Thầy giáo trẻ Trần Vũ Luân nhặt được 88 triệu đồng và tìm cách trả lại cho người mất - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Trên đây là cảm thán của nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng xung quanh hai câu chuyện đánh bạc ngàn tỉ và việc thầy giáo trẻ Trần Vũ Luân tử tế trả lại 88 triệu đồng cho người bị mất.
Nhằm góp thêm một góc nhìn chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu chia sẻ này.
"Không có những con số tiền tỉ múa may phù phép - thầy giáo trẻ Trần Vũ Luân lặng lẽ của hành trình tìm kiếm một công việc làm với số lương một vài triệu đồng. Sống một cuộc đời lương thiện, lỡ nhặt của ai cái gì thì tìm ngay người ta trả lại. Dung dị mà cao cả làm sao".
Nguyễn Văn Tiến Hùng
Có vài bức tranh nhỏ nhỏ trong dòng tin tức: trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ trên mạng, nhân vật đeo quân hàm thiếu tướng công an, kẻ được giao cái ghế Cục trưởng cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao, thực chất không phải là cái gật đầu bảo kê mà còn rành mạch ký hợp đồng chia chác lợi nhận với tội phạm.
Số 20% tiền lợi nhuận phần của ông ta, theo hợp đồng, sẽ chảy vào tài khoản một cách mặc nhiên, từ phút, từng giờ, từng ngày...
Chỉ cần ngồi yên trên ghế chống tội phạm, ông ta đã phủ phê vương giả với tiền nong mà rao giảng chuyện giáo điều, đạo đức, chỉ đạo cấp dưới không ngừng cảnh giác, quán triệt tư tưởng này nọ.
Và một bức tranh khác: giữa lúc 500 giáo viên ở Daklak đùng một phát, như trời đánh, bị cắt hợp đồng ngẩn ngơ khóc lóc thì ở một nơi gần đó, Pleiku, thầy giáo Trần Vũ Luân nhặt được 88 triệu đồng và tìm cách trả lại cho người mất.
Bạn thầy giáo này 25 tuổi, học sư phạm ra, dạy Vật Lý ở một trường PTCS nhưng vừa kết thúc hợp đồng vì cái chỗ dạy của anh ấy chỉ là dạy thế chân một cô giáo nghỉ hậu sản tạm thời.
Chia sẻ với báo chí, thầy giáo Luân nói: "Tôi đang đi tìm học trò để dạy gia sư thôi. Hiện nay để kiếm được 1 công việc giảng dạy trong trường học là rất khó khăn. Trước mắt, tôi vẫn dạy gia sư cho 1 học sinh cho đến hết năm học, đồng thời phụ giúp gia đình làm nông nên cũng có 1 vài việc để làm, không bị thời gian trống nhiều".
Và mối quan tâm của thầy giáo này là câu chuyện 500 giáo viên thất nghiệp ở Daklak: "Tôi thấy rất buồn, giờ đây những người đó không biết sẽ kiếm được việc gì để làm?".
Người ta thấy trong câu chuyện này, không có những con số tiền tỉ múa may phù phép - nó chỉ còn lặng lẽ của hành trình tìm kiếm một công việc làm với số lương một vài triệu đồng. Sống một cuộc đời lương thiện, lỡ nhặt của ai cái gì thì tìm ngay người ta trả lại.
Câu chuyện của sự lương thiện nhỏ nhoi, lủi thủi đi trong hành trình cuộc sống. Chuyện mà đọc xong, nghe xong, người ta thấy thương quá, thấy cuộc sống như đang bị mất cắp. Kẻ nào đó, bằng phù phép, đã đánh cắp mọi ước mơ thiện lương của con người.
Sự tham tàn và âm mưu khiến chúng bước qua mọi lằn ranh để kéo hết bạc tiền xã hội cho chảy vào tài khoản của riêng mình rồi ăn sang mặc đẹp và to mồm bắt cả thế gian phục vụ hoặc đôi khi cao ngạo bày tỏ lòng thương hại với những cô thế, lẻ loi của con người bên kia cửa số lâu đài của chúng!
Tôi nhớ cái cách anh bạn Jesse Peterson nghĩ: "Ôi, cuộc sống này tiền bạc là đủ hết cho mọi người, nếu mình tìm cách lấy nhiều hơn, tức là mình đang vét sạch túi người khác đó".
Và, cái túi tương lai lép kẹp của 500 giáo viên đang hụt hẫng, cái hành trình hàng ngày đi tìm học trò để dạy gia sư của thầy giáo Luân giống như một dãy phân cảnh nhỏ xíu, bạc màu phía góc dưới cùng của một bức tranh cổ thật to, mô tả những kẻ cầm đũa phép, phất một cái để bạc tiền thành cơn lốc cuốn hết vào tay áo chúng, còn lại là bầu trời tối thui, ảm đạm..."
Bài viết thể hiện quan điểm góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận