15/12/2020 09:01 GMT+7

Vắcxin COVID-19 'đổ bộ' 50 bang Mỹ

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Ngày 13-12 (giờ Mỹ), những chiếc xe tải và máy bay chất đầy gần 3 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên đã di chuyển ra khắp 50 bang nước Mỹ khi các bệnh viện tăng tốc lập địa điểm tiêm vắcxin.

Vắcxin COVID-19 đổ bộ 50 bang Mỹ - Ảnh 1.

Nhân viên Hãng UPS vận chuyển thùng chứa vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech ở thành phố Louisville, bang Kentucky ngày 13-12 - Ảnh: AFP

Các quan chức liên bang cho biết 145 địa điểm phân phối dự kiến tiếp nhận vắcxin ngày 14-12 (giờ Mỹ) và thêm 425 địa điểm cùng 66 địa điểm khác nhận vắcxin lần lượt vào ngày 15 và 16-12.

Niềm vui đang được gieo trên khắp nước Mỹ. Vui nhất chắc chắn là đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu, những người hồi hộp theo dõi các chuyến hàng từng giây từng phút.

"Vắcxin đang trên đường vận chuyển. Chúc nước Mỹ và thế giới bình phục.

Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter

"Cuộc đổ bộ Normandy"

Việc phân phối những liều vắcxin được phê duyệt đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch tiêm chủng mang nhiều tham vọng nhất trong lịch sử Mỹ.

Đó là một kỳ công quan trọng và phức tạp mà tướng Gustave Perna, một trong các quan chức liên bang hàng đầu và là người chỉ huy chiến dịch Warp Speed, so sánh với cuộc đổ bộ của quân Đồng minh lên bờ biển Normandy (Pháp) trong Thế chiến 2. Ông đánh giá vắcxin là "thứ thay đổi cuộc chơi".

Giờ đây nước Mỹ đang nỗ lực đảo ngược tình hình dịch COVID-19, khi sự lây lan không kiểm soát của nó thời gian qua đã cướp đi gần 300.000 sinh mạng ở Mỹ, tàn phá nền kinh tế và làm đảo lộn cuộc sống của vô số người.

Theo trang Politico, sau khi được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp tuần trước, vắcxin ngừa COVID-19 - được Hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phát triển chung - đã được đưa vào những chiếc thùng đầu tiên để đem lên xe rời khỏi nhà máy sản xuất của Pfizer ở thành phố Kalamazoo, bang Michigan.

Các nhân viên đã vỗ tay khi chiếc xe tải đầu tiên rời khỏi nhà máy. Công ty vận chuyển FedEx và UPS cùng với Hãng hàng không United Airlines và American Airlines giúp phân phối vắcxin tới 50 bang, vùng lãnh thổ và thủ đô Washington.

Công tác vận chuyển vắcxin - phải được giữ ở nhiệt độ cực thấp - vốn phức tạp. Các công ty vận chuyển phải dựa vào nhiều công cụ công nghệ như giám sát nhiệt độ và theo dõi GPS để đảm bảo vắcxin được đưa tới điểm tiếp nhận mà không bị hư hỏng. Ngoài ra còn có lực lượng an ninh hộ tống những chiếc xe tải trên.

Báo New York Times diễn tả các quan chức và nhân viên y tế ở cuối chuỗi phân phối vắcxin chờ đợi trong trạng thái đầy hi vọng và bồn chồn. Họ theo dõi thông tin cập nhật về các lô vắcxin và chuẩn bị những thùng chứa siêu lạnh để bảo quản vắcxin Pfizer ở âm 70 độ C.

Những liều vắcxin đầu tiên sẽ được tiêm cho nhân viên y tế. Người tại các viện dưỡng lão - vốn có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao - cũng được ưu tiên tiêm. "Tôi đang háo hức được tiêm vắcxin. Tôi chỉ muốn cuộc sống của tất cả chúng ta quay lại bình thường" - bà Angela Mattingly (57 tuổi), một trong các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đại học Iowa, chia sẻ.

Vui nhưng vẫn cảnh giác

Tuy nhiên, số ca tử vong do COVID-19 có thể sẽ tiếp tục tăng đáng lo trong nhiều tháng tới vì số ca nhiễm đã tăng vọt ở Mỹ và phần lớn người dân sẽ không được tiêm vắcxin tới mùa xuân năm sau hoặc trễ hơn, theo báo New York Times.

Nếu nhiều tháng qua các quan chức y tế đã bận rộn trong việc kêu gọi người Mỹ đeo khẩu trang và cắt giảm các hoạt động thường ngày để chống dịch, giờ đây họ lại tất bật với một cuộc chiến mới: thuyết phục những người Mỹ vẫn còn hoài nghi về vắcxin rằng vắcxin an toàn và việc vắcxin được FDA phê duyệt nhanh chóng vốn không chịu sức ép chính trị.

Trên khắp nước Mỹ, các thống đốc và quan chức y tế bang đang trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận vắcxin. Thống đốc Phil Murphy của bang New Jersey nói rằng bang này sẽ bắt đầu tiêm chủng vào ngày 15-12 khi nhận lô vắcxin 76.000 liều đầu tiên.

Đánh giá việc có được vắcxin như vậy là "ánh sáng cuối đường hầm", nhưng ông Murphy vẫn lo lắng "những tuần tới sẽ là địa ngục". Ông thúc giục người dân không được lơ là, mất cảnh giác.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế nói rằng những người được tiêm vắcxin nên tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác vì hiện chưa chắc liệu những người đã được tiêm vắcxin vẫn có thể truyền virus cho người khác hay không.

Các quan chức lưu ý nguồn cung vắcxin ban đầu cũng khá hạn chế và chỉ tiêm cho những người trong diện nguy cơ cao nhất. Bác sĩ Moncef Slaoui, cố vấn chiến dịch Warp Speed, cho biết hơn 100 triệu người (tức khoảng 30% dân số Mỹ) có thể được tiêm vắcxin tới cuối tháng 3-2021.

Vắcxin đi xuyên biên giới

Thủ tướng Justin Trudeau của Canada cho biết lô vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên của Hãng Pfizer/BioNTech đã được máy bay đưa tới Canada ngày 13-12 (giờ địa phương).

Lô vắcxin gồm 30.000 liều được đưa tới 14 địa điểm trên khắp Canada và những người gặp nguy cơ cao nhất - gồm nhân viên y tế và người già ở các cơ sở chăm sóc - sẽ được tiêm đầu tiên.

Vắcxin trên đã rời Bỉ (nơi sản xuất) hôm 11-12, sau đó được đưa tới Đức và Mỹ trước khi chuyển tới Canada. Theo Hãng tin Reuters, tuần này Mỹ và Canada dự kiến là những quốc gia phương Tây đầu tiên bắt đầu tiêm vắcxin mới được phê duyệt sau Vương quốc Anh.

"Đây là tin tốt, nhưng cuộc chiến chống COVID-19 của chúng ta vẫn chưa kết thúc. Giờ đây, hơn bao giờ hết, hãy giữ cảnh giác" - Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi, sau khi Canada nhận lô vắcxin đầu tiên của Pfizer/BioNTech.

Singapore ngày 14-12 cũng chính thức phê duyệt vắcxin Pfizer/BioNTech.

Người Anh đầu tiên tiêm vắcxin COVID-19 thấy rất vui vì được là một phần của lịch sử Người Anh đầu tiên tiêm vắcxin COVID-19 thấy rất vui vì được là một phần của lịch sử

TTO - Cụ Margaret Keenan sắp bước sang tuổi 91 là người đầu tiên ở Anh được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech phòng COVID-19, bên ngoài khuôn khổ của các thử nghiệm.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên