Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tiêm vắc xin Sputnik V của Nga. "Giữ lời hứa với người dân... tôi đã được tiêm chủng vắc xin liều đầu tiên và thấy ổn sau khi được tiêm", ông nói sau mũi tiêm đầu tiên vào ngày 6-3 ở thủ đô Caracas - Ảnh: Reuters
Ngày 6-3, tiến sĩ Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) - đánh giá dữ liệu từ vắc xin Sputnik V "có vẻ khá tốt". Vị chuyên gia hàng đầu về chống COVID-19 ở Mỹ trả lời với Đài truyền hình Skai của Hi Lạp: "Dữ liệu mà tôi nhận thấy từ vắc xin Sputnik V có vẻ khá tốt. Trong khi đó, tôi không có nhiều thông tin về vắc xin của Trung Quốc bởi vì nước này có 2 hoặc 3 loại vắc xin khác nhau, tôi không theo dõi sát hiệu quả tương đối của chúng".
Ông nhấn mạnh rằng cuộc chạy đua vắc xin hiện tại nên là "cuộc đua cùng thắng". "Nếu Nga và Trung Quốc có được vắc xin hiệu quả thì cứ dùng trong nước cũng như cho nước khác. Thành công trong mọi góc độ đều giúp toàn thế giới và đó là một bước tiến đến bảo vệ toàn cầu".
Hôm 4-3, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng cho biết đang xem xét để cấp phép sử dụng vắc xin Sputnik V của Nga. Thông tin này khiến nhiều cơ quan truyền thông đăng tải theo hướng vắc xin sẽ được thông qua, dù quy trình có lâu hơn một chút và thực tế đã có một số quốc gia châu Âu nhỏ chọn dùng vắc xin Nga khi bị các thành viên lớn trong châu lục bỏ bê. Tuy nhiên, EMA khẳng định sẽ đánh giá những dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm đang diễn ra đối với vắc xin Sputnik V cho đến khi có đủ dữ liệu lâm sàng để phê duyệt.
Sputnik V là loại vắc xin tiêm 2 mũi được đánh giá có hiệu quả lên đến 92% trong phòng ngừa bệnh COVID-19 trong một công bố gần đây trên tạp chí y khoa The Lancet. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết nước này hi vọng một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấp phép lưu hành vắc xin Sputnik V trong tháng này và Nga có thể cung cấp khoảng 50 triệu liều cho khu vực này bắt đầu từ tháng 6 tới, sau khi được EMA phê duyệt.
Trong thông báo mới đây, Viện Gamaleya khẳng định Sputnik V là vắc xin ngừa COVID-19 phổ biến thứ hai trên thế giới xét về số lượng các quốc gia đã phê duyệt (46).
Theo đó, phổ biến nhất là vắc xin của Hãng AstraZeneca với 49 quốc gia đã cấp phép sử dụng. Xếp thứ 3 là vắc xin của Pfizer (Mỹ)/ BioNTech (Đức) với 43 quốc gia đã cấp phép sử dụng. Tiếp theo là vắc xin Moderna (19 nước) cũng như 3 loại vắc xin của Trung Quốc là Sinopharm, Sinovac và CanSino, lần lượt được cấp phép tại 18, 16 và 4 nước. Vắc xin Johnson&Johnson đứng ở vị trí thứ 8, được 4 quốc gia chấp thuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận