09/04/2025 19:16 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về sửa Hiến pháp, sắp xếp đơn vị hành chính

Tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết mới về sắp xếp đơn vị hành chính và cho ý kiến sửa Hiến pháp.

Quốc hội - Ảnh 1.

Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Media Quốc hội

Văn phòng Quốc hội vừa có thông báo về phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra hai đợt.

Đợt 1 từ ngày 14 đến 17-4 (dự phòng ngày 18 đến 21-4); đợt 2 từ ngày 23 đến 28-4 (dự phòng chiều 28 và 29-4). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc, cùng các phó chủ tịch thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Cho ý kiến về việc lấy ý kiến nhân dân sửa Hiến pháp

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, thay thế nghị quyết 35/2023 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ đề nghị sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp.

Tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8.

Tại đợt 1 của phiên họp, nhiều dự luật cũng được cho ý kiến.

Như Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Nhiều dự thảo nghị quyết được cho ý kiến gồm dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công. Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Dự thảo nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại nghị quyết 55/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung theo nghị quyết 28/2016 và nghị quyết 107/2020 của Quốc hội khóa XIV.

Dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết 71 của Quốc hội về nội quy kỳ họp Quốc hội...

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3-2025; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội và nhiều nội dung quan trọng khác.

Cho ý kiến vào nhiều dự luật liên quan sắp xếp bộ máy

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự phòng bốn ngày (từ 18 đến 21-4) để xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Như dự Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, dự Luật Tòa án nhân dân sửa đổi...

Các luật, nghị quyết có liên quan để triển khai chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp…

Các luật có liên quan phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Trong đợt 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét khoảng 20 nội dung khác theo thẩm quyền.

Như cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Xem xét để trình Quốc hội quyết định việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và bầu chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025 - 2026.

Cùng với đó, cho ý kiến về nhiều dự án luật, các nội dung quan trọng khác.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triệu tập kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, khai mạc vào ngày 5-5 và dự kiến bế mạc vào sáng 28-6, chia làm hai đợt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về sửa Hiến pháp, sắp xếp đơn vị hành chính - Ảnh 3.Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sẽ khai mạc ngày 5-5, xem xét sửa Hiến pháp, sáp nhập tỉnh

Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 5-5 và chia thành 2 đợt họp. Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định sửa đổi Hiến pháp, sáp nhập đơn vị cấp tỉnh.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên