17/02/2025 17:01 GMT+7

Ứng dụng ‘phiên tòa số hóa’ xét xử vụ tranh chấp liên quan công ty luật nước ngoài tại TP.HCM

Tòa án nhân dân quận 1 (TP.HCM) đã ứng dụng phiên tòa số hóa vào xét xử vụ tranh chấp liên quan công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

Ứng dụng ‘phiên tòa số hóa’ xét xử vụ tranh chấp liên quan công ty luật nước ngoài tại TP.HCM - Ảnh 1.

Hội đồng xét xử công bố quyết định hoãn phiên tòa - Ảnh: ĐAN THUẦN

Chiều 17-2, Tòa án nhân dân quận 1 (TP.HCM) mở phiên tòa xét xử vụ "tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) và bị đơn là Công ty TNHH Luật Baker & Mckenzie Việt Nam.

Tại phần thủ tục, thư ký phiên tòa báo cáo đại diện bị đơn có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe kèm đơn thuốc của bệnh viện.

Đề nghị trên của bị đơn được hội đồng xét xử chấp thuận sau khi hội ý. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 28-2.

Theo nội dung khởi kiện, ngày đầu năm 2008 bà Hà ký hợp đồng lao động với Công ty Thiên Đỉnh với chức danh giám đốc tài chính. 

Đến năm 2018, bà Hà được bổ nhiệm kiêm nhiệm vị trí kế toán trưởng của Công ty Thiên Đỉnh và Công ty TNHH I.R.

Công ty Luật TNHH Baker & Mckenzie (Việt Nam) là công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài, là tổ chức thực hiện dịch vụ pháp lý cho hai công ty trên.

Giấy phép hoạt động do Sở Tư pháp TP.HCM cấp thì lĩnh vực hành nghề của Công ty Baker & Mckenzie Việt Nam gồm: "Tư vấn pháp luật nước ngoài, soạn thảo văn bản, đại diện khách hàng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật Việt Nam".

Tuy nhiên, nguyên đơn cho rằng bị đơn có những vi phạm, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Cụ thể, bị đơn cử hai nhân viên nhưng không có ủy quyền hợp pháp để tham gia trực tiếp vào việc thực hiện các cuộc điều tra, rà soát; trực tiếp thu giữ máy tính, điện thoại di động của bà Hà vào hai ngày là ngày 14-2-2020 và 1-4-2020; 

Và mặc dù không phải luật sư nhưng nhân viên công ty của bị đơn cũng đã tham gia tư vấn pháp luật về phương án sử dụng lao động của Công ty Thiên Đỉnh, mục đích cho bà Hà nghỉ việc.

Nguyên đơn còn cho rằng một luật sư cộng sự của bị đơn trong quá trình trao đổi với luật sư đại diện của nguyên đơn mà chưa được bị đơn ký ủy quyền, nên việc luật sư này tham gia tư vấn pháp luật Việt Nam với tư cách cá nhân để giải quyết tranh chấp lao động giữa bà Hà và Công ty Thiên Đỉnh là vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, nguyên đơn "tố" luật sư của Công ty Baker & Mckenzie Việt Nam nhưng đã tham gia tố tụng tại tòa án với tư cách đại diện theo ủy quyền và luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty Thiên Đỉnh tại hai phiên tòa lao động trước đó là sai.

Bà Hà đưa ra chứng cứ là vi bằng ghi nhận trang web của Baker McKenzie Việt Nam có tên những luật sư liên quan trên.

Từ đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai về hành vi hoạt động không đúng phạm vi hành nghề và lĩnh vực hành nghề gây thiệt hại quyền lợi hợp pháp của bị đơn. Đồng thời bồi thường tổn thất về tinh thần cho nguyên đơn số tiền 18 triệu đồng.

Trong khi đó, bị đơn khẳng định luật sư cộng sự mà nguyên đơn đề cập đã được bị đơn ủy quyền (bao gồm phụ trách khách hàng là Công ty Thiên Đỉnh). Luật sư này không tư vấn cho Công ty Thiên Đỉnh theo tư cách cá nhân.

Theo bị đơn, hai luật sư tham gia tố tụng tại phiên tòa lao động trước đó thuộc Công ty luật BMVN, là đối tác của bị đơn.

Đối với vi bằng mà bà Hà cung cấp, bị đơn cho rằng website là nền tảng chung được sử dụng để đăng tải thông tin các công ty luật thành viên và công ty đối tác hệ thống Baker McKenzie trên toàn cầu, không phải website của riêng bị đơn...

Từ những căn cứ trên, bị đơn không đồng ý với toàn bộ nội dung các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đề nghị tòa án không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện.

Chấm dứt hợp đồng trái quy định, phải bồi thường hơn 9,2 tỉ đồng

Liên quan việc hợp đồng lao động của bà Nguyễn Thị Thu Hà bị chấm dứt, ngày 4-6-2024 Tòa án nhân dân TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà này đối với Công ty Thiên Đỉnh.

Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty Thiên Đỉnh là trái với quy định. Từ đó, buộc Công ty Thiên Đỉnh bồi thường cho bà số tiền tổng cộng hơn 9,2 tỉ đồng.

Có gì ở phiên tòa số hóa?

Ứng dụng ‘phiên tòa số hóa’ xét xử vụ tranh chấp liên quan công ty luật nước ngoài tại TP.HCM - Ảnh 2.

Cán bộ tòa án quận 1 giới thiệu về phiên tòa số hóa - Ảnh: ĐAN THUẦN

Đây là phiên tòa số hóa thứ 4 mà Tòa án nhân dân quận 1 đưa phần mềm "hỗ trợ tranh tụng" do chính cán bộ tòa viết ứng dụng vào xét xử.

Cụ thể đối với phiên tòa số hóa, từ giai đoạn thụ lý vụ án, các tài liệu, chứng cứ liên quan đã được cập nhật vào hệ thống. Khi tranh tụng, các bên tham gia được tương tác trực tiếp đối với các tài liệu, chứng cứ trong vụ án đã được cập nhật trong phần mềm được tích hợp vào máy tính của tòa.

Ngoài ra, các bên còn có thể đưa ra tài liệu, chứng cứ mới thông qua thư ký phiên tòa, với sự đồng ý của hội đồng xét xử.

Ứng dụng ‘phiên tòa số hóa’ xét xử vụ tranh chấp liên quan công ty luật nước ngoài tại TP.HCM - Ảnh 3.Sa thải giám đốc tài chính sai luật, doanh nghiệp phải bồi thường hơn 9,2 tỉ đồng

Hôm nay 4-6, TAND TP.HCM tuyên án vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thu Hà (vị trí giám đốc tài chính) và bị đơn Công ty Thiên Đỉnh.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên