Phóng to |
Nguyễn Minh Đức bên cạnh hệ thống rửa quả lọc để tái sử dụng trong chạy thận nhân tạo - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Mới đây, họ lại có thêm đơn đặt hàng mới từ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Bắt tay vào thực hiện đề tài tiếp theo, nung nấu cho ra đời thêm những thiết bị mới phục vụ người bệnh Việt Nam là ước mơ trước thềm năm mới của nhóm những nhà nghiên cứu trẻ tuổi.
Người được nhắc đến nhiều nhất gắn liền với thiết bị trên là chàng trai 23 tuổi Nguyễn Minh Đức. Tốt nghiệp đại học cùng với thành công của thiết bị rửa quả lọc và dây dẫn máu của máy thận nhân tạo, Đức được ký hợp đồng với bộ môn điện tử y sinh để tiếp tục con đường nghiên cứu. “Tôi may mắn hơn nhiều bạn khác khi có một môi trường học tập, nghiên cứu tốt. Và cũng vì thế, dù con đường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập, tôi cũng sẽ lựa chọn để đi tiếp” - Đức chia sẻ.
Ở nhiều nước, quả lọc và dây dẫn thường chỉ dùng một lần. Nhưng trong điều kiện Việt Nam, việc tái sử dụng sẽ tiết kiệm chi phí đáng kể. Với khả năng rửa quả lọc và dây dẫn có thể tái sử dụng thêm đến 10 lần thay cho 3-4 lần khi rửa bằng tay, thiết bị có chi phí rẻ cho người bệnh khi phần đông bệnh nhân suy thận là những người nghèo. Đức nói: “Sản phẩm đã có đơn đặt hàng và bán được cho bệnh viện, nhưng mục tiêu của nhóm là chuyển giao được công nghệ để có thể sản xuất hàng loạt. Tôi mong năm tới mơ ước này sẽ thành hiện thực”.
Ngoài dự định tìm con đường để chuyển giao công nghệ cho thiết bị rửa dây dẫn, quả lọc, Nguyễn Minh Đức đang nghiên cứu thiết bị đo tim bằng điện. Theo Đức, hiện nay dùng điện tâm đồ đo tim theo cách cơ học chỉ cho cái nhìn tổng quan và đa số bệnh nhân muốn chẩn đoán sâu lại phải đi chụp cộng hưởng từ. Chi phí chụp cộng hưởng từ rất tốn kém. Vì vậy, Đức đã nghĩ tới việc tích hợp khả năng đo tim bằng điện, nghĩa là cung cấp điện vào cơ thể rồi đo điện trở đầu ra. Bằng cách này, các chỉ số sẽ có được một cách sâu hơn điện tâm đồ và chi phí tất nhiên sẽ rẻ hơn chụp cộng hưởng từ.
“Trên thế giới, phương pháp đo này đã được chứng minh về giá trị chẩn đoán. Có thể sẽ có người nói thế giới đã có, mình nghiên cứu làm gì. Nhưng ở nước ngoài, điều kiện chăm sóc y tế hoàn toàn khác, bệnh viện không quá tải, giường bệnh sạch sẽ, tâm lý người bệnh thoải mái, trong khi các bệnh viện lớn của mình đều luôn quá tải, chật chội, bệnh nhân chờ đến lượt đã đủ căng thẳng, lại mệt mỏi, mồ hôi, sai số khi dùng các thiết bị chẩn đoán là không tránh khỏi.
Thiết bị đo tim mà tôi hướng tới sẽ tập trung tính toán đo ở tần số nào và khả năng chống nhiễu đến đâu để phù hợp với người bệnh Việt Nam. Đặc biệt, công nghệ mà mình nên dùng là sao cho vừa tốt vừa rẻ, vừa hợp với điều kiện của đất nước mình” - Đức say sưa nói về ý tưởng của mình.
Đức cho biết nếu nói đến một “giấc mơ xa”, anh muốn trở thành người quản lý và định hướng sản phẩm công nghệ cho một công ty hay có được một công ty mở ra công nghệ “made in Vietnam”. Vì sản phẩm công nghệ của Việt Nam là một thị trường rộng mở, cái thiếu chỉ là chưa nhiều người, chưa nhiều đơn vị dám đầu tư. Để chuẩn bị ước mơ này, việc trang bị kiến thức rộng, cả về chuyên môn điện tử, công nghệ, cả về kiến thức kinh doanh để định giá sản phẩm một cách khách quan là rất quan trọng. Giấc mơ xa ấy sẽ được nhà nghiên cứu trẻ đầy tâm huyết chuẩn bị và nuôi dưỡng bằng những ước mơ gần mà anh và đồng nghiệp đang hướng đến.
"Tôi nghĩ các thế hệ trẻ đều có những người giỏi, có ý tưởng độc đáo và có giá trị ứng dụng vào cuộc sống. Nhưng không phải người trẻ nào cũng có một môi trường tốt để biến ý tưởng thành hiện thực. Thử tìm hiểu trên nhiều trang web về kỹ thuật công nghệ, sẽ thấy không ít sản phẩm nghiên cứu của các bạn trẻ được up lên, trong đó có nhiều sản phẩm có giá trị cao. Nhưng để các bạn trẻ thành công trong các đề tài lớn hơn, nghiên cứu có tính dài hơi, liên tục thì cần có chính sách hợp lý hơn thu hút người tài, khuyến khích người làm khoa học. Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thay đổi quan điểm trong việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Có đầu ra, có môi trường tốt thì sẽ có nhiều người trẻ dám dấn thân vào con đường này" NGUYỄN MINH ĐỨC |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận