

Dịch COVID-19 kéo dài, các thị trường chính khép lại, nông dân nuôi trồng thủy sản, trồng rau quả, trồng cây công nghiệp, trồng rừng... đều khó bán được nông sản. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh thu hẹp sản xuất làm cho người lao động từ nông thôn ra không có việc làm. Có thể nói, người nông dân khó khăn chồng khó khăn.

Trong khi mọi ngành đều màu xám thì tín hiệu tốt của thị trường lúa gạo là điểm sáng quý giá, cần phải tận dụng ngay để giúp nông dân vượt qua khó khăn hiện nay và gượng dậy sau dịch bệnh.

* Nếu tiếp tục cho xuất theo kế hoạch là 1,9 triệu tấn, lượng dự kiến xuất vụ đông xuân là 3,2 triệu tấn. Ông có cho rằng nguy cơ về an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát?

- Nỗi lo về an ninh lương thực là chính đáng. Nhưng cũng như lần đột biến năm 2008, tình trạng mua gạo dự trữ là tâm lý tức thì khi thiếu thông tin, còn cung cầu hoàn toàn cân bằng. Với sản xuất nông nghiệp Việt Nam, các vụ lúa nối tiếp nhau trong cả nước. 

Năm nay, sản lượng vụ đông xuân thu hoạch bằng hoặc hơn năm trước, tín hiệu thị trường hiện nay rất thuận lợi, chắc chắn nông dân sẽ tăng diện tích hè thu sớm, giúp tăng thêm nguồn cung lúa gạo cả năm. 

Nếu thủ tục thông thoáng thì lượng gạo dư ra để xuất khẩu chắc sẽ cao hơn 6 triệu tấn của năm ngoái. Hoàn toàn không có lý do gì lo ngại về an ninh lương thực cả.

Thực tế ngay từ khi bắt đầu đổi mới và Việt Nam xuất khẩu gạo, đã xuất hiện rất nhiều lo ngại rằng xuất khẩu sẽ làm tăng giá gạo trong nước, làm mất an ninh lương thực... 

Cho đến những năm 2000, những lý do tưởng như rất chính đáng đó đã trở thành căn cứ để đặt ra hạn ngạch xuất khẩu gạo, để nhiệm vụ xuất khẩu gạo chủ yếu giao cho các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan nhà nước kiểm soát rất ngặt nghèo.

Nhưng thực tế cho thấy bên cạnh nảy sinh tiêu cực trong quản lý, một số doanh nghiệp được hưởng lợi ích trực tiếp từ quản lý xuất khẩu kiểu đó đã không nâng được hiệu quả kinh doanh, không đầu tư cho nông dân xây dựng vùng nguyên liệu...

An ninh lương thực được đảm bảo chủ yếu không phải bằng các biện pháp giới hạn xuất khẩu mà phải bằng thúc đẩy sản xuất. Càng mở cửa xuất khẩu gạo thì nông dân càng gia tăng sản xuất, giá gạo càng ổn định, đời sống nông dân càng được nâng cao, kể cả người nghèo... Càng xuất khẩu gạo tốt thì sản xuất lương thực càng tăng lên.

Bộ Tài chính góp ý gì mà Bộ Công thương không tiếp thu?

Trước thông tin từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho rằng đã liên tiếp có nhiều góp ý về xuất khẩu gạo nhưng Bộ Công thương không tiếp thu, trong thông tin phát đi ngày 19-4, Bộ Công thương cho biết các phương án điều hành xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công thương 2 lần xin ý kiến các bộ, ngành. Mọi ý kiến tham gia của các bộ, ngành đã được tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, loại gạo tẻ thường mà Bộ Tài chính đề nghị cấm xuất khẩu tới ngày 15-6 là gạo IR50404, mục đích là để Tổng cục Dự trữ quốc gia mua vào. Tuy nhiên, Bộ Công thương không tiếp thu các ý kiến này, với lý do là gạo IR50404 diện tích xuống giống rất ít, chỉ 12-13% tổng diện tích. Do đó, nếu chỉ cấm xuất khẩu với loại gạo này thì đa số gạo vẫn được xuất khẩu. Chưa kể, tư duy cấm để ép dân phải bán giá rẻ cho dự trữ là "không thể chấp nhận".

Ngoài ra, nếu theo đề xuất của Bộ Tài chính chỉ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường IR50404 thì toàn bộ gạo xuất khẩu sẽ bị hải quan trưng cầu giám định để đảm bảo rằng gạo xuất đi không phải là gạo IR50404. Như vậy, có nguy cơ phát sinh chi phí, gây gánh nặng cho doanh nghiệp...

Cần có "hội đồng ngành hàng"

* Để hoạt động xuất khẩu gạo được đảm bảo tính bền vững, đảm bảo quyền lợi, lợi ích các bên liên quan, theo ông, giải pháp cần tập trung là gì?

- Để giúp Chính phủ hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, chúng ta cần đưa các đại diện chính đáng cho lợi ích và trách nhiệm của các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo (người sản xuất, người chế biến, kinh doanh, đại diện các địa phương, các bộ ngành liên quan) vào quá trình đóng góp ý kiến và điều hành. Điều này sẽ cho phép nhóm nắm thông tin nhiều chiều. 

Nguyên tắc đại diện là nhân tố đầu tiên để đảm bảo trách nhiệm giải trình và tính công bằng, minh bạch. Còn dùng phần mềm nào, mẫu kê khai ra sao, cách thông tin, cách lựa chọn đối tượng xuất khẩu... sẽ do nhóm trên thỏa thuận và vận hành.

Về lâu dài, ở các quốc gia phát triển xuất khẩu thành công, cách tốt nhất để quản lý phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu không phải là nhiệm vụ của vài bộ ngành liên quan, càng không phải là một vài cục, vụ trực tiếp điều hành, tham mưu cho chính phủ, cũng không phải là những nhóm công tác liên ngành mà phải hình thành các "hội đồng ngành hàng" - một tổ chức liên kết công tư có tất cả các thành phần trong chuỗi giá trị tham gia. 

Tổ chức này kiểm soát các hoạt động đầu tư, phát triển, thị trường của ngành hàng cho quốc gia như quy hoạch, thu hút, bố trí đầu tư, cân đối xuất nhập khẩu và cả các dịch vụ như phát triển khoa học công nghệ, cho vay... Đây là cách Brazil quản lý cà phê, Malaysia quản lý cọ dầu, Thái Lan quản lý mía đường... rất thành công.

* Ông NGUYỄN MINH NHỊ (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang):

Đề nghị thanh tra vụ mở tờ khai "nửa đêm"

Vụ đông xuân năm nay rơi vào thiên tai, dịch bệnh nhưng nông dân không mất mùa mà lại trúng mùa, được giá. Do dịch bệnh nên các nước khác đang cần gạo nên đã tăng nhu cầu nhập khẩu. Lúa lên giá là điều may mắn cho nông dân. Trong khi đó, các bộ, ngành vì lý do này nọ mà điều hành lúc cho, lúc không.

Đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa nhất là vụ đông xuân. Hiện nay nhiều nơi đã trồng lúa hè thu rồi mà điều hành kiểu này là làm khó nông dân rồi. Nếp chủ yếu là gói bánh tét, bánh chưng ăn chứ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.

Việc mở tờ khai hải quan "nửa đêm" là rất kỳ lạ. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cho Thanh tra Chính phủ vào cuộc để làm rõ, người dân, doanh nghiệp rất bức xúc. Nếu cho hạn ngạch phải đấu thầu công khai, tránh khả năng doanh nghiệp trong kho không có hàng mà lại được xuất khẩu. (BỬU ĐẤU ghi)

Vụ xuất khẩu gạo: Bộ Tài chính góp ý gì mà Bộ Công thương Vụ xuất khẩu gạo: Bộ Tài chính góp ý gì mà Bộ Công thương 'không tiếp thu'?

TTO - Trước thông tin Tổng cục Hải quan cho rằng đã góp ý mà không tiếp thu, Bộ Công thương khẳng định mọi phương án điều hành xuất khẩu gạo trình Thủ tướng đều được xin ý kiến các bộ, ngành và được tiếp thu, giải trình đầy đủ.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên