06/06/2020 11:10 GMT+7

Ước được như vải thiều

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Có thể còn những ý kiến khác về đề xuất hỗ trợ chi phí xét nghiệm và cách ly cho thương nhân Trung Quốc, nhưng qua đó cho thấy quyết tâm để người trồng vải được hưởng trọn thành quả lao động của mình, quả vải chinh phục thị trường thế giới.

Hôm nay 6-6, hội nghị trực tuyến về xúc tiến tiêu thụ vải thiều được tổ chức với điểm cầu chính tại Bắc Giang cùng các điểm cầu tại các tỉnh thành trên toàn quốc, kết nối với 4 điểm cầu tại Trung Quốc gồm: TP Nam Ninh, Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây); TP Côn Minh, huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam). 

Ngay khi kết thúc hội nghị, Bắc Giang sẽ tổ chức lễ xuất hành đoàn xe vải thiều đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.

Quả vải bước ra thế giới với sự tham gia của hơn 300 thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam, chấp nhận cách ly gần nửa tháng trời rồi mới được ra chợ mua vải. Ngay chuyên gia Nhật Bản, để đưa quả vải sang xứ sở mặt trời mọc, cũng vừa đáp chuyến bay riêng sang Việt Nam, trong trang phục bảo hộ phòng chống dịch và được đưa đi cách ly, trước khi tham gia giám sát quy trình thu hoạch, bảo quản, đóng gói các lô vải xuất khẩu.

Chọn thị trường khó tính như Nhật Bản làm bến đỗ với nhiều vòng kiểm soát khắt khe trên từng lô quả, người trồng vải và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây đều tin nếu qua được "cửa ải" này, vải thiều gần như chắc chắn sẽ vào được các nước khác.

Nhớ vài năm trước, có lúc, quả vải trong tình trạng chờ "giải cứu", giá rớt thảm hại, người trồng vải ê chề mới thấy nỗ lực nâng giá trị cho vải hôm nay. Trong bối cảnh dịch COVID-19 căng thẳng, những hoạt động xúc tiến thương mại vẫn được tích cực triển khai. 

Có thể còn những ý kiến khác về đề xuất hỗ trợ chi phí xét nghiệm và cách ly cho thương nhân Trung Quốc, nhưng qua đó cho thấy quyết tâm của Bắc Giang, một tỉnh trung du, để người trồng vải được hưởng trọn thành quả lao động của mình, quả vải phải được chinh phục thị trường thế giới.

Câu chuyện tích cực của quả vải bé nhỏ đã cho thấy lỗi yếu kém lâu nay, nông sản bị bỏ mặc nhưng lại đổ lỗi cho khách quan, thậm chí đâu đó còn lập barie gây khó cho doanh nghiệp, cho địa phương. Sự kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều hôm nay phải lan tỏa thành sự chủ động của các địa phương, vào cuộc của các bộ ngành. Khó đâu, gỡ đấy, vướng ở bộ nào, bộ đó phải chịu trách nhiệm.

Khi chính sách đồng bộ và được quan tâm toàn diện, quả vải có vị thế khác, thênh thang ra đường lớn chứ không phải nơm nớp theo đường tiểu ngạch. Chỉ khi tôn vinh đúng giá trị, vùng trồng vải mới phát triển và đóng góp được cho kinh tế đất nước. 

Ở một đất nước nhiệt đới như Việt Nam, nhiều chuyên gia nông nghiệp khẳng định "nhìn đâu cũng ra thế mạnh". Quan trọng nhất khi sản phẩm được tôn vinh, phải có chiến lược giữ chất lượng, đừng để "một lần bất tín, vạn lần mất tin".

Có thể nói vải thiều đã "vượt vũ môn". Người sản xuất nhiều mặt hàng nông sản khác cũng ước ao một ngày nào đó họ và sản phẩm của họ cũng được đi con đường mà vải thiều đã đi qua. Nhưng để ước mơ ấy thành hiện thực không chỉ phụ thuộc vào người nông dân. 

Bài học của vải thiều Bắc Giang đang thôi thúc nhiều địa phương khác phải làm gì đó chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, có vậy mới đưa nhiều loại nông sản khác thoát kiếp lận đận, sớm "vượt vũ môn".

Vải thiều được mùa, trúng giá Vải thiều được mùa, trúng giá

TTO - Hôm nay 6-6, tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều, với sự tham gia của nhiều địa phương trong cả nước và 4 điểm cầu tại Trung Quốc.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên