26/02/2021 07:46 GMT+7

Ứng viên giám đốc CIA William Burns: 'Chống Trung Quốc là quan tâm số 1 trong nhiệm kỳ của tôi'

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Trong bài phát biểu điều trần trước Ủy ban tình báo Thượng viện ngày 24-2, ứng viên giám đốc CIA William Burns nhấn mạnh Trung Quốc là mối lo ngại hàng đầu của nước Mỹ, và chống lại nước này là quan tâm số 1 trong nhiệm kỳ của ông.

Ứng viên giám đốc CIA William Burns: Chống Trung Quốc là quan tâm số 1 trong nhiệm kỳ của tôi - Ảnh 1.

Ứng viên giám đốc CIA William Burns tuyên thệ tại phiên điều trần của Ủy ban tình báo Thượng viện tổ chức ở đồi Captiol hôm 24-2-2021 - Ảnh: Reuters

Ông Burns tiết lộ rằng Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) sẽ tuyển thêm nhân viên biết tiếng Trung Quốc, sắp xếp lại nguồn lực cho mục tiêu lâu dài, chuẩn bị cho các thách thức mang tính tác chiến và phân tích đối với mối đe dọa Trung Quốc.

Chính quyền Biden cứng rắn

Ứng viên giám đốc CIA nhấn mạnh rằng các hành vi của Trung Quốc trong những năm gần đây là "hồi chuông cảnh tỉnh" đối với chính quyền Mỹ. "Tham vọng hung hăng và không giấu giếm" của Trung Quốc thể hiện bản chất của một Trung Quốc muốn đối đầu với nước Mỹ.

Bài điều trần của ông Burns, vốn từng làm cựu đại sứ Mỹ tại Nga từ 2005 - 2008, gợi nhớ tới bài báo có tựa đề "Nguồn gốc hành vi của Liên Xô" vào năm 1946 của nhà ngoại giao Mỹ George Kennan vốn đặt nền tảng cho chính sách kiềm chế, ngăn chặn phe Liên Xô, mở đầu cho cuộc chiến tranh lạnh sau đó (1947 - 1991).

Trong bài phát biểu, ứng viên giám đốc CIA kêu gọi Mỹ nên chuẩn bị cho những thách thức từ mối lo ngại Trung Quốc, nhưng ông cho rằng cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay không "giống trong thời chiến tranh lạnh với sự đối kháng chỉ về an ninh và hệ tư tưởng", mà còn nhiều lĩnh vực khác bao gồm cả nhân quyền, công nghệ và kinh tế.

Phát biểu của ông Burns chỉ là sự tiếp nối của một loạt phát biểu cứng rắn của các chính quyền Mỹ. Trái với nhiều đồn đoán trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020 cho rằng Tổng thống Biden sẽ áp dụng một chính sách mềm dẻo với Trung Quốc như dưới thời tổng thống Obama, nội các của ông Biden thể hiện một bức tranh hoàn toàn khác: mạnh mẽ, dứt khoát và trực tiếp.

Chỉ trong hai tháng đầu nhiệm kỳ, các chỉ trích thẳng thừng nhắm vào Trung Quốc vượt qua cả các lễ nghi lịch sự mặc dù phía Trung Quốc cố gắng nhũn nhặn, đề nghị Mỹ nên sửa chữa những "sai lầm" của chính sách hung hăng dưới thời tổng thống Trump.

Giội gáo nước lạnh, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan hôm 29-1 tuyên bố Mỹ chuẩn bị bắt "Trung Quốc phải trả giá cho những gì Trung Quốc đang làm ở Tân Cương, Hong Kong cũng như chính sách hung hăng và đe dọa mà Trung Quốc đang triển khai đối với Đài Loan". Để đáp trả, Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Mỹ sẽ thể hiện sức mạnh

Mặc dù vấn đề nhân quyền là trọng tâm của chính quyền Biden nhưng Washington không giấu giếm chính sách ngăn chặn việc Bắc Kinh đang cố gắng thay thế trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Dương Khiết Trì vào ngày 6-2, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết Mỹ sẽ "bảo vệ lợi ích quốc gia của mình" và bắt "Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm" đối với việc phá hoại trật tự quốc tế hiện đang được xây dựng dựa trên luật lệ.

Một khu rừng không thể có hai con hổ khi Washington vẫn muốn duy trì thế giới đơn cực của siêu cường Mỹ. Trong cuộc nói chuyện với Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4-2, Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh: "Vai trò lãnh đạo của Mỹ phải đối phó được giai đoạn mới khi chủ nghĩa chuyên chế đang tiến bước, bao gồm sự tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc đối đầu với Mỹ.

Chúng ta phải đương đầu với các hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại hành động ép buộc, hung hăng của Trung Quốc; đẩy lùi sự tấn công của Trung Quốc về nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu".

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài CNN, Ngoại trưởng Blinken thể hiện rõ quan điểm của chính quyền Biden rằng dù cho các khía cạnh khác nhau của mối quan hệ với Trung Quốc là mang tính hợp tác, cạnh tranh hay đối đầu thì Mỹ phải tiếp cận mối quan hệ từ "vị trí sức mạnh".

Điều đó thể hiện Mỹ sẽ thể hiện sức mạnh của mình nhiều hơn trong thời gian tới bởi vì "nếu Mỹ lui lại, Trung Quốc sẽ chiếm chỗ". Có lẽ Trung Quốc sẽ không chịu ngồi yên và chấp nhận chiếu dưới trong quan hệ với Mỹ. Năm 2021 chỉ là khởi đầu của một loạt khởi đầu căng thẳng khác.

Ngoại giao chiến lang phản tác dụng

Để đối phó lại với Mỹ và đồng minh thì Trung Quốc cũng nên tạo một hệ thống các quốc gia liên minh và đối tác của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải tự trách mình khi các quốc gia ngày càng e ngại hơn đối với các hành vi o ép của Trung Quốc.

Ngoại giao chiến lang của Trung Quốc với các chính sách sẵn sàng đáp trả và trừng phạt các nhận xét tiêu cực về Trung Quốc đã gây phản tác dụng. Một quốc gia thậm chí khá trung lập như Na Uy cũng thường xuyên bị Trung Quốc hăm dọa do liên quan đến vấn đề trao giải Nobel liên quan đến nhân vật bất đồng chính kiến ở Trung Quốc. Úc, một quốc gia từng ủng hộ sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc, cũng phải chịu sự trả đũa kinh tế từ Trung Quốc cho việc đòi điều tra độc lập nguồn gốc virus corona.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung ký thời ông Trump đã thất bại Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung ký thời ông Trump đã thất bại

TTO - Theo báo cáo từ Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), phần lớn thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc cách đây 1 năm đã “thất bại”, tuy có một số yếu tố “đáng được duy trì và xây dựng”.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên