Hãng Moderna công bố vắcxin COVID-19 cho hiệu quả bảo vệ tới 94,5% theo các kết quả phân tích dữ liệu ban đầu ở thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba - Ảnh: AFP
Ngày 16-11, ông Stéphane Bancel, CEO Hãng dược Mỹ Moderna, công bố vắcxin mRNA-1273 ngừa COVID-19 do họ phát triển cho hiệu quả phòng bệnh tới 94,5% trong các đánh giá ban đầu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.
Dùng tiêu chuẩn vàng
Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba là giai đoạn kiểm tra khả năng phòng chống lây nhiễm virus corona trong thực tế. Vì những người tiến hành thử nghiệm không thể cố tình lây bệnh cho người khác, nên họ phải chờ xem ai sẽ bị lây nhiễm COVID-19 trong nhóm các tình nguyện viên. Từ đó nhóm nghiên cứu sẽ so sánh tỉ lệ lây nhiễm giữa nhóm được tiêm vắcxin của Moderna và nhóm chỉ dùng giả dược (placebo).
Khác với vắcxin do Pfizer và BioNTech công bố tuần trước, Hãng Moderna cung cấp nhiều thông tin hơn về đối tượng thử nghiệm vắcxin COVID-19, theo đó cho thấy hiệu quả của thuốc có tác dụng ở nhiều độ tuổi và nhiều nhóm chủng tộc khác nhau.
Theo giới quan sát, dù mới chỉ là đánh giá bước đầu, song kết quả nghiên cứu vắcxin COVID-19 của Moderna vẫn được đánh giá là quan trọng, mang lại nhiều hi vọng hứng khởi. Bởi trong thử nghiệm này, cả hãng dược lẫn các tình nguyện viên đều không biết ai được tiêm vắcxin, ai được tiêm giả dược.
Đây được gọi là "tiêu chuẩn vàng" trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng nhằm ngăn cả hai nhóm không thay đổi hành vi hoặc có động thái can thiệp có thể làm thay đổi kết quả nghiên cứu theo chủ ý.
Sẽ có một nhóm các nhà khoa học độc lập do chính phủ bổ nhiệm thuộc Ban giám sát an toàn dữ liệu (DSMB) đóng vai trò trung gian giữa các tình nguyện viên và những người thử nghiệm vắcxin. Chỉ DSMB biết ai tiêm vắcxin, ai không, nhưng họ không cung cấp thông tin này cho hãng dược. Họ cũng là nhóm giám sát thử nghiệm để đảm bảo không xảy ra những biến chứng nghiêm trọng và dừng ngay nếu có sự cố.
An toàn là tối thượng
Thông báo ngày 16-11 của Moderna cũng có nghĩa thế giới gần như chắc chắn sẽ có hơn một loại vắcxin ngừa COVID-19 cho hiệu quả cao, và viễn cảnh chấm dứt đại dịch đã không còn quá mờ mịt.
Dù vậy vẫn còn một số vấn đề tạp chí Vox (Mỹ) thận trọng đề cập. Trước hết, những kết quả Moderna công bố về hiệu quả vắcxin mRNA-1273 mới chỉ là kết quả ban đầu. Vắcxin này phải tiêm hai liều cách nhau 4 tuần và đã có một số phản ứng phụ ghi nhận trong thử nghiệm mặc dù mức độ chỉ từ nhẹ tới trung bình, chưa gặp phản ứng phụ nghiêm trọng.
Tuy nhiên vì vắcxin là thứ sẽ phải dùng cho hàng triệu, hoặc có thể là hàng tỉ người, các biến chứng phụ dù nhỏ cũng sẽ xuất hiện với tần suất cao hơn khi tiêm cho nhiều người, nên đây chắc chắn là vấn đề cần được tiếp tục theo dõi. Trên thực tế, các ứng cử viên vắcxin COVID-19 của Johnson & Johnson hay vắcxin của ĐH Oxford và Hãng AstraZeneca cũng từng phải dừng thử nghiệm vì biến chứng ghi nhận ở tình nguyện viên.
Bên cạnh đó, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba chưa kết thúc và các kết quả đánh giá ban đầu của Moderna, giống như vắcxin của Pfizer và BioNTech, mới được trình bày trong thông cáo báo chí, chưa phải trong một báo cáo khoa học có sự bình duyệt của người trong giới (peer-reviewed), một tiêu chí thẩm định chuyên môn quan trọng. Moderna chưa phản hồi về những vấn đề này.
Ngoài ra, dù việc chứng minh hiệu quả của vắcxin là điều quan trọng, song lộ trình để hàng triệu người được tiêm vắcxin trong thời gian tới cũng đặt ra rất nhiều thách thức trong công tác hậu cần (lưu trữ, bảo quản, vận chuyển...). Cả hai loại vắcxin này đều phải được trữ lạnh hoặc ở nhiệt độ thấp.
Theo tạp chí Vox, vắcxin của Pfizer/BioNTech phải trữ ở nhiệt độ -70 độ C hoặc thấp hơn, còn vắcxin của Moderna hoạt động ổn định khi được trữ ở nhiệt độ từ 36 - 46 độ F (2,2 - 7,7 độ C) trong 30 ngày.
Giải pháp vắcxin từ công nghệ mRNA
Vắcxin của Moderna là loại vắcxin mRNA thứ hai tới nay, sau vắcxin của Pfizer và BioNTech, được chứng minh có thể mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa virus corona. Đây là công nghệ mới sử dụng vật chất di truyền RNA, trong trường hợp này là mRNA, để bào chế vắcxin.
Công nghệ này là bước chuyển lớn so với công nghệ bào chế vắcxin truyền thống (thường dùng virus đã bị làm yếu, virus đã chết hoặc một phần của virus). Với RNA và các vắcxin được phát triển bằng công nghệ DNA tương tự, không có cấu trúc nào của virus được tiêm vào cơ thể.
Khi lợi thế cạnh tranh nằm ở... tủ lạnh
Sau gần 10 tháng chạy đua phát triển vắcxin hiệu quả, nhân loại lại đau đầu với bài toán vận chuyển và phân phối vắcxin ra sao. Mọi công sức, tiền bạc mà các hãng dược bỏ ra giờ đây phụ thuộc gần như toàn bộ vào… tủ lạnh (thiết bị bảo quản vắcxin trong quá trình vận chuyển).
Tủ đông siêu lạnh bảo quản vắcxin của Pfizer tại cơ sở ở Puurs (Bỉ) - Ảnh: REUTERS
Vắcxin Pfizer đi trước lại về sau
Hôm 9-11, Hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) tuyên bố họ đã sở hữu loại vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới đạt hiệu quả thử nghiệm đến 90%. Thông tin này lập tức tạo ra một làn sóng xanh trên khắp các thị trường chứng khoán. Nhưng vui chưa được bao lâu, người ta lại trăn trở vì loại vắcxin này đòi hỏi trữ đông ở nhiệt độ -70 độ C trong suốt quá trình vận chuyển.
Sau khi thu thập được nhiều dữ liệu hơn, Pfizer xác định vắcxin có thể duy trì ở mức 2 - 8 độ C trong vòng 5 ngày, nhưng để lưu trữ được lâu hơn, vắcxin cần được bảo quản trong nhiệt độ siêu lạnh khoảng -70 độ C - đồng nghĩa nhiều người ở các vùng xa xôi hẻo lánh có thể sẽ không được tiêm loại vắcxin tốt này.
Tiến sĩ Kelly Moore của Liên minh Hành động tiêm chủng và đồng thời là cố vấn cho Pfizer thừa nhận "chưa từng có bất kỳ loại vắcxin nào ở Mỹ yêu cầu nhiệt độ bảo quản như vậy trước khi sử dụng".
Ông Prashant Yadav, chuyên gia về chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe, cho biết ngay cả ở Mỹ hay trên toàn cầu, vẫn chưa có nhiều tủ đông có nhiệt độ siêu lạnh. Những nơi duy nhất có dây chuyền bảo quản siêu lạnh là các trung tâm y tế học thuật, hệ thống bệnh viện tương đối lớn…
Theo ông Yadav, cách duy nhất để phân phối vắcxin của Pfizer là phải vận chuyển hầu như hằng ngày hoặc ít nhất vài lần trong tuần từ nơi sản xuất đến các điểm tiêm chủng để bảo đảm chúng đạt hiệu quả tốt nhất.
Dễ bảo quản sẽ thắng?
Ngày 16-11, một hãng dược khác của Mỹ là Moderna giải tỏa nỗi băn khoăn về nhiệt độ bảo quản khi tuyên bố vắcxin ngừa COVID-19 của hãng này hiệu quả lên tới 94,5% và không cần giữ ở nhiệt độ siêu lạnh như vắcxin của Pfizer. Người phát ngôn của Moderna nhấn mạnh loại vắcxin của họ chỉ cần được bảo quản ở nhiệt độ gần như tủ lạnh gia đình.
"Vắcxin của chúng tôi có thể lưu trữ trong điều kiện làm lạnh từ 2 - 8 độ C trong khoảng một tuần", vị này tự tin tuyên bố. Nước Anh lập tức "chốt đơn" 5 triệu liều với Moderna, lên lịch giao trước mùa xuân năm 2021. Một quan chức của Liên minh châu Âu cũng tiết lộ với Hãng tin Reuters đang trong quá trình đàm phán mua "hàng triệu" liều vắcxin của Moderna với giá 25 USD/liều.
Như vậy có thể thấy mặc dù Pfizer đi trước nhưng lại về sau Moderna. Vắcxin của Pfizer và Moderna được phát triển dựa trên công nghệ mRNA lần đầu tiên được sử dụng, hứa hẹn sẽ biến cơ thể người tiêm thành một nhà máy tự sản xuất vắcxin chống COVID-19.
Nếu không tính mức độ hiệu quả của vắcxin vì chỉ mới là kết quả sơ bộ, việc vắcxin của Pfizer phải bảo quản ở nhiệt độ tương đương mùa đông Nam Cực trong suốt quá trình vận chuyển đã khiến loại vắcxin này mất lợi thế cạnh tranh trước đối thủ.
BẢO DUY - KỲ THƯ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận