28/12/2015 09:25 GMT+7

Văcxin dịch vụ quá tốn kém

LAN ANH - HỮU KHOA (lananh@tuoitre.com.vn)
LAN ANH - HỮU KHOA (lananh@tuoitre.com.vn)

TT - Câu chuyện văcxin tiếp tục nóng khi từ đầu tuần này, nhiều cơ sở y tế trên cả nước sẽ triển khai cho trẻ chích ngừa. Khó tránh khỏi nhiều phụ huynh bỏ công việc làm, xếp hàng từ đêm trước, thuê nhà trọ gần chỗ chích ngừa để tìm một suất văcxin 5 trong 1 dịch vụ như đã từng diễn ra.

Nhiều phụ huynh bồng bế con thơ trên tay để chờ một suất văcxin 5 trong 1 dịch vụ tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Nhiều phụ huynh bồng bế con thơ trên tay để chờ một suất văcxin 5 trong 1 dịch vụ tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa


Chiều 27-12, ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, xác nhận trung tâm này sẽ nhận đăng ký tiêm chủng trực tuyến từ 9g sáng 29-12 với văcxin 5 trong 1 dịch vụ Pentaxim.

Chỉ đăng ký trực tuyến

9g sáng 29-12, Hà Nội bắt đầu nhận đăng ký tiêm. “Chúng tôi chỉ áp dụng một hình thức đăng ký qua mạng, ngay sau khi phụ huynh đăng ký, hệ thống sẽ xác nhận với người đăng ký có thành công hay không. Chúng tôi không áp dụng hình thức đăng ký trực tiếp”, ông Cảm cho hay.

Ngoài Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nơi nhận được 3.200 liều văcxin 5 trong 1 dịch vụ trong đợt này, 16 điểm tiêm khác ở Hà Nội vẫn đều đang án binh bất động, cẩn thận suy tính tránh "vỡ trận" như đã xảy ra hôm 25-12.

Để tiêm 3.200 liều văcxin này (và có thể một số liều trong đợt văcxin kế tiếp sẽ về cuối tháng 12 này), Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phải thuê hạ tầng của VNPT Hà Nội triển khai đăng ký tiêm chủng qua mạng.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Cảm cho biết khi đăng ký, người đăng ký cần có chứng minh nhân dân của cha mẹ/người giám hộ cho trẻ, khai sinh/chứng sinh của trẻ, khi khớp được lịch tiêm và đưa trẻ đến tiêm chủng, thông tin mã số của từng trẻ đã đăng ký thành công phải khớp với mã số trên hệ thống thì bé đó mới được tiêm.

Xem ra việc chuẩn bị quá vất vả, dù chỉ để tiêm chủng vỏn vẹn có... 3.200 liều văcxin đợt này, còn đợt kế tiếp được phân bổ bao nhiêu vẫn chưa có số lượng cụ thể. Ngoài Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tại Hà Nội còn 16 điểm tiêm văcxin 5 trong 1 dịch vụ nữa, các điểm tiêm này còn đang đợi đợt đăng ký qua mạng sáng thứ ba tới xem có trót lọt thì mới triển khai tại cơ sở của mình.

Các cơ sở này có thể tiến hành song song các hình thức đăng ký qua mạng và đăng ký trực tiếp, tuy nhiên nếu cả 17 cơ sở đều liên thông đăng ký qua mạng như hình thức của Trung tâm Y tế dự phòng thì sẽ giảm bớt phí tổn.

Trắng đêm xếp hàng chờ một suất văcxin

Trong khi đó, nơi được nhận số liều văcxin 5 trong 1 dịch vụ nhiều nhất là TP.HCM vẫn tiếp tục diễn ra cảnh cha xếp hàng từ đêm trước để sáng hôm sau con được một suất chích ngừa.

Sau khi nghe tin văcxin 5 trong 1 đã về đến TP.HCM và đã tiêm tại Trung tâm Y tế dự phòng TP vào ngày 26-12, người dân từ các quận, huyện đã đến Trung tâm Y tế dự phòng xếp hàng từ lúc 20g ngày 26-12 chờ lấy số tiêm văcxin cho con trong ngày 27-12. Nhiều người khăn gói ngồi la liệt chờ đến sáng để được bốc số thứ tự.

Là người xếp hàng đầu tiên, anh Nguyễn Minh Tuấn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể: “Để được ở vị trí số 1 tôi phải chuẩn bị từ 6g chiều ngày 26-12 và ngồi phơi sương cả đêm”.

Trên tay ôm đứa con nhỏ 4 tháng tuổi, chị Thị Huyền (H.Cần Giờ, TP.HCM) cũng kể: “Hai vợ chồng tôi lên thuê nhà trọ ở gần Trung tâm Y tế dự phòng từ ngày 26-12. Chồng tôi tranh thủ qua trung tâm lúc 2g sáng 27-12 nhưng trước đó đã có hơn 100 người chờ rồi. Nhưng cũng còn may mắn, nếu trễ chút xíu nữa là qua vị trí 150 thì lại về không”.

Một lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết trong ngày 27-12 trung tâm tiếp tục tiêm 150 mũi văcxin. Như vậy trong hai ngày 26 và 27-12 trung tâm đã tiêm hơn 300 mũi văcxin trong khi số người đến chờ có cả ngàn người.

Nếu so sánh với khoảng 5 triệu liều văcxin cũng 5 trong 1 là Quinvaxem được tiêm ngừa miễn phí hằng năm, càng thấy chi phí bỏ ra cho 200.000 liều văcxin dịch vụ lần này là lớn, cũng như quá hao tổn sức lực của các bậc phụ huynh và cả nhân lực ngành y tế.

Có cần tốn kém sức người và sức của đến mức này để được tiêm một liều văcxin dịch vụ, trong khi đã có văcxin miễn phí tương tự là Quinvaxem?

Đã có một cuộc tranh luận chưa phân thắng bại xung quanh chuyện này. Tuy nhiên, quyền được lựa chọn văcxin của mỗi phụ huynh là chính đáng. Và ngành y tế nên chăng cần đẩy nhanh tiến độ thử lâm sàng, cấp số đăng ký cho các văcxin dịch vụ khác đang mong chờ có mặt ở Việt Nam, đồng thời tiếp tục điều phối, tìm thêm nguồn văcxin dịch vụ phù hợp.

Một đòi hỏi chính đáng khác của phụ huynh là chất lượng khám sàng lọc ở các tuyến cần được nâng thêm, bởi các ca tử vong sau tiêm vừa qua đều do bệnh nền sẵn có ở trẻ hoặc sốc phản vệ và việc khám sàng lọc không phát hiện được các bệnh nền này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc họp báo vừa diễn ra tại Hà Nội để thông tin về thiếu văcxin dịch vụ, có chuyên gia nêu ý kiến “tuyến dưới không thể sàng lọc các trường hợp tim bẩm sinh trước tiêm”. Và khi không sàng lọc được thì rủi ro vẫn có thể xảy ra, cha mẹ thêm lo ngại khi đưa trẻ đi tiêm ngừa.

Các lưu ý giảm phản ứng bất lợi sau tiêm

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, có một số điều quan trọng cả cha mẹ và nhân viên y tế cần tuân thủ để đảm bảo an toàn cho trẻ, làm giảm số trường hợp phản ứng nặng bất lợi sau tiêm:

l Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng nhằm loại trừ các trường hợp chống chỉ định hoặc các phản ứng nặng của các mũi tiêm trước: hoãn tiêm những trường hợp trẻ đang sốt trên 37,5oC, hạ thân nhiệt dưới 35,5oC (đo nách); hoãn tiêm các trường hợp đang bệnh nặng, cấp tính, nhiễm trùng...

Ngoài ra, các trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh mãn tính thì các bác sĩ khuyến cáo trẻ nên tiêm ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện xử trí cấp cứu, khi có các phản ứng bất thường, như tại phòng tiêm của Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư...

* Tiền sử sinh của trẻ (sinh non tháng/nhẹ cân, vàng da sơ sinh, bệnh nhiễm trùng cấp tính sau sinh) cần được hỏi rõ và hỏi người chăm sóc gần nhất của trẻ.

* Tiền sử bệnh não, dị ứng với các thành phần của văcxin, cần lưu ý cách hỏi và mô tả triệu chứng bệnh.

* Các trường hợp bất thường bẩm sinh (tim bẩm sinh) cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch trước khi cho chỉ định tiêm (đảm bảo trẻ đủ sức khỏe để tiêm) và chỉ tiến hành tiêm tại nơi có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu.

* Hướng dẫn cho phụ huynh cách theo dõi và xử trí các phản ứng thông thường tại nhà, cha/mẹ/người chăm sóc cần chia nhau theo dõi sát trong 24 giờ đầu sau tiêm. Các phản ứng bất lợi nặng có thể xảy ra như ngủ li bì, khóc thét kéo dài trên ba giờ, sốt cao, co giật. Nhân viên y tế cần cung cấp số điện thoại đường dây nóng của điểm tiêm và các cơ sở y tế gần nhất cho cha mẹ trẻ.

* Sốc phản vệ là một tình huống hiếm gặp, nhưng khi xảy ra thì cần đáp ứng rất nhanh từ cán bộ y tế và cả phụ huynh của bé. Giai đoạn phát hiện sớm là “thời gian vàng” cần xử trí ngay theo đúng phác đồ đã hướng dẫn của Bộ Y tế. Phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu như khó thở, tím tái, khóc thét dai dẳng, bỏ bú kéo dài, sưng đau tại chỗ rộng cả đùi...

LAN ANH ghi

LAN ANH - HỮU KHOA (lananh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên