16/08/2024 11:57 GMT+7

Ukraine xâm nhập vùng Kursk liệu có là bước ngoặt nguy hiểm?

Ukraine kỳ vọng có một bước ngoặt cho cuộc xung đột với Nga bằng việc tấn công, tràn qua biên giới ở vùng Kursk của Nga. Nhưng Kiev cần nhiều nỗ lực để thực sự tạo ra bước ngoặt và nếu thành công, đó có thể là bước ngoặt nguy hiểm.

Ukraine xâm nhập vùng Kursk liệu có là bước ngoặt nguy hiểm?- Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine phóng một lựu pháo về hướng binh lính Nga - Ảnh: Reuters

Ngày 15-8, giao tranh tại vùng Kursk tiếp diễn khi Ukraine hé lộ thêm ý định từ chiến dịch này. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Igor Klymenko, Ukraine muốn tạo ra một "vùng đệm" trong khu vực nhằm ngăn các cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga.

Cái được lớn nhất của Ukraine

Khi Ukraine tiến vào Kursk vào ngày 6-8, động thái này đã khiến cả Nga lẫn những đồng minh của chính Ukraine bất ngờ. Gần 10 ngày trôi qua, giới phân tích vẫn loay hoay tìm hiểu động cơ thực sự của Ukraine. Nhưng Ukraine gặt hái được gì từ chiến dịch này?

Về chính trị, một số nhà phân tích đoán rằng Ukraine muốn gom càng nhiều lợi thế càng tốt, để củng cố vị thế trên bàn đàm phán về một thỏa thuận hòa bình trong tương lai. Về quân sự, một số nói việc buộc Nga dồn quân tới Kursk là cách để Ukraine giảm căng thẳng cho các mặt trận còn lại.

Mặc dù vậy đa phần các chuyên gia quốc tế tỏ ra hoài nghi về toan tính của Ukraine. Kiểm soát gần 1.150km2 ở lãnh thổ Nga một cách chớp nhoáng, nhưng liệu Ukraine duy trì được bao lâu trước một đối thủ trên lý thuyết trội hơn hẳn về hỏa lực và nhân sự? 

Thiết lập một "vùng đệm" nghe có vẻ hợp lý hơn kỳ vọng tăng sức nặng cho Ukraine trên bàn đàm phán, hoặc toan tính về khả năng "trao đổi lãnh thổ".

Giáo sư Stephen Walt thuộc Trung tâm khoa học và quan hệ quốc tế Robert và Renée Belfer (ĐH Yale), đưa ra con số dễ hình dung: 1.000km2 trên tổng diện tích lãnh thổ 17 triệu km2 của Nga tức là Ukraine đang "chiếm đóng" 0,00588% nước Nga!

Cái được của Ukraine về chính trị là làm suy giảm uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là ý được đa số chuyên gia phương Tây phân tích những ngày qua, dù nhiều người cũng khẳng định về lâu dài việc này chưa hẳn mang ý nghĩa thay đổi cục diện, nếu xét đến những vụ đình đám trong quá khứ như các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea, hay vụ nổi loạn của ông chủ tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin.

Song màn đột kích vào Kursk vẫn để lại một thông điệp quan trọng: nhắc nhở phương Tây rằng Ukraine vẫn có khả năng kháng cự. Đó là một câu chuyện về tâm lý chiến. Năm 2023, Ukraine bị đánh giá thất bại trong một cuộc phản công được kỳ vọng rất nhiều. 

Một số ý kiến từ phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Putin đang tận dụng triệt để điều đó, bằng cách cố gắng khiến tất cả tin chuyện Ukraine thất bại chỉ là vấn đề thời gian. Và nếu hình thành được tâm lý ấy từ nhiều bên, Nga không đánh vẫn thắng.

Ngưỡng mới của xung đột

Hôm 15-8, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson lặp lại quan điểm cho rằng Ukraine có quyền tự vệ cả bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ của mình. Theo ông Jonson, Thụy Điển - một nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng không được thông báo trước về kế hoạch tấn công của Ukraine vào vùng Kursk.

Việc nhấn mạnh quyền tự vệ của Ukraine ngay trên lãnh thổ Nga là sự thay đổi lớn so với cách tiếp cận thận trọng của phương Tây lâu nay. Giới làm chính sách phương Tây từng gắn chặt với quan điểm ngăn Ukraine sử dụng vũ khí do họ viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga, lo ngại kịch bản chiến tranh lan rộng.

Các chuyên gia pháp lý đồng ý rằng luật pháp quốc tế "cho phép một nước tự vệ cũng có thể bảo vệ mình trên lãnh thổ của bên tấn công". 

"Điều này cũng rất rõ ràng theo quan điểm của chúng tôi", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Arne Collatz nói. Tuy nhiên theo Reuters, bản thân NATO rất lo lắng về khả năng chiến tranh với Nga, một cường quốc hạt nhân. Vài đồng minh phương Tây của Ukraine không muốn Kiev dùng vũ khí viện trợ tấn công trên đất Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani nhấn mạnh vũ khí do Ý cung cấp "không thể được sử dụng để tấn công Nga trên lãnh thổ của Nga". Tới nay, Ukraine đã dùng vũ khí của Mỹ viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga sau khi Washington nới lỏng các hạn chế.

NATO đã từ chối bình luận về Kursk. Phản ứng của các bên trong những ngày tới có thể là câu trả lời cho việc liệu xung đột Ukraine - Nga có thực sự vượt qua ngưỡng mới hay không.

Ukraine bác cáo buộc phá hoại Nord Stream 2

Trao đổi với Reuters ngày 15-8, ông Mykhailo Podolyak - cố vấn của tổng thống Ukraine - bác bỏ ý kiến cho rằng Kiev liên quan tới các vụ nổ làm hư hại Nord Stream 2 - đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu qua biển Baltic.

"Hành động như vậy chỉ có thể được thực hiện với những nguồn lực tài chính và kỹ thuật dồi dào... và ai có được những điều này tại thời điểm xảy ra vụ nổ? Chỉ có Nga", ông Podolyak tố ngược Matxcơva.

Vụ phá hoại Nord Stream 2 rất nhạy cảm với châu Âu, vì đó không chỉ là tài sản của Nga. Một vụ nổ do Ukraine hay bất kỳ nước phương Tây nào thực hiện cũng sẽ bị xem là hành động "đâm sau lưng đồng minh".

Hôm 14-8, các công tố viên Ba Lan khẳng định nước này đã nhận một lệnh bắt do Đức đưa ra liên quan vụ việc, nhưng một nghi phạm người Ukraine tên là Volodymyr Z đã rời khỏi Ba Lan. Tuần trước, tờ Wall Street Journal của Mỹ còn gây sốc khi đưa tin "các quan chức hàng đầu Ukraine" đã tham gia vào vụ phá hoại trên.

Ukraine lập văn phòng chỉ huy ở Kursk, chiếm thị trấn SudzhaUkraine lập văn phòng chỉ huy ở Kursk, chiếm thị trấn Sudzha

Ukraine cho biết đã lập văn phòng chỉ huy quân sự ở vùng Kursk trong lúc tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ Nga, tiến thêm khoảng 1,5km trong 24 giờ qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên